Kiềm chế lạm phát: “Thắt chặt nhưng đừng bóp nghẹt”
Khẳng định quyết tâm kiềm chế lạm phát của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, nhưng TS. Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng với cách thắt chặt tiền tệ hiện nay sẽ dẫn đến sự ngột ngạt cho cả nền kinh tế.
“Việc cố thắt chặt bằng mọi giá để kiềm chế lạm phát thì cũng có khác nào “bóp nghẹt” nền kinh tế?”, ông nói.
Theo ông Bùi Đức Thụ, việc kiềm chế lạm phát không nên tiếp tục theo cách cố thắt chặt tiền tệ hết mức có thể. |
Có ý kiến cho rằng đối với lạm phát năm 2012, chúng ta “ngồi không” thì cũng có thể khiến nó tự hạ. Xin cho biết quan điểm của ông?
Tôi không nghĩ như vậy. Trong các năm 2009 - 2010, tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng tăng quá nhanh, riêng dư nợ tín dụng tăng trên 30%/năm, trong khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2009 chỉ tăng 5,32%, năm 2010 tăng 6,78% và năm 2011 tăng 5,89%. Tình hình này đã tác động đến các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt đã đẩy lạm phát năm 2011 lên trên 18% so với cuối năm 2010.
Nếu không thực hiện các biện pháp mạnh như thắt chặt tài khóa (giảm chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách nhà nước...) và thắt chặt tiền tệ (giảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tốc độ tăng dư nợ tín dụng) thì lạm phát ở nước ta sẽ ở mức cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, nếu chỉ để kiềm chế lạm phát thì quả thực đó là vấn đề không khó, chỉ cần thực hiện một cách quyết liệt việc thắt chặt tài khóa, tiền tệ là có thể đạt được, nhưng để vừa kiềm chế được lạm phát, vừa giữ được sự ổn định và tăng trưởng kinh tế ở mức cao là vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc thận trọng đến cách mà chúng ta thực hiện.
Năm 2011, sự giảm mạnh tốc độ tăng trưởng tiền tệ này đã khiến sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhất là vào cuối quý 3 và đầu quý 4. Việc thắt chặt tiền tệ không chỉ làm cho quy mô tín dụng giảm, các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, mà còn phải chịu mức lãi suất cao, thậm chí có thời điểm lên trên 20%/năm.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã giảm mạnh, tăng GDP năm 2011 khoảng 5,89% so với tốc độ tăng trưởng 6,78% của năm 2010.
Nhưng Chính phủ cho rằng trách nhiệm kiềm chế lạm phát sẽ vẫn được trông chờ chủ yếu từ chính sách tiền tệ, mà chính sách tiền tệ, muốn phục vụ cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát thì không còn lựa chọn nào khác ngoài sự thắt chặt?
Tôi hoàn toàn đồng tình với quyết tâm kiềm chế lạm phát của Chính phủ, cũng như những giải pháp như Nghị quyết 11/NQ-CP. Tôi cho rằng muốn kiềm chế lạm phát thì phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.
Nhưng để việc thực hiện này có hiệu quả hơn trong năm 2012, không tái diễn tình trạng ngột ngạt của cả nền kinh tế như trong năm 2011, thì Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, rà soát, hoàn thiện các giải pháp này một cách căn cơ, khắc phục tận gốc nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao.
Ngoài các giải pháp tác động vào sản xuất kinh doanh, bảo đảm cho nền kinh tế hoạt động có hiệu quả hơn; các giải pháp điều tiết thị trường, bảo đảm thông suốt... thì cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.
Trong điều kiện mức cung tín dụng tăng chậm, lãi suất vẫn cao do cầu về tín dụng và lạm phát vẫn ở mức cao thì vấn đề quan trọng là phải cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, cơ cấu lại tín dụng. Việc kiềm chế lạm phát không nên tiếp tục theo cách cố thắt chặt tiền tệ hết mức có thể, mà thay vào đó cần có những giải pháp quyết liệt hơn để kiểm soát tình trạng tài chính, chủ động sắp xếp lại các loại hình doanh nghiệp, tái cơ cấu tín dụng và các ngân hàng, các tổ chức tín dụng.
Đó là cách tốt nhất để đảm bảo nguồn vốn vẫn được tiếp tục rót ra phục vụ cho sản xuất kinh doanh mà không làm ảnh hưởng đến lạm phát. Việc cố thắt chặt bằng mọi giá để kiềm chế lạm phát thì cũng có khác nào “bóp nghẹt” nền kinh tế?
Cùng với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát thì năm 2012 cũng được Chính phủ xác định là năm bản lề cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Hiện đã có lo ngại quá trình này, nếu không thận trọng thì sẽ chỉ là trên giấy. Còn ông?
Việc tái cấu trúc nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bức xúc đang được đặt lên không kém gì so với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát vì có tái cơ cấu nền kinh tế mới đảm bảo tăng tính hiệu quả, tính linh hoạt, sức cạnh tranh của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn, tránh tình trạng năm nào cũng thường trực nỗi lo lạm phát.
Trong tái cấu trúc nền kinh tế, nội dung mà tôi băn khoăn nhất là tái cơ cấu đối với đầu tư công. Hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của nước ta rất lớn nhằm tháo gỡ những “nút thắt” trong nền kinh tế.
Chỉ tính riêng nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án, công trình đã khởi công là rất lớn mà khả năng cân đối của Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần. Việc chuyển đổi các hình thức đầu tư nhằm thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước của các thành phần kinh tế để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội là cần thiết, là một chủ trương đúng.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này không phải dễ. Cần phải tạo lập cơ chế, chính sách thực sự hấp dẫn mới thu hút được các nguồn lực ngoài Nhà nước, nhất là trong điều kiện vốn đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, chu chuyển chậm, hiệu quả thấp, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nếu không làm được điều đó thì việc cắt giảm đầu tư công chỉ làm tăng các dự án, công trình dang dở, làm giảm hiệu quả đầu tư công mà vốn nó đã thấp, làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, tác động xấu đến quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần biến chủ trương cơ cấu lại đầu tư công thành hiện thực, không dừng lại ở lời nói; muốn vậy, hơn lúc nào hết, cần ban hành ngay các cơ chế, chính sách thích hợp để thực hiện chủ trương này.
Đoàn Trần
tbktvn
|