Chủ Nhật, 29/01/2012 11:15

Năm mới, Phó Thủ tướng nói về “Kiềng ba chân” kinh tế

Trò chuyện với DĐDN nhân dịp xuân Nhâm Thìn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định: Vượt qua khó khăn, Chính phủ đã, đang và sẽ chèo lái “con thuyền kinh tế VN” vượt đại dương, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, bảo đảm lợi ích quốc gia, đáp ứng niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân cả nước.

- Từ năm 2011, câu chuyện tái cấu trúc nền kinh tế bắt đầu từ “cái kiềng” – tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu DN nhà nước và tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ bắt đầu được xây dựng. Theo Phó Thủ tướng, để “cái kiềng” này thật sự vững mạnh, VN phải chú trọng điều gì ?

Thứ nhất, phải đổi mới tư duy về đầu tư, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và có giải pháp thích hợp huy động các nguồn vốn cho phát triển.

Thứ hai, nhanh chóng đổi mới cơ chế bố trí vốn đầu tư của Nhà nước theo hướng tập trung vốn cho các công trình dự án cấp thiết, sớm hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả; phân bổ và quản lý đầu tư theo kế hoạch trung hạn. Các dự án, công trình khởi công mới phải được kiểm soát chặt chẽ, xác định rõ nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả và đủ thủ tục đầu tư. Đối với các dự án đang được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ nhưng không có nguồn để bố trí tiếp thì chuyển sang các hình thức đầu tư khác hoặc phải tạm đình chỉ.

Thứ ba, khẩn trương sửa đổi quy chế phân cấp quản lý đầu tư, trước hết là đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ theo hướng bảo đảm quản lý thống nhất của Trung ương về mục tiêu và danh mục các chương trình, dự án theo quy hoạch; đồng thời phát huy sự năng động, sáng tạo của địa phương trong đầu tư phát triển. Thực hiện tái cơ cấu đầu tư của khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài thông qua việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, định hướng thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng quy hoạch và kiên quyết thực hiện đầu tư theo quy hoạch. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA.

Thứ tư, đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá và sắp xếp lại các DN nhà nước với mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính; kiên quyết thực hiện thoái vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần chi phối và thoái vốn đã đầu tư vào các hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính. Đổi mới mô hình tổ chức và quản trị tại các DN nhà nước nắm giữ 100% vốn; hoàn thiện các quy định về quyền đại diện chủ sở hữu và người quản lý trong DN có vốn nhà nước, về cơ chế quản lý tài sản nhà nước tại DN, cơ chế giám sát, kiểm tra và chế tài xử lý. Đồng thời, có cơ chế, chính sách để thúc đẩy tái cơ cấu khu vực DN dân doanh.

Cuối cùng là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, tín dụng theo hướng tăng hợp lý về quy mô, nâng cao chất lượng của các ngân hàng tiến tới theo chuẩn mực quốc tế, mở rộng và phát triển các dịch vụ ngân hàng. Kiên quyết khắc phục tình trạng đô la hoá; thiết lập trật tự kỷ cương trong việc sử dụng ngoại tệ; nâng giá trị đồng VN. Phát triển thị trường vốn để trở thành kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, từng bước giảm tỉ lệ cung ứng vốn cho đầu tư phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại.

- Trong năm 2011, đại bộ phận DN của VN phát triển cầm chừng, nếu không muốn nói là đình đốn. Liệu trong năm 2012, Chính phủ có những chính sách riêng cho bộ phận “người lính thời bình” này không, thưa Phó Thủ tướng ?

Việc phát triển mạnh sản xuất kinh doanh là giải pháp cơ bản, lâu dài. DN phát triển vừa là nguồn gốc của tăng trưởng, vừa trực tiếp góp phần kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu, giải quyết việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội Chính phủ sẽ đẩy mạnh thu hút và giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư, nhất là các dự án đầu tư sản xuất. Chính phủ đã trình quyết định miễn giảm một số loại thuế và cho giãn thời gian nộp thuế thu nhập DN; đồng thời chỉ đạo Ngân hàng nhà nước bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, có biện pháp từng bước giảm lãi suất... để các DN tiếp cận được vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực cho phát triển và nâng cao hiệu quả đầu tư; đa dạng các hình thức đầu tư theo các cơ chế BOT, BT, BTO...; đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư (PPP) để phát triển hạ tầng có quy mô lớn nhằm tạo bước đột phá trong lĩnh vực quan trọng này.

Để tạo điều kiện cho DN phát triển bền vững, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn về khả năng tiếp cận vốn của DN. Sử dụng công cụ thuế một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế để giúp DN vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu. Tiếp tục rà soát sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và DN. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tăng nhanh xuất khẩu. Coi trọng thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn, miền núi; đẩy mạnh cuộc vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN.

- Thời gian gần đây, VN nói nhiều đến việc nhận diện lại các nguồn vốn, đặc biệt là các nguồn vốn FDI vì hiện tượng chuyển giá đã được các chuyên gia đánh giá ở mức vấn nạn. Điều này cũng khiến các DN VN bị cạnh tranh bất bình đẳng. Phó Thủ tướng có những khuyến nghị gì với các địa phương trong việc trải thảm đỏ thu hút đầu tư ?

Tôi khẳng định rằng, VN luôn cam kết và có những chính sách ưu đãi thích hợp với những DN FDI đầu tư vào VN. Tuy nhiên, chúng ta phải có những nhận thức toàn diện và đầy đủ hơn về tính hai mặt của dòng vốn FDI, để có cách thu hút vừa bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư, vừa bảo đảm quyền lợi quốc gia. Đặc biệt, cần có những thay đổi lớn và cơ bản hơn trong việc xây dựng các hệ giá trị chuẩn về mục tiêu và tiêu chuẩn đánh giá các dự án FDI, có định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, hướng đến xây dựng nền kinh tế phát triển hiện đại, bền vững. Cần hướng đến ưu tiên những dự án đầu tư từ các nhà đầu tư lớn, mạnh, có công nghệ nguồn, công nghệ sạch, cam kết bảo đảm các yêu cầu chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển các dich vụ chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao... Không nên coi số vốn và dự án đăng ký mới là tiêu chí duy nhất đo lường về hoạt động và  quản lý FDI như thời gian vừa qua.

- Một trong những đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này là sự mở rộng của khu vực kinh tế tư nhân. Xin Phó Thủ tướng cho biết những đặc trưng của quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư ở VN ?

Để tạo điều kiện cho DN phát triển bền vững, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn về khả năng tiếp cận vốn của DN.

VN chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong khi xác định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, chúng ta khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Chính vì thế VN đang tiến hành mạnh mẽ quá trình sắp xếp, đổi mới và phát triển các DN nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa, đặt DN nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các DN thuộc thành phần kinh tế khác. Trong những năm tới, VN sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế để tháo gỡ mọi cản trở, tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; lấy hiện đại hóa làm tiêu chí để bảo đảm nâng cao hiệu quả của sự phát triển, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Hợp tác công - tư (PPP) là hình thức hợp tác khá phổ biến trên thế giới, có nhiều ưu thế, phù hợp với mục đích, yêu cầu phát triển của VN. Ngày 9/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, tạo hành lang pháp lý cho việc thu hút mạnh mẽ hơn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ công.

Tôi tin rằng việc thực hiện thành công chính sách đầu tư theo mô hình PPP sẽ góp phần tăng cường quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư, thu hút nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, hiệu quả của khu vực tư nhân, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

- Phó Thủ tướng cho biết VN đã, đang và sẽ đương đầu với khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái toàn cầu như thế nào ?

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, VN chịu nhiều tác động tiêu cực của khủng hoảng, nhất là về thương mại, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch, lao động, việc làm và đời sống nhân dân.

Để đối phó với khủng hoảng, Chính phủ VN đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội trong phạm vi cả nước; thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, duy trì bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; xoá đói giảm nghèo; tạo được sự đồng thuận để phát huy sức mạnh của toàn xã hội, của cộng đồng DN và nhân dân trong việc thực hiện các mục tiêu giải pháp đề ra.

Đến nay, các biện pháp trên đã thu được kết quả khả quan, tích cực; được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà đầu tư và cộng đồng DN đánh giá là cần thiết, kịp thời và hiệu quả. Chính trị xã hội ổn định vững chắc. Nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6%. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào VN. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; chương trình giảm nghèo tiếp tục được đẩy mạnh.

- Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng !

Nguyễn Hương thực hiện

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Tái cơ cấu: Sáng tạo để tiếp tục đổi mới (28/01/2012)

>   Thu hút đầu tư nhìn từ những dự án tỷ USD (28/01/2012)

>   Doanh nghiệp Tây Ban Nha quan tâm tới Việt Nam (27/01/2012)

>   ‘Kinh tế ổn định sẽ kéo đầu tư nước ngoài trở lại VN’ (27/01/2012)

>   Tái cấu trúc, hãy né tránh quan điểm chở che (26/01/2012)

>   Tái cơ cấu: Con dao mổ sắc bén cho một cuộc đại phẫu (26/01/2012)

>   Quốc gia lý tưởng: Nghịch lý trong mắt nhà đầu tư (26/01/2012)

>   Bộ máy Chính phủ: “Tôi tin là họ đang tạo được niềm tin” (26/01/2012)

>   Loại bỏ bóng ma lợi ích nhóm (26/01/2012)

>   Kinh tế 2012 có lặp lại 2009? (25/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật