Đồng bằng sông Cửu Long:
Cá tra “mắc cạn” trên đồng vốn
Trong năm 2011, ngành nuôi cá tra dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, trong đó, thiếu vốn là nguyên nhân đầu tiên làm khó người nuôi cá tra hiện nay.
Nhiều chuyên gia đã đánh giá như vậy tại hội nghị “Tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012” vừa diễn ra vào ngày 7.2 tại TP.Cần Thơ…
Người giàu mới nuôi nổi cá tra
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: Để phát triển sản xuất, người nuôi rất cần vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của Chính phủ (mức đầu tư 6-10 tỉ đồng/ha). Song, do tài sản của người nuôi đã thế chấp ngân hàng nên họ không có đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay, dẫn đến nhiều hộ nuôi không có vốn để thả lại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm HTX thủy sản Châu Phú (An Giang) - đưa ra nhận định: Hiện nay, các DN thu mua cá của dân chậm thanh toán, gây ảnh hưởng đến lợi ích và hiệu quả kinh tế của các hộ nuôi thủy sản xuất khẩu.
Ông Dương Ngọc Minh – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hùng Vương (HOSE: HVG) - cho rằng, hiện nay các ngân hàng chủ yếu cho vay vốn ngắn hạn, trong khi nuôi cá tra là một quá trình đầu tư dài hạn với nguồn kinh phí lớn. Ông Minh bức xúc: “Không thể lấy nguồn vốn vay ngắn hạn để đầu tư cho nghề nuôi cá tra vốn cần nhiều thời gian và tiền của”. Cũng theo ông Minh, tỉ lệ vốn phân bổ của các ngân hàng dành cho khâu nuôi trồng là rất thấp.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hoạt động nuôi cá tra còn gặp nhiều khó khăn do giá vật tư đầu vào còn tăng cao, làm cho giá thành sản xuất nguyên liệu cao, trong khi đó giá bán nguyên liệu không ổn định (có thời điểm thấp hơn giá thành sản xuất) làm cho người nuôi nhỏ lẻ không có lãi hoặc bị thua lỗ. “Nuôi cá tra là nghề của nông dân, nhưng bây giờ vai trò của họ gần như không còn nữa. Có thể nói, hiện nay chỉ có người nông dân giàu mới nuôi nổi cá tra” - ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) thở dài.
Gỡ rối cho vốn – sẽ còn bàn
Trước những nhận định thẳng thắn trên, ông Tạ Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) lý giải: Trong sản xuất kinh doanh thì việc thiếu vốn là chuyện bình thường. Ngân hàng cũng có cái khó của ngân hàng, bởi năng lực nội tại của ngân hàng chủ yếu là vốn vay ngắn hạn.
Theo kế hoạch, trong năm 2012 NH Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn nuôi trồng thủy sản, trong đó có cá tra. “Nếu có những vấn đề chưa rõ liên quan đến vốn vay thì đề nghị người nuôi, DN liên hệ đến NH nhà nước các tỉnh để được hướng dẫn giải quyết khó khăn” - ông Tạ Quang Khánh cho biết thêm.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, các bộ, ngành có liên quan nên giao cho NH Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền khác xác định rõ nhu cầu vốn sản xuất và tiêu thụ xuất khẩu bao nhiêu tỉ đồng? Ngân hàng giải quyết được bao nhiêu? Nếu thiếu nguồn thì phải huy động từ đâu để có?
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đề nghị NH Nhà nước cần chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc ở các tỉnh, thành tập hợp nhu cầu vốn của người nuôi và DN chế biến để xem xét họ khó khăn gì để có tháo gỡ.
Sản lượng cá tra thu hoạch đạt gần 1,2 triệu tấn
Theo đánh giá của Tổng cục Thuỷ sản, trong năm 2011, tổng lượng giống sản xuất toàn vùng đạt gần 2,4 tỉ con cá giống, diện tích nuôi diện tích nuôi đạt 5.430ha; sản lượng cá thu hoạch đạt 1.195.344 tấn, sản lượng các mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 600.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,8 tỉ USD. |
Trần Lưu
Lao động
|