Lạm phát tháng Tết thấp nhất 10 năm: Hy vọng gì?
Lạm phát trong tháng giáp Tết có thể đứng ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm qua. Đây liệu có còn cơ sở để NHNN giảm lãi suất, mà theo đó các doanh nghiệp trong nước sẽ bớt phần khó khăn?
CPI tháng 1 tăng 1%
Dựa trên nhiều tính toán, những dự báo chỉ số tiêu dùng tháng 1, tháng tết mô hình Leontief và ARIMA dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2012 sẽ tăng khoảng 1% so với tháng trước.
Theo đó, nếu kịch bản này hiện thực, CPI tháng này sẽ có mức tăng thấp kỷ lục so với các tháng giáp Tết âm lịch trong khoảng 10 năm gần đây. Trước đó, mức tăng thấp nhất là tháng 2/2009 (tăng 1,17% so với tháng trước đó). Còn lại, đa số các năm đều có mức tăng của tháng áp Tết Nguyên đán khoảng 2% đến trên 3%.
Nó cũng đồng nghĩa với việc khả năng kiềm chế lạm phát năm 2012 ở mức 9% là khả thi bởi thông thường CPI tăng cao nhất trong hai tháng trước và sau Tết. Xét về cung cầu hàng hóa có thể thấy dự báo trên không hề xa vời.
CPI trong tháng trước và sau Tết chịu ảnh hưởng rất nhiều từ giá cả nhóm hàng lương thực, thực phẩm và chi phí vận tải. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này có nhiều tín hiệu cho thấy hàng hóa lương thực, thực phẩm cho Tết khá dồi dào. Rất nhiều mặt hàng có giá ổn định, thậm chí một số hàng hóa như thịt lợn và giá lúa gạo có xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, dự kiến năm nay sức cầu sẽ suy giảm khá mạnh trong bối cảnh nguồn tiền cung ra thị trường ít, các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trong cả năm, lương thưởng thấp. Lượng tiền để người dân, người làm công ăn lương chi ra tiêu tết sẽ giảm.
Trong một thông điệp phát đi hôm giữa tuần, Thống đốc NHNN cho biết NHNN sẽ cung tiền ở mức hợp lý để kiềm chế CPI trong quý I/2012. Vì vậy, năm nay các gia đình sẽ ăn Tết khiêm tốn, chứ không hoang phí như mọi năm.
Trong những ngày qua, cho dù sự căng thẳng trên thị trường tiền tệ đã lên tới đỉnh điểm khi mà một số ngân hàng thậm chí có tài sản đảm bảo cũng không vay được vốn, thì lượng tiền bơm ròng ra cho các ngân hàng thương mại vay cũng chỉ đạt vài chục nghìn tỷ đồng.
Lãi suất có giảm?
Cho tới thời điểm này, các doanh nghiệp phải đảo nợ thì cũng đã thực hiện xong thủ tục đảo nợ. Họ được tiếp tục vày ngân hàng. Tuy nhiên, đảo nợ xong không có nghĩa là hết khó khăn. Với lãi suất lên tới 20-25% như hiện tại, trong khi hàng hóa tồn kho vẫn nhiều và nợ dai dẳng trong một thời gian dài thì khả năng chống chọi để sống sót lâu dài là không còn nhiều.
Điều mong chờ lớn nhất của các doanh nghiệp (không chỉ là các doanh nghiệp bất động sản) hiện tại là lãi suất cho vay giảm.
Những thông tin về CPI đứng ở mức thấp trong 5-6 tháng qua đã liên tục rấy lên hy vọng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến bây giờ khi mà nền kinh tế đã bước sáng quý I/2012 thì lãi suất vẫn không có chuyển biến.
Dự báo và những tín hiệu CPI sẽ tăng ở mức khiêm tốn (so với các năm khác) là điều đáng mừng vì lãi suất theo đó có thể giảm.
Mặc dù vậy, đáng buồn là, trong một tuyên bố gần đây, người đứng đầu NHNN cho biết sẽ dựa trên thanh khoản của hệ thống ngân hàng để quyết định có giảm lãi suất hay không. Điều này trái với những tính toán trước đó rằng lãi suất sẽ được điều chỉnh dựa chủ yếu trên lạm phát.
Thanh khoản yếu chỉ rơi một nhóm các ngân hàng. Nhiều ngân hàng lớn vẫn đang khá dôi dư tiền mặt. Việc tái cấu trúc ngân hàng là cần thiết nhưng không có nghĩa là cần làm bằng mọi biện pháp, trong đó có những biện pháp có tác động tiêu cực lên nền kinh tế, mà đại diện là các doanh nghiệp.
Đầu tháng 12, Chinh phủ chỉ đạo giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng nói sẽ tìm cách giảm lãi suất nên ai cũng kỳ vọng, đầu 2012, lãi suất sẽ giảm dần. Nhưng bước sang năm 2012, kỳ vọng giảm lãi suất vẫn còn đó, cái khó vẫn còn đó. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp, lần lượt từ 15 - 17% và 14 - 16%. Cung tiếp tục hạn chế ở mức thấp, cầu dự báo vẫn tiếp tục ở mức cao, và bài toán giảm lãi suất không chỉ phụ thuộc ở lạm phát.
Tại phiên họp Chính phủ mở rộng cuối tháng 12 vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra tính toán rằng: 10 năm qua tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm là 29,4%, những năm gần đây bình quân là 33%, khi khống chế xuống dưới 20% "thì rõ ràng" ít nhất 10% doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng.
Nếu theo cách tính đó, năm 2012 đồng nghĩa với khả năng gia tăng thêm lượng doanh nghiệp không tiếp cận được. Trong khi đó, các kênh huy động khác mà nổi bật là chứng khoán vẫn chưa cho thấy tia sáng hy vọng. Và tuyên bố mới nhất từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã gần như dập tắt hy vọng giảm lãi suất. Thanh khoản còn khó, thị trường còn nhiều bất ổn thì chưa thể bỏ trần lãi suất. Thanh khoản còn căng thẳng thì lãi suất khó giảm. Và khó tiếp cận vốn, DN đừng kêu ngân hàng nhiều mà hãy xem lại mình.
Theo đó, với thực tế phía sau cung tín dụng và cung tiền giới hạn ở mức thấp, cầu vẫn cao và lãi suất khó giảm, thì một thực tế khác cũng đang đặt ra: ngân hàng sẽ chọn lọc hơn nữa chất lượng các nhu cầu vay vốn, đồng nghĩa với yêu cầu doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa để tăng khả năng tiếp cận vốn. Lạm phát mới chỉ là một cơ sở những chưa phải là tất cả đề giảm lãi suất. DN đừng mong lãi suất sớm giảm?
Mạnh Hà
diễn đàn kinh tế việt nam
|