Hỗ trợ doanh nghiệp: Chia sẻ và minh bạch
Để doanh nghiệp (DN) có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ về tư vấn, quản trị rủi ro, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả…
Đây là ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo “Chính sách tài chính hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cùng Trường ĐH Tài chính - Marketing tổ chức cuối tuần qua ở TPHCM.
Nhiều DN cho rằng con số gần 50.000 DN phá sản vào năm 2011 đang và sẽ tiếp tục tăng lên do kinh tế khó khăn. Thực trạng đó đang gây hiệu ứng domino cho hàng loạt DN khác, khiến ngay các đơn vị làm ăn lành mạnh cũng “vạ lây” khi không thể thu hồi nợ từ đối tác đang khó khăn hoặc phá sản…
Theo các DN, vướng mắc nhất hiện nay chính là vốn, không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng (NH). “Lẽ ra lúc này, NH nên chia sẻ khó khăn với DN, cộng đồng. Các DN phá sản hàng loạt nhưng nhiều NH vẫn lãi lớn” - ông Phạm Như Mách, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Mai Lan, nói. Đồng thời, Nhà nước cần có nhiều hơn chính sách hỗ trợ tài chính cho DN nhỏ và vừa. Cả nước hiện có 12 quỹ bảo lãnh tín dụng, 285 dự án và 1.785 phương thức bảo lãnh kinh doanh đã được thực hiện với số tiền khoảng 15.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này chiếm chưa tới 1% trên tổng số vốn mà 500.000 DN cần...
Ở góc độ khác, đại diện NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng NH rất muốn cho DN vay nhưng đa phần các DN nhỏ và vừa hiện nay không đưa ra được phương án sản xuất kinh doanh hoặc dự án đầu tư tốt… Tình trạng không minh bạch trong báo cáo tài chính khiến DN càng khó vay vốn. Nhiều DN đang áp dụng chế độ 2-3 sổ sách hạch toán. Với cơ quan thuế, DN luôn báo cáo lỗ để giảm thuế, né thuế; còn khi mang hồ sơ đến vay vốn NH lại rất “sạch đẹp”, kinh doanh có lãi. Đến khi NH kiểm tra lại hồ sơ với cơ quan thuế mới “té ngửa” nên không thể cho vay. “DN vay 10 đồng vốn từ NH nhưng chỉ 2-3 đồng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, 7-8 đồng còn lại đầu tư ngoài ngành hoặc không đúng mục đích vay ban đầu buộc NH phải thu hồi nợ” - đại diện BIDV giải thích.
Vì vậy, các DN cần xây dựng hệ thống thông tin tài chính minh bạch. “Cơ sở niềm tin rất quan trọng, một DN có đến 2-3 báo cáo tài chính làm sao đối tác, NH tin tưởng?”- TS Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, nhận xét.
Thái Phương
Người lao động
|