Nguyên nhân nào của vòng xoáy lạm phát cao?
Đâu là nguyên nhân nền tảng khiến kinh tế Việt Nam luẩn quẩn mãi trong vòng xoáy lạm phát cao? Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đã tăng 18,13% trong năm 2011, chỉ thấp hơn mức kỷ lục 19,78% của năm 2009.
Câu hỏi đặt ra, vì sao tổng phương tiện thanh toán tăng dưới 10% và tổng dư nợ tín dụng chỉ tăng 12% là mức thấp nhất kỷ lục, theo Tổng cục Thống kê, mà mức tăng CPI lại vọt lên cao như vậy?
Các chuyên gia kinh tế mà TBKTSG Online trao đổi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam khó thoát khỏi vòng xoáy lạm phát cao do những yếu kém nội tại của nó, hơn là tác động từ bên ngoài.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ảnh hưởng của giá cả thế giới đến giá cả trong nước là có mức độ và chưa phải là nhân tố quyết định làm CPI tăng cao.
Ông giải thích bằng chứng là nhiều quốc gia trong khu vực cũng chịu chung tác động của giá cả quốc tế nhưng mức độ lạm phát thấp hơn nhiều so với Việt Nam.
Uỷ ban trích báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy điều này. Trong giai đoạn 2007- 2010, tỷ lệ lạm phát bình quân của Trung Quốc vào khoảng 3,32%/năm; Thái Lan 3,2%/năm; Malaysia 2,4%/năm; Indonesia 6,5%/năm; Philippines 4,8%/năm.
Trong khi đó, trong giai đoạn 2006 đến nay, lạm phát của Việt Nam nhìn chung đều ở mức 2 con số với mức tăng trung bình là 11,5%/năm, cao gấp hơn 2 lần mức tăng 5,2%/năm của giai đoạn 2001-2005, theo Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Như vậy, các chuyên gia cho rằng, yếu kém nội tại của nền kinh tế là nguyên nhân lớn nhất của tình trạng lạm phát.
Trưởng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tomoyuki Kimura nói: “Những nguyên nhân gốc rễ của lạm phát cao ở Việt Nam là do đầu tư công, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả, và sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng từ hệ thống tài chính yếu kém bị chi phối bởi vài ngân hàng thương mại nhà nước”.
Nhận xét của ông Kimura về những nguyên nhân nội tại được giải thích rõ ràng hơn trong một báo cáo mang tên “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2012- 2013” của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Thứ nhất, lạm phát chi phí đẩy: lạm phát trong nước chịu sự tác động của chi phí đẩy bao gồm cả việc điều chỉnh tỷ giá 9,3% vào tháng 2/2011 có thể khiến CPI năm 2011 tăng thêm 1,2%; việc điều chỉnh giá điện (18%) đầu năm 2011 có thể khiến CPI năm 2011 tăng thêm 0,75%; giá xăng tăng thêm 20% khiến CPI năm 2011 tăng thêm khoảng 0,5%.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của chi phí đẩy đến lạm phát chỉ ở mức độ nhất định, chưa phải là yếu tố quyết định làm lạm phát tăng cao.
Thứ hai, lạm phát cầu kéo. Lạm phát cầu kéo ở Việt Nam biểu hiện ở việc tổng cầu tăng quá nhanh, thể hiện qua hai khía cạnh:
(i) Tổng phương tiện thanh toán (M2) luôn duy trì tốc độ tăng cao (M2 tăng 22,8%/năm giai đoạn 2000-2005 và 29,5%/năm giai đoạn 2006-2010), khiến “độ sâu tài chính” (tính bằng tỷ số M2/GDP) tăng vọt từ mức 97,6% năm 2006 lên tới mức 133,8% năm 2010. Trong giai đoạn 2007-2010, M2 đã tăng 2 lần, trong khi đó GDP danh nghĩa tăng 1,73 lần và GDP thực tế chỉ tăng 1,2 lần.
(ii) Sản lượng thực tế trong những năm gần đây đã tăng quá cao so với tiềm năng , từ đó gây ra lạm phát.
Ngoài ra, tình trạng phát triển quá nóng của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, tình trạng đô la hóa, vàng hóa nghiêm trọng khiến một lượng vốn lớn của xã hội không được đầu tư trực tiếp cho sản xuất; “kỳ vọng lạm phát” cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, tạo thành “lạm phát tâm lý”.
Uỷ ban này kết luận: "hiệu quả đầu tư giảm sút, hệ số ICOR tăng cao, do đó để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế buộc phải gia tăng đầu tư dẫn tới tăng tổng cầu, được biểu hiện qua việc mở rộng M2 và tín dụng quá mức, vượt quá khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là sau khi thực hiện gói kích cầu. Đây chính là nguyên nhân sâu xa và chủ yếu gây ra lạm phát ở Việt Nam".
Việt Nam đặt mục tiêu đưa tỷ lệ lạm phát về một con số trong năm 2012 và đưa về mức 5% tới năm 2015, gần bằng mức các quốc gia trong khu vực, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Song điều đó liệu có khả thi, nếu thiếu nỗ lực khắc phục những nguyên nhân nội tại?
Tư Hoàng
TBKTSG ONLINE
|