VN cần cảnh giác với cú sốc từ khủng hoảng
Các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nên chuẩn bị cho những nguy cơ suy giảm sâu hơn khi vấn đề nợ công của khu vực châu Âu và sự tăng trưởng yếu tại một số nền kinh tế mới nổi lớn hơn đang làm mờ triển vọng tăng trưởng toàn cầu của khu vực.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (GEP) 2012 vừa được công bố sáng nay (18/1) của Ngân hàng Thế giới, nhấn mạnh.
2012 - 2013: Tăng trưởng của Việt Nam được cải thiện?
So với tháng 6/2011, Ngân hàng Thế giới hôm nay đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2012 cho các nước đang phát triển từ 6,2% xuống 5,4% . Đối với các nước có thu nhập cao, dự báo tăng trưởng cũng bị giảm từ 2,7% xuống còn còn 1,4%.
Tăng trưởng kinh tế của Campuchia, Lào và Việt Nam đã giảm từ 6,8% (2010) xuống còn 5,9% (2011). Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng dự kiến của Camchia và Việt Nam sẽ được cải thiện trong 2012 - 2013 nhờ khả năng ổn định chi tiêu và cải thiện kinh tế vĩ mô và chính việc thiếu các mối liên kết tài chính mạnh trong trường hợp này lại giúp cả hai nước giảm các kênh lan truyền bất ổn từ các nền kinh tế có thu nhập cao.
Quan điểm tài chính của Việt Nam vẫn thích ứng được với tình hình, việc thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn lạm phát cao dần giúp giảm bớt bất ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam có lúc đã tăng trưởng với tốc độ hai con số. GDP của nhóm các nước Nam Á dự kiến sẽ tăng 5,8% (2012) lên 7,1% trong năm 2013. Riêng GDP cho nhóm các nước Campuchia, Lào, Việt Nam dự kiến cũng sẽ tăng 6,8% trong năm nay.
Riêng khu vực châu Âu, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng cũng giảm từ 1,8% xuống còn -0,3%. Tăng trưởng toàn cầu dự kiến cho năm 2012 - 2013 sẽ ở mức 2,5 - 3,1%.
Tăng trưởng chậm có thể nhận thấy rõ rệt nhất trong thương mại toàn cầu và giá cả hàng hóa. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn cầu chỉ tăng khoảng 6,6% trong năm 2011, tức là giảm gần một nửa so với năm 2010 (12,4%) và dự kiến sẽ chỉ tăng 4,7% trong năm 2012. Trong khi đó, giá năng lượng, kim loại và khoáng sản toàn cầu, cũng như các sản phẩm nông nghiệp giảm lần lượt xuống còn 10%, 25% và 19% so với các giai đoạn lập đỉnh của năm 2011.
Giá hàng hóa giảm cũng góp phần giảm lạm phát tại phần lớn các quốc gia đang phát triển. Trong những tháng gần đây mặc dù giá lương thực thực phẩm toàn cầu đã giảm 14% so với đỉnh hồi tháng 2/2011 đảm bảo an ninh lương thực cho người nghèo nhất bao gồm cả khu vực châu Phi vẫn là mối quan tâm chính. Giá cả tại các khu vực đang phát triển đều sẽ giảm, đặc biệt tại Argentina, Brazil, Ai Cập, Ấn Độ, Serbia, Bulgari, Ukraine, và Việt Nam.
Tuy nhiên, vị thế của Việt Nam và các nền kinh tế có thu nhập trung bình và dưới trung bình trong khu vực Đông Á, Thái Bình Dương như Lào và Campuchia sẽ suy giảm hơn so với các nền kinh tế lớn trong khu vực do có ít không gian cho việc thay đổi chính sách và ít dự trữ nhằm ngăn chặn rối loạn tài chính.
Chuẩn bị cho cú sốc mạnh hơn
Bất chấp sự tăng trưởng trong xuất khẩu của khu vực (trong đó có Trung Quốc), các nhà xuất khẩu tại Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam dễ bị ảnh hưởng do nhu cầu nhập khẩu của các nền kinh tế OECD.
Áp lực lạm phát giảm dần ở hầu hết các khu vực nhưng lại mạnh hơn ở châu Âu, Trung và Nam Á, trong đó có Việt Nam.
"Các nước đang phát triển cần đánh giá những lỗ hổng của mình và chuẩn bị cho những cú sốc lớn hơn khi vẫn còn thời gian", Justin Yifu Lin, Kinh tế trưởng, Phó chủ tịch cao cấp về Kinh tế Phát triển của Ngân hàng Thế giới cho biết.
Các nước đang phát triển có ít không gian tài khóa và tiền tệ dành cho các biện pháp khắc phục kinh tế hơn thời điểm năm 2008-2009. Do đó, khả năng phản ứng có thể cũng chỉ ở mức hạn chế nếu tình hình tài chính thế giới tiếp tục khó khăn và các điều kiện toàn cầu suy giảm mạnh.
Hans Timmer, Giám đốc dự án Triển vọng Phát triển của Ngân hàng Thế giới cho biết, để chuẩn bị cho khả năng này, "Các nước đang phát triển nên lường trước vấn đề thâm hụt ngân sách, ưu tiên chi tiêu cho an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng và nghiêm túc kiểm tra các ngân hàng trong nước".
Trong khi triển vọng kinh tế 2012 ở hầu hết các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn còn thuận lợi, hiệu hứng gợn sóng của cuộc khủng hoảng tại các nước thu nhập cao vẫn còn hiện hữu trên toàn thế giới. Nợ công tại các nước đang phát triển đã làm khiến dòng vốn vào các nước đang phát triển giảm đến 170 tỉ USD trong nửa cuối năm 2011 so với 309 tỉ USD cùng kỳ năm 2010.
"Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng sẽ không loại trừ nước nào. Tỉ lệ tăng trưởng ở các nước phát triển và đang phát triển đều sẽ giảm mạnh tương đương hoặc thậm chí giảm mạnh hơn thời kỳ 2008-2009", Andrew Burn, Giám đốc Kinh tế vĩ mô toàn cầu và trưởng nhóm nghiên cứu nhận định.
Bảo Linh
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|