Thứ Tư, 18/01/2012 17:09

Doanh nhân Việt Nam: Hóa giải bất lợi

Thách thức sẽ còn tiếp diễn trong năm mới nhưng vấn đề quan trọng là đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải sớm nhận diện được những cơ hội thách thức đan xen để chủ động đối phó.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhờ đà phục hồi kinh tế năm trước, năm 2012, doanh nghiệp (DN) có thể mở rộng thị phần, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, có điều kiện tăng tốc phát triển.

Tuy nhiên, theo tôi, năm 2012, bức tranh kinh tế vẫn chưa có nhiều điểm sáng cho số đông DN, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn bao trùm nhiều mối lo ngại về khủng hoảng nợ công châu Âu. Kéo theo đó là nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dẫn đến sụt giảm thương mại và đầu tư.

Trong khi đó, theo lộ trình hội nhập, DN Việt Nam sẽ phải triển khai rộng và sâu hơn các cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN, ASEAN +1...

Theo đó, thách thức về cạnh tranh càng khốc liệt hơn. Bên cạnh đó, giá cả nguyên vật liệu cơ bản trên thế giới vẫn còn có khả năng biến động khó lường. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến giá cả đầu vào và càng gây áp lực lớn hơn về đầu ra cho DN Việt Nam.

Không chỉ thế, chắc chắn năm 2012 chính sách tiền tệ chặt chẽ sẽ tiếp tục được thực thi, tiếp cận vốn ngân hàng cũng khó khăn hơn. Chưa kể, vấn đề thanh khoản ngoại tệ và tỷ giá hối đoái dự báo chưa có nhiều cải thiện do áp lực lạm phát, thâm hụt thương mại kéo dài và dòng vốn đầu tư nước ngoài chưa có dấu hiệu tăng trưởng khả quan.

Vì vậy, năm 2012, DN sẽ còn phải đối mặt với những rủi ro về tỷ giá, lãi suất, cộng thêm khả năng huy động trên thị trường vẫn hạn hẹp bởi thị trường chứng khoán được dự báo chưa thể hồi phục mạnh mẽ.

Có thể thấy trước những thách thức chủ quan của môi trường và điều kiện kinh doanh cộng với năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn thấp. Dù đã được đề cập nhưng không thừa nếu khuyến cáo thêm lần nữa: nếu không có chiến lược phát triển đổi mới để thích nghi với thị trường thì năm 2012 sẽ là một năm khó khăn của DN.

Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển bền vững, DN không còn lựa chọn nào tốt hơn là phải tiếp tục hội nhập với quốc tế một cách toàn diện và sâu rộng hơn. Để làm được điều này, DN cũng phải tái cơ cấu để phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ cũng như điều kiện thị trường quốc tế.

Hiện nay, Chính phủ đang triển khai chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó sẽ có chương trình tái cấu trúc DN nhà nước. Đây là một quá trình lâu dài, phức tạp do số lượng DN nhà nước rất lớn và hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, mục tiêu đầu tiên là cắt đứt các hoạt động nằm ngoài cốt lõi của DN nhà nước, giảm thiểu số lượng DN khối này và chỉ tập trung vào một số ngành then chốt.

Bên cạnh đó, phải lành mạnh hóa tài chính của khu vực DN nhà nước, đa dạng hóa sở hữu và nâng cao năng lực quản lý - giám sát DN nhà nước. Riêng với khu vực DN tư nhân, vốn năng động dễ thích nghi, nên dễ dàng phát huy vai trò chủ thể hóa giải những diễn biến bất lợi của thị trường trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Bước sang năm 2012, dù còn nhiều khó khăn của thế giới đang có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt giá cả nông sản có xu hướng tăng nên hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Các DN nên tận dụng những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với một số nước để đẩy mạnh các hoạt động ngoại thương.

Có một thực tế hiện nay là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và đối tác chưa thực sự bảo đảm việc duy trì tăng trưởng ổn định, thậm chí tình trang phụ thuộc cao vào nguyên vật liệu thế giới dẫn đến sức cạnh tranh của hàng hóa DN nội địa kém, dễ dẫn đến tổn thương khi thị trường thế giới biến động.

Vấn đề hiện nay là DN phải đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, đối tác và kênh xuất khẩu..., trong đó không nên bỏ qua thị trường nội địa đang bị cạnh tranh mạnh mẽ của các DN nước ngoài.

Chính phủ đang có chủ trương khuyến khích phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn nên đây là cơ hội cho các DN đẩy mạnh chiến lược phát triển kinh doanh vào thị trường tiềm năng này.

Trong bối cảnh tín dụng tiền tệ chặt chẽ, bản thân DN cũng nên tận dụng những cơ hội như các chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM, bảo lãnh cho DN nhỏ và vừa và các cơ hội tự do hóa thương mại để xây dựng chiến lược kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ mới.

Ngoài ra, Việt Nam nên có chính sách khuyến khích DN Việt Nam hợp tác liên doanh với DN nước ngoài và mạnh dạnh đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, để làm được điều này, DN phải minh bạch hóa hoạt động, cải cách nâng cao năng lực của doanh nghiệp để có thể năng động hội nhập kinh tế quốc tế.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

DOANH NHÂN SÀI GÒN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật