Đầu tư ngoài ngành gánh… quả đắng
Chuyện hy hữu ở Cty cổ phần mỏ sắt Thạch Khê (TIC) được dư luận đặt nhiều dấu hỏi liên quan đến kết cục đầu tư ngoài ngành của DN nhà nước.
TIC được thành lập từ tháng 4.2007 với sự góp mặt tới 9 cổ đông, đều là những cổ đông khá “nặng ký” là Tập đoàn CN Than - Khoáng sản VN (Vinacomin); TCty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco); TCty Thép (VSC), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông VN (VNPT); Tập đoàn Sông Đà; NH Đầu tư và Phát triển VN (BIDV); Tập đoàn CN Tàu thủy VN (Vinashin); Cty TNHH sản xuất kinh doanh XNK Bình Minh (Bitexco); Cty cổ phần khoáng sản và luyện kim Thăng Long. Nếu trừ những Cty có “họ” khoáng sản và luyện cán thép, thì 5 cổ đông còn lại, có tới 4 là những tập đoàn, ngân hàng lớn của Nhà nước. Điều đáng lưu ý là cả VNPT, Sông Đà và Vinashin đều chẳng dính dáng gì tới khoáng sản, nhưng trong thời buổi cổ phiếu thăng hoa như “diều gặp gió” cũng quyết định góp vốn mỗi đơn vị 120 tỉ đồng vốn nhà nước để nắm 4-5% cổ phần tại TIC. Đến năm 2009, dù đã đi được cả chặng đường, nhưng dự án không thuận buồm xuôi gió. Tiền phải góp để đủ vốn điều lệ, trong khi chưa thể sinh lời. BIDV tìm cách bán cổ phần cho nhà đầu tư Hòa Phát, trong khi 4 cổ đông còn lại vẫn chưa thể thoái vốn mới tá hỏa ra rằng, khai thác mỏ không phải món “dễ xơi”.
Tính đến tháng 10.2011, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã phải nợ lên đến tiền tỉ vì… thiếu vốn. Trong khi dự kiến vốn đầu tư cả 2 dự án khai thác mỏ và sản xuất phôi thép lên tới 34.000 tỉ đồng, nhưng vốn điều lệ ban đầu của cả 9 cổ đông chỉ có 2.400 tỉ đồng. Thực tế các cổ đông mới góp khoảng 1.000 tỉ đồng. Số vốn còn thiếu 156,26 tỉ, trong đó Tập đoàn Sông Đà không có khả năng góp thêm 17,6 tỉ đồng, Vinashin thiếu 51,813 tỉ đồng; Mitraco 76,852 tỉ đồng... Sau khi Chính phủ yêu cầu TIC phải tái cơ cấu cổ đông, giao Vinacomin đứng ra đàm phán mua lại phần vốn góp của 4 “ông lớn” nhà nước là Sông Đà, BIDV, Vinashin và VNPT thì đắn do mãi, các ông lớn mới chịu nhượng bộ bán cổ phần với giá “như cho”, bằng mệnh giá cộng với lãi suất ngân hàng. Số cổ phần còn thiếu (156,26 tỉ đồng) mặc dù Vinacomin đồng ý góp thay cho các cổ đông, nhưng yêu cầu chuyển nhượng thành cổ phần của Vinacomin vẫn chưa nhận được sự đồng thuận. Đây là bài học buồn cho việc đầu tư vội vàng, thiếu tính toán hiệu quả kinh tế và đầu tư “hớt váng”, gánh “quả đắng” của các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Quỳnh Trang
Lao động
|