Cần giải quyết gốc rễ của bất ổn vĩ mô
Chính phủ đã phát đi tín hiệu cải cách kinh tế mạnh mẽ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Tomoyuki Kimura trao đổi với TBKTSG về động thái này nhân diễn ra hội thảo “Kinh tế đối ngoại Việt Nam: hành trình vào một thế giới mới” do Economist Conferences tổ chức ngày 11-1 tại Hà Nội.
TBKTSG: Việt Nam đang cắt giảm đầu tư công nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Ông nhận xét thế nào về nỗ lực này?
- Ông Tomoyuki Kimura: Lạm phát cao thường trực đang làm xói mòn các thành tựu xóa đói giảm nghèo và làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư. Chính phủ đã rất đúng khi ưu tiên ổn định giá cả trong năm 2011 bằng cả hai chính sách tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, Chính phủ cần tìm được điểm cân bằng giữa nhu cầu kiềm chế áp lực lạm phát và nhu cầu duy trì mức đầu tư công nhằm đảm bảo tăng trưởng và cung cấp mạng lưới an sinh xã hội đầy đủ cho nhiều người dân hơn.
Chính phủ đã nhìn nhận thực tế là vốn đầu tư công không phải luôn được rót cho các dự án có hiệu quả nhất về kinh tế và xã hội, trong khi công tác triển khai dự án chậm chạp cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả dự án. Nâng cao hiệu quả đầu tư công bằng cách lựa chọn các dự án tốt hơn và cải thiện công tác thi công sẽ giúp Chính phủ hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Đầu tư công được cắt giảm, trong khi giới đầu tư tư nhân đang thiếu nguồn lực về tài chính và kỹ năng cho các dự án hạ tầng lớn. Như vậy, Việt Nam khó mà cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu. Làm sao để giải quyết được vấn đề này, theo ông?
- Biện pháp khẩn cấp trước mắt là Chính phủ phải cải thiện tính hiệu quả của các dự án đầu tư công đang hoặc sẽ được triển khai. Trong dài hạn, duy trì ổn định giá cả và tăng trưởng kinh tế đòi hỏi cải cách cơ cấu kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước và phát triển hệ thống tài chính lành mạnh. Nâng cao hiệu quả ở hai khu vực này là cần thiết để Việt Nam chuyển đầu tư có chất lượng sang xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, vốn đang là những nút thắt cổ chai của nền kinh tế.
Có thực tế rõ ràng là các luồng vốn tư nhân cần phải được tăng cường để tài trợ cho các nhu cầu phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống tài chính nội địa vẫn còn hẹp và nông, khi tài sản tài chính hạn hẹp được tập trung vào các ngân hàng quốc doanh và các thể thế phi ngân hàng mới chỉ phát triển phôi thai. Bảo vệ hệ thống ngân hàng là ưu tiên, nhưng Chính phủ cũng cần tiếp tục nhiệm vụ dài hơi nhằm lành mạnh hóa hệ thống tài chính vốn bị chỉ trích là huy động hết các nguồn lực để đầu tư công.
Lạm phát ở Việt Nam cao nhất trong khu vực trong khi các quốc gia khác có tỷ lệ lạm phát thấp hơn nhiều, ông lý giải điều này ra sao?
- Lạm phát cao trong năm 2011 có thể được lý giải bởi các nguyên nhân trong nước và quốc tế. Lạm phát cao là hệ lụy của giá lương lực tăng cao, tăng trưởng tín dụng nhanh trong năm 2010 và phá giá tiền đồng. Giá lương thực vào tháng 8 đã tăng gần 34% so với đầu năm, chủ yếu là do thời tiết xấu ảnh hưởng đến nông nghiệp và nguồn cung thịt heo đứt đoạn. Giá điện và nhiên liệu tăng cũng làm tăng chi phí tiêu dùng.
Như tôi đã nói, những nguyên nhân gốc rễ của lạm phát cao ở Việt Nam là do đầu tư công, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả, và sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng từ hệ thống tài chính yếu kém bị chi phối bởi vài ngân hàng nhà nước. Nếu không cải cách cơ cấu, không tập trung giải quyết các nguyên nhân này, Việt Nam sẽ luôn bị tổn thương bởi các vòng xoáy lạm phát cao, cao hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực.
Ông nhìn nhận như thế nào về những vấn đề kinh tế vĩ mô hiện nay, như tỷ lệ lạm phát, áp lực tỷ giá, dự trữ ngoại tệ… của Việt Nam so với một số các quốc gia khác?
- Những cam kết chắc chắn của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp lạm phát có xu hướng giảm và dự trữ ngoại hối dần được bổ sung. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát vẫn còn rất cao so với các nền kinh tế khác trong khu vực, trong khi dự trữ ngoại hối tính theo tuần nhập khẩu vẫn rất mỏng. Dù tỷ giá tương đối ổn định trong quí 2-2011, niềm tin vào tiền đồng vẫn còn mong manh và kỳ vọng lạm phát vẫn còn lớn. ADB khuyến khích Chính phủ khôi phục lại niềm tin của công chúng và giới đầu tư bằng cam kết cải cách cơ cấu để giải quyết những nguyên nhân cơ bản gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Tư Giang
TBKTSG
|