Kinh tế 2011 và những trăn trở ngày cuối năm
Năm 2011 đã khép lại với những đánh giá khác nhau. Người lạc quan nhìn vào mức tăng trưởng kinh tế gần 6%, xuất khẩu tăng trưởng 34%, lạm phát 18% thấp hơn dự kiến để nhận định rằng kinh tế Việt Nam đã chèo chống tốt trong một năm đầy sóng gió. Tuy nhiên, người bi quan thì cho rằng năm 2011 là năm tồi tệ nhất trong ¼ thế kỷ từ khi nước ta chuyển sang kinh tế thị trường.
Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhận định rằng, trong khi trân trọng những thành tựu kinh tế - xã hội năm 2011 mà cả dân tộc ta phải gồng mình lao động mới đạt được, cũng phải khách quan nhìn nhận rằng, so với Malaysia, Indonesia thì Việt Nam đối phó với biến động kinh tế thế giới kém hiệu quả hơn, lạm phát cao hơn và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
Nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2012 với những dấu ấn đậm nét của năm 2011 như: xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng, lạm phát cao, đồng tiền yếu… Năm vừa qua là năm diển hình về thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Đây cũng là năm đầu tiên trong số 20 năm đổi mới , tỷ lệ tăng trưởng trong hệ thống ngân hàng thấp như vậy. Đến ngày 31/12/2011, tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 13%, bằng 1/3 của các năm trước đây.
Trong năm qua, lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thông tin: trong 9 tháng đầu năm 2011 gần 50.000 doanh nghiệp (90% tổng số doanh nghiệp) đóng cửa. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, tuy mức độ chính xác của số liệu còn phải bàn (có một bằng chứng gián tiếp cho rằng số doanh nghiệp đóng cửa có thể lên tới 30 – 35%, tức là gấp 3 – 4 lần con số công bố), song 9% số doanh nghiệp đóng cửa cũng đủ để nói lên tính nghiêm trọng của tình hình. Một điểm nữa là lạm phát cao kéo dài đã khiến đời sống của nhóm người người thu nhập thấp khó khăn hơn.
Bên cạnh những vấn đề đã được bàn thảo rất nhiều trong năm 2011 như chậm đổi mới mô hình tăng trưởng, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm còn kém, điều hành kinh tế vĩ mô mặc dù có nhiều giải pháp linh hoạt nhưng vẫn chưa đủ tác động thay đổi cục diện tình hình, GS.TSKH Nguyễn Mại cũng nêu lên một vài điều trăn trở về cách xử lý các vấn đề trọng đại đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội nước ta.
Một năm trôi qua, những tín hiệu tích cực về cải cách thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng – 3 mục tiêu Đại hội XI đã đề ra – vẫn chưa thấy rõ nét. Thể chế vẫn chậm thay đổi, giáo dục loay hoay tìm hướng cải cách, tắc nghẽn giao thông dường như nghiêm trọng hơn…
Trong năm 2011, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI với sự hỗ trợ của Hội đồng Phát triển Anh cùng với nhiều tổ chức trong nước đã rà soát lại 16 luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… Nhiều nhược điểm cơ bản của luật và chính sách kinh tế đã được phát hiện. Chính sách thuế trở thành lực cản tích tụ vốn, hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính sách tín dụng và hoạt động của ngân hàng thương mại trên thực tế chưa tạo lập quan hệ bình đẳng đối doanh nghiệp dân doanh và dân cư trong tiếp cận vốn tín dụng, tình trạng cho vay với lãi suất cao vẫn phổ biến.
Về nguồn nhân lực, tình trạng thừa thầy thiếu thợ vẫn tiếp diễn, trong khi nhân lực chất lượng cao lại rất khan hiếm. PGS.TS Lê Quân cho biết, năm 2010, ngân sách đào tạo của doanh nghiệp chiếm 7,13% quỹ lương, bình quân đầu người là 389 nghìn đồng. Đây là con số từ nghiên cứu khảo sát 437 cán bộ quản lý và 335 doanh nghiệp. PGS.TS Lê Quân cho rằng, doanh nghiệp đầu tư chưa tương xứng với công tác phát triển nguồn nhân lực, thực tế họ thường “săn” người tài từ công ty khác thay vì tự đào tạo.
Về cơ sở hạ tầng, con số thống kê cho thấy 99% các công trình xây dựng chậm tiến độ hàng năm, làm tăng vốn đầu tư, lãng phí nghiêm trọng. Trong hội nghị bàn về cơ sở hạ tầng, một thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, mỗi năm nước ta chỉ làm được 30 km đường cao tốc ! Và sau gần một năm Đại hội XI, Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hàng Trung ương Đảng vào cuối tháng 12/2011 lại bàn về cơ sở hạ tầng.
Về sản xuất công nghiệp, vẫn tồn tại những nhược điểm cố hữu dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp do máy móc nguyên liệu chủ yếu phải nhập khẩu, chưa có thương hiệu, mẫu mã riêng, nên phải gia công, lao động phổ thông, do vậy giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp và hàng xuất khẩu khá thấp.
Bước sang năm mới 2012, người dân hy vọng sẽ có sự đổi mới về tư duy phát triển trong thế giới hiện đại, từ đó đổi mới đồng bộ phương thức lãnh đạo và quản lý, mở rộng dân chủ để tạo điều kiện và khuyến khích các tầng lớp nhân dân có điều kiện và được khuyến khích đề ra ý tưởng mới, sáng kiến mới, khai thác tốt nhất tài năng và trí tuệ của người Việt Nam trong công cuộc chấn hưng đất nước.
Hoàng Yến
vnmedia
|