Thứ Năm, 26/01/2012 14:02

Quốc gia lý tưởng: Nghịch lý trong mắt nhà đầu tư

Toàn thế giới hiện có khoảng 65.000-75.000 tỷ USD vốn đầu tư nhàn rỗi đang lưỡng lự chưa biết đầu tư vào đâu. Việt Nam được ghi nhận là một quốc gia lý tưởng trong mắt các nhà đầu tư thế giới. Nhưng năm 2011, nhiều nhà đầu tư đã không lựa chọn, thậm chí còn thoái vốn tại Việt Nam.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF.VN) - báo VietNamNet - đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Nam Kim, chuyên gia tư vấn tài chính, cựu giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thuỵ Sỹ về việc làm sao hấp dẫn đầu tư và Việt Nam không chỉ là một điểm tiềm năng mà là một cơ hội thực sự của các nhà đầu tư quốc tế.

- Theo ông vì sao Việt Nam được đánh giá là quốc gia lý tưởng trong con mắt các nhà đầu tư?

Ông Phạm Nam Kim: Từ trước năm 2000, kinh tế Mỹ và châu Âu đã bắt đầu suy thoái. Các hoạt động sản xuất tại các quốc gia này ngày càng ít đi, thay vào đó là chuyển sang Trung Quốc và các nước mới phát triển, chỉ còn lại vài ngành nghề cạnh tranh ráo riết.

Tất cả sống bằng kinh tế ảo, dựa trên sự biến động của giá cả thị trường, tức là đầu cơ. Đầu cơ ngày càng tăng về quy mô, đã gây ra khủng hoảng tài chính vào năm 2008. Đây là khủng hoảng tài chính lớn nhất tính từ năm  1928.

Khi kinh tế ảo sụp đổ, nhưng lại được các chính quyền ra tay giúp đỡ đã gây ra lỗ hổng cho ngân sách quốc gia. Nợ công bùng phát. Nợ công không đến nhanh mà từ từ. Vậy nhưng các Chính phủ ở châu Âu đã không làm gì ngoài việc chữa cháy.

Trong hoàn cảnh đó nhìn lại kinh tế Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, cũng đi theo chiều hướng châu Âu. Sự phát triển kinh tế dựa trên biến động giá cả thị trường, nói cách khác tức là đầu cơ.

Ví dụ, một người Việt Nam có tiền bỏ ra 1 tỷ đồng để mua 1 căn nhà, sau đó bán được 3 tỷ đồng, 2 tỷ đồng đó tượng trưng cho cái gì trong khi nhà vẫn vậy. Đấy là 2 tỷ đồng ảo. 2 tỷ này trở thành thực tế khi người bán nhà mua 1 chiếc ôtô. Để có 2 tỷ đồng cho nhà đầu cơ bất động sản mua ô tô thì người lao động phải trả bằng giá trị thực như nông dân phải bán lúa gạo mới có. Như vậy 2 tỷ đồng ảo làm gia tăng khối tiền tệ quốc gia mà không dựa trên sản xuất, lao động thực tế. Đó là kinh tế ảo lũng đoạn kinh tế thực, là nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao và những bất ổn kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên Việt Nam là quốc gia độc nhất trên thế giới đã mạnh dạn đưa ra chính sách tái cấu trúc nền kinh tế. Đó là 1 trong những yếu tố quan trọng cho nhà đầu tư thế giới đánh giá cao Việt Nam.

- Vậy cơ hội từ thực tế này được nhìn nhận như thế nào thưa ông?

Từ năm 1970-1980 khối tiền vốn "lưu động" trên thế giới ngày càng tăng. Với khối lượng vốn này các nhà tư bản  luôn tìm kiếm chỗ nào lợi nhuận cao và ít rủi ro để đầu tư. Nhưng những năm qua thị trường tài chính thế giới suy thoái, không đáp ứng được đòi hỏi về lợi nhuận. Năm 2008 giá trị đầu tư đó đã mất đi tới 40% khi giá trái phiếu, cổ phiếu giảm. Năm 2009 và 2010, người ta đã lấy lại được cỡ 20%, phần lớn số tiền lấy lại là nhờ đầu tư vào các quốc gia mới nổi cụ thể như nhóm các nước BRIC ( Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc).

Khủng hoảng, tài chính trái phiếu các quốc gia mất giá. Câu hỏi làm sao để kiếm chỗ nào có lợi nhuận cao hơn, trong khi nhà đầu tư và khách hàng của họ đòi hỏi phải mang lại lợi nhuận  cao nhất luôn khiến các nhà đầu tư đau đầu. Năm 2011 đầu tư vào các nước phát triển lợi nhuận là con số không, trong khi đó những nước mới nổi vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế  5%-10%. Với thực tế này thì tại sao không đổ tiền vào đầu tư?

Các quốc gia BRIC vẫn được thế giới chú ý. Tuy nhiên kinh tế Trung Quốc có rủi ro do quy mô và sự dính líu với USD. Khi USD xuống  thì kinh tế Trung Quốc cũng bị lung lay. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng gặp vấn đề lạm phát cao mà chưa hoàn toàn khắc phục được.

Ấn Độ đang chuyển hướng nền kinh tế, tương lai còn bấp bênh, nhà đầu tư gặp khó khăn khi đầu tư vào thị trường này do Ấn Độ có luật lệ rất khắt khe.

Nga đang trên đà phát triển nhưng chính trị chưa ổn định như mong muốn. Braxin từ khi kinh tế phát triển mạnh  chính quyền cũng ngăn cản 1 số đầu tư nước ngoài, thành ra đầu tư vào Braxin cũng không dễ. Tuy nhiên giờ phút này tiền vẫn đổ vào 4 quốc gia trên nhiều. Ví dụ cụ thể là Thượng Hải ( Trung Quốc) năm 2011 đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài kỷ lục gần 20 tỷ USD, trong đó đầu tư vào khu phố Đông đạt 6,5 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó nhìn sang các quốc gia Đông Nam Á, nhà đầu tư lo ngại những tế và xã hội thì thì Việt Nam là 1 quốc gia lý tưởng để đầu tư. Đó là một cơ hội thực sự đã đến với nước ta.

- Vậy tại sao Việt Nam lại không thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, năm 2011 đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giảm mạnh?

Với Việt Nam nhà đầu tư lại ái ngại từ sự bất ổn định của kinh tế cùng với lạm phát cao. Vì thế, dù được cho là lý tưởng và tiềm năng nhưng với yếu tố trên đây cộng thêm những bất lợi trong cạnh tranh với các nước khác trong thu hút đầu tư... Việt Nam vẫn chưa biến những cảm nhận lý tưởng thành những cơ hội thực tế cho mình.

Năm 2011 đã chứng kiến không ít nhà đầu tư đã rút vốn khỏi Việt Nam, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài đã thoái vốn mạnh. Tất nhiên cũng có nguyên nhân nữa là do thị trường chứng khoán Việt Nam ảm đạm, chỉ số VN Index xuống thấp.

- Vậy theo ông phải làm gì để thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh cả về chất và lượng trong thời gian tới?

Nếu cứ chờ đợi vào kết quả của tái cấu trúc nền kinh tế thì còn mất nhiều năm. Theo tôi trong vòng 3 tháng Chính phủ Việt Nam cần phải có kịch bản về tái cấu trúc nền kinh tế. Tức là phải có kế hoạch bài bản với mục tiêu chính  xác về tái cấu trúc nền kinh tế và tài chính quốc gia cũng như các biện pháp cụ thể chống lại lạm phát. Đây là điểm tiên quyết để nhà đầu tư chú ý tới Việt Nam.

Sau đó phải đi "bán hàng", nghĩa là tổ chức các chương trình quảng bá khắp các quốc gia có nhà đầu tư quan trọng. Trình bày rõ ràng chính sách của Chính phủ, biện pháp đề ra, đưa ra các công ty, tập đoàn có tiềm năng chắc chắn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo các nhà quản lý đầu tư thống kê, hiện thế giới có khoảng 130.000 đến 150.000 tỷ USD vốn, trong đó cỡ một nửa đang lưỡng lự không biết đầu tư vào đâu.

Đó là khoản vốn nhàn rỗi trong hiện tại, tuy nhiên con số này không đứng yên mà luôn biến động, nếu không nắm bắt được sẽ đổ vào những chỗ khác vì nhà đầu tư không thể chờ lâu.

Trên thế giới thị trường trái phiếu, cổ phiếu đang thoái vốn, thị trường thứ cấp từ 2008 cũng suy thoái ngày càng mạnh, vốn đổ vào thị trường thứ cấp đang muốn tìm 1 chỗ đầu tư dựa trên kinh tế thực.

Kinh tế Việt Nam từ khi đổi mới phát triển dựa chủ yếu một phần quan trọng vào vốn đầu tư nước ngoài, tiết kiệm quốc gia không nhiều. Vốn đầu tư nước ngoài giảm sút, kể cả kiều hối gây ra tình trạng mất cân bằng trong tiết kiệm và đầu tư. Nếu có nguồn vốn đầu tư nước ngoài tốt sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề nan giải kể cả thanh khoản của các ngân hàng Việt Nam hiện đang đối mặt với khó khăn.

Trong khủng hoảng, đây là một cơ hội rất tốt mà Việt Nam cần nắm bắt vì Việt Nam đang cần những nguồn vốn khổng lồ để tái cấu trúc nền kinh tế và đảm bảo sự phát triển ổn định. Cơ hội này hoàn toàn trong tầm tay, nếu Việt Nam chứng tỏ được sự ổn định của nền kinh tế quốc gia cũng như khả năng ngăn chặn lạm phát.

Trần Thủy

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Bộ máy Chính phủ: “Tôi tin là họ đang tạo được niềm tin” (26/01/2012)

>   Loại bỏ bóng ma lợi ích nhóm (26/01/2012)

>   Kinh tế 2012 có lặp lại 2009? (25/01/2012)

>   Những thách thức của kinh tế Việt Nam 2012 (24/01/2012)

>   Tháng 1, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 6,5 tỷ USD (24/01/2012)

>   Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA (21/01/2012)

>   Kinh tế 2011 và những trăn trở ngày cuối năm (21/01/2012)

>   Tái cấu trúc thực chất và nhận diện sớm khủng hoảng (21/01/2012)

>   MobiFone dùng 3G “chia lửa” cho 2G vào Tết Nhâm Thìn (21/01/2012)

>   Nhập siêu giảm mạnh tháng đầu năm mới (21/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật