Dòng đầu tư “phá giá”
Móc áo bằng thép vừa bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ. Vụ kiện này đã được dự báo từ một năm rưỡi trước.
Tháng 7-2010, sản phẩm này bị kiện về lẩn tránh thuế. Lúc đó móc áo bằng thép xuất xứ Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ đang phải chịu thuế chống bán phá giá ở mức 16%-200%. Bên kiện cho rằng để tránh thuế chống bán phá giá, DN Trung Quốc đã sang Việt Nam gia công để lấy xuất xứ Việt Nam.
Bên kiện cho rằng công đoạn quan trọng nhất là hình thành khung móc từ các cuộn dây thép đã được thực hiện tại nhà máy ở Trung Quốc. Phần thực hiện tại nhà máy ở Việt Nam chỉ bao gồm dán thêm giấy cho các bộ móc, lắp ống nhựa, đóng bao bì xuất khẩu. Các công đoạn này chiếm tỉ trọng không đáng kể trong việc hình thành nên chiếc móc áo.
Sau một năm rưỡi điều tra, cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã kết luận có hiện tượng lẩn tránh thuế. Với kết quả này, việc các DN móc áo Mỹ khởi kiện chống bán phá giá đối với móc áo Việt Nam là điều tất nhiên. Và điều đó đã đến. Móc áo bị kiện chống bán phá giá với biên độ 83%-160%.
Các chuyên gia về chống bán phá giá thường xuyên cảnh báo rằng khi DN ở một quốc gia bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao, họ thường tìm cách đầu tư sang những nước lân cận để sản xuất, gia công, lấy xuất xứ khác nhằm tránh thuế. Dòng đầu tư mang tính chất lẩn tránh thuế này khiến nước lân cận cũng nhanh chóng bị kiện. Nếu ở “bến đỗ” thứ nhất cũng bị kiện, DN có thể lại tiếp tục nhảy cóc, tìm “bến đỗ” thứ hai…
Có thể xem dòng đầu tư giống như dòng nước chảy, nó có thể mang đến cá, tôm, phù sa cho vùng đất. Thế nhưng dòng đầu tư “phá giá” có thể chỉ mang đến một chút lợi ích tức thời, sau đó sẽ làm xói mòn vùng đất mà nó đi qua.
Để tránh việc trở thành “bến đỗ”, xói mòn vì các dòng đầu tư “phá giá” thì ngoài các tiêu chí về môi trường, công nghệ… thì việc thu hút dòng đầu tư cần được kết hợp chặt chẽ với việc phân tích thông tin về chống bán phá giá của các quốc gia trong khu vực.
Hải Ly
Pháp luật TPHCM
|