TS Trần Đình Thiên: Nhìn thấy xu thế Rồng của Việt Nam
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam vẫn lạc quan khi nhìn thấy xu thế "rồng" của nền kinh tế Việt Nam nhưng ông cũng trăn trở khi nhấn mạnh rằng, năm Nhâm Thìn sẽ là năm "cắn răng vượt khó" của nền kinh tế Việt Nam.
Năm "cắn răng vượt khó" của nền kinh tế
Nhân ngày đầu xuân Nhâm Thìn, ông có dự cảm thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012, có nhiều điều tốt lành hơn, hay nhiều điều xấu hơn?
- Đầu năm, lại là năm Rồng, ai cũng mong muốn và hy vọng những điều tốt lành. Trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn hiện nay thì điều mong muốn to lớn và thiết thực nhất của đa số người dân và tất cả các doanh nghiệp là cải thiện tình hình kinh tế.
Tuy nhiên, để có cái tốt thật, để cải thiện tình hình thật thì trước tiên phải nhìn thẳng sự thật và nhìn ra sự thật. Nhìn sự thật nhưng có thể vẫn không nhìn ra sự thật.
Đối với năm 2012, cái sự thật đầu tiên không né tránh được là nền kinh tế nước ta vẫn đang trong tình trạng khó khăn, nhất là trong nửa đầu năm. Hai cột trụ kinh tế là doanh nghiệp và ngân hàng đều đang và sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn gay gắt.
Tuy nhiên, cần nhìn thấu một xu hướng cốt lõi: động thái cơ bản là nền kinh tế sẽ tốt lên.
Vấn đề là ở chỗ quá trình tái cơ cấu - cần được nhận diện như nhịp thứ hai của quá trình đổi mới - đang được "ráo riết" khởi động. Đây là chuyển động cấu trúc, mang tính nền tảng. Tôi nhìn thấy triển vọng tốt lành, thấy xu thế "rồng" của nền kinh tế Việt Nam năm 2012 trong động thái đó.
Nhưng sẽ rất khó khăn. Tái cơ cấu luôn đòi hỏi chi phí, phải trả giá rất tốn kém. Trong điều kiện nền kinh tế bị suy yếu nhiều sau một thời gian dài bất ổn, kinh tế thế giới lại đang "lâm nạn", nhiệm vụ đặt ra càng khó khăn hơn. Đó là chưa kể chúng ta còn phải vượt qua vô số cản ngại sinh ra từ xung đột nhóm lợi ích, từ tầm nhìn, từ tư duy phát triển chậm đổi mới.
Theo nghĩa đó, phải coi năm Nhâm Thìn này là năm "cắn răng vượt khó" để nền kinh tế bứt ra khỏi mô hình cũ. Không được ảo tưởng chỗ này.
Ông từng dẫn ý kiến nói rằng năm 2012 còn là đêm trước khủng hoảng. Liệu đây có phải là nhận định bi quan?
- Tôi có dẫn ra ý kiến, nhất là của các học giả, nhà kinh tế hàng đầu thế giới, cho rằng kinh tế thế giới năm 2012 là "đêm trước khủng hoảng". Tôi đồng ý với nhận định này.
Nhận định mang tính cảnh báo này càng bộc lộ rõ qua dự báo mới đây của Ngân hàng thế giới về xu hướng ảm đạm hơn của kinh tế thế giới, qua việc S&P đánh tụt hạng tín nhiệm một số nền kinh tế Tây Âu, thậm chí cả của Quỹ cứu trợ của EU.
Tuy nhiên, cần nhìn khái niệm khủng hoảng này ở một bình diện rộng và tầm nhìn bao quát. Khủng hoảng ở đây gắn với thực chất của các mất cân đối cấu trúc lớn của nền kinh tế thế giới, của sự dịch chuyển và thay đổi tương quan sức mạnh giữa các cường quốc, các khối kinh tế lớn.
Và đặc biệt là khủng hoảng, hiểu theo nghĩa hệ thống thể chế kinh tế toàn cầu hiện dụng đã trở nên quá lạc hậu trước tầm vóc và những xu hướng đổi thay mang tính thời đại của một nền kinh tế thế giới đang chuyển nhanh sang trạng thái toàn cầu hóa - tự do hóa.
Không phải ngẫu nhiên mà tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất lại đang diễn ra ở Tây Âu, nơi mà cấu trúc phát triển, nhất là hệ thống thể chế, vốn dĩ rất nặng nề, bảo thủ, phải đương đầu với nỗ lực tự do hóa phát triển cả một khu vực lớn, bao gồm nhiều quốc gia.
Thế giới sẽ mất thời gian và tốn nhiều tiền của, sức lực cho công cuộc "tái cơ cấu" này. Theo nghĩa đó, khó khăn sẽ còn kéo dài và không dễ giải quyết. Nhưng xu hướng tổng quát là rõ. Và đó là điểm chính yếu nhất phải nghĩ đến khi bàn về tương lai của loài người trong tầm nhìn dài hạn.
Xin nói rằng theo nghĩa như vậy thì ý kiến về "đêm trước khủng hoảng" của nền kinh tế thế giới không hẳn là bi quan. Và với tư cách là dự báo về một xu hướng thực tế, nhận định đó là khách quan, "trung tính", không có chuyện bi quan hay lạc quan ở đây.
Không nên "rụt rè" lo chệnh hướng
Mục tiêu năm 2012 đã rõ, ưu tiên kiềm chế lạm phát, GDP ổn định. Tuy nhiên, căn bệnh thành tích về tăng trưởng GDP vẫn diễn ra ở nhiều nơi và sẽ "dễ làm hỏng" mục tiêu kiềm chế lạm phát. Theo ông, làm thế nào để thay đổi được nghịch lý này?
- Đây là căn bệnh kinh niên, đã ăn sâu vào cơ chế vận hành và điều hành vĩ mô của nền kinh tế. Không dễ dàng để khắc phục căn bệnh này. Nhưng hoàn toàn có thể làm được. Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế chính là giải pháp để xử lý căn bệnh này.
Nhưng xin nói rõ: phải tái cơ cấu căn bản, thật sự. Rủi ro chính là ở chỗ này. Lợi ích nhóm đang là yếu tố cản trở mạnh. Không vượt qua được lợi ích nhóm, không có tầm nhìn hội nhập thì tái cơ cấu không thể thành công được.
Đổi mới tư duy đã được những tới nhiều, nói thì dễ nhưng làm thì khó. Rào cản lợi ích nhóm ở khắp nơi. Vậy, ở Chính phủ mới, ông kỳ vọng gì ở việc "đổi mới tư duy" để việc này không trở thành khẩu hiệu suông? Vì nhìn ra cái sai và tự sửa mình là điều khó nhất.
- Tất cả tập trung vào nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Ngoài ba mảng tái cơ cấu mà Chính phủ đang ráo riết lập đề án để triển khai sớm, còn nhiệm vụ cải cách hệ thống tiền lương.
Nhưng đó mới là định hướng nhiệm vụ. Về xu hướng tái cơ cấu, tôi cho rằng mấu chốt chính là việc thay đổi mạnh thể chế theo hướng thị trường. Lâu nay, sự rụt rè, e ngại thị trường, lo "chệch hướng" quá mức trở thành yếu tố cản trở đổi mới. Phải có thị trường tốt thì mới có cái mà định hướng đúng chứ.
Phạm Huyền
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|