Ánh sáng lấp ló cuối đường hầm vào nửa năm sau!
Kinh tế năm 2012 được dự báo sẽ khó khăn hơn 2011. Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - Võ Trí Thành, nói, điều hành chính sách vĩ mô phải hết sức uyển chuyển mới có thể giảm được lạm phát mà không bóp nghẹt sản xuất, kinh doanh.
* Ngay cả với dự báo lạc quan nhất, kinh tế năm 2012 tiếp tục khó khăn và Việt Nam (VN) vẫn phải “thắt lưng buộc bụng”?
Phải nói ngay, tôi không tin vào con số của Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối năm với mức tăng trưởng 5,89%. Năm 2011, lạm phát của Việt Nam đạt đỉnh cao là 23,4% và giảm dần còn khoảng 18,5% vào cuối năm.
Lần đầu tiên cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng nhẹ, kiều hối tăng và thâm hụt ngân sách giảm. Con số thất nghiệp năm 2011 “đẹp” hơn rất nhiều so với năm 2010, dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, dù khó khăn bề bộn.
Năm 2011 cũng là năm tạm gọi “được mùa” của sản xuất nông nghiệp, công ăn việc làm tốt lên ở khu vực này. Đó là một bức tranh có điểm sáng nhưng kết quả đạt được còn hết sức mong manh.
Ở đây, cái tôi muốn nhấn mạnh là rất nhiều DN còn tên nhưng không phá sản, cũng không hoàn toàn nghỉ việc, tỷ lệ hoạt động mà chưa xử dụng hết quỹ thời gian, năng suất cực cao.
Chúng ta cần con số thất nghiệp để làm chỉ số dẫn báo điều hành kinh tế vĩ mô. Song, một năm chỉ có một lần điều tra tổng thể và vài ba lần điều tra vụn vặt, như vậy, rất khó nắm được bao quát.
* Theo ông, lạm phát chạm đáy vào thời điểm nào trong năm 2012?
Các dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam đều cho rằng, đáy suy thoái là 2012. Nhưng tất cả các dự báo ấy đều liên quan đến kịch bản: Thế giới không có suy thoái kép. Cuộc khủng hoảng châu Âu ít nhiều chống đỡ được.
Trong trường hợp khủng hoảng châu Âu, đồng euro đổ vỡ - dù xác xuất là thấp nhưng vẫn còn, hoặc là suy thoái kép thì đáy chưa biết về đâu, đặc biệt, trong thế giới còn nhiều bất định, méo mó tài chính, khó khăn như hiện nay.
Đối với kinh tế, Việt Nam muốn tập trung vào ổn định vĩ mô, tăng trưởng có thể là thấp, trung bình giai đoạn 2012 - 2015 từ 6 - 6,5%. Năm 2012, hy vọng đáy lạm phát rơi vào cuối quý I và nửa đầu quý II. Như vậy, ánh sáng đã lấp ló cuối đường hầm vào nửa năm sau!
* Lạm phát cao và thu nhập giảm khiến người dân hạn chế chi tiêu. Nhưng trên thực tế, Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng hóa xa xỉ để tiêu dùng, điều này chứng tỏ dân ta rất giàu hay do “điếc nên không sợ súng”?
Nếu lấy chỉ số tiêu dùng của Việt Nam trừ đi yếu tố giá, thì mức tiêu dùng của VN năm qua giảm dần theo quý. Quý I, lấy tăng trưởng thực trừ đi giá bằng 7- 8%, quý II là 5 - 6%, quý III là 4% và quý IV còn thấp hơn nữa. Sản xuất trì trệ cũng bởi lý do này.
Trước đây, chúng ta tiêu dùng cao bởi hai yếu tố. Một là tăng trưởng. Hai là yếu tố thu nhập nhờ tài sản: bong bóng bất động sản và chứng khoán. Bây giờ, hai thị trường này đều sụt giảm, nên tiêu dùng giảm theo.
Trong các cuộc khủng hoảng, kể cả khủng hoảng tài chính năm 2008, dân trung lưu bậc cao và dân giàu ở châu Á, gần như không giảm chi tiêu do họ không sống bằng thu nhập. Ở Việt Nam, tiết kiệm nội địa chiếm khoảng 30% GDP, chủ yếu là của trung lưu và người giàu, sử dụng hàng xa xỉ cũng là một cách chứng tỏ mình “thành đạt”.
* Vậy còn Chỉ số tồn kho năm qua, ông có nhận định gì?
Theo công bố của Tổng Cục thống kê, Chỉ số hàng tồn kho đầu tháng 12/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, hàng tồn kho vẫn tính vào GDP và đó là lý do GDP không quá thấp. Hàng tồn kho phản ánh hành vi của DN trong thời gian tới, nếu hàng tồn kho cao cộng với khó khăn trước mắt, thì xu hướng giảm sản xuất theo quý là rất cao. Nhiều khả năng, Việt Nam rơi vào đáy sản xuất trong quý I và đầu quý II.
* Xin cảm ơn ông!
Trình Tiêu (thực hiện)
|