Thứ Bảy, 07/01/2012 10:38

Kinh tế vĩ mô 2012: Nhiều tín hiệu tích cực

Kinh tế vĩ mô năm 2012 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, trên hành trình vượt qua những thử thách đó, nhiều tín hiệu cho thấy khoảng cách giữa hy vọng và hiện thực ổn định kinh tế vĩ mô đang dần được thu hẹp.

Quyết tâm chính sách

Định hướng điều hành kinh tế vĩ mô năm 2012 liên tục được Chính phủ phát đi với thông điệp nhất quán là tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... Theo đó, phấn đấu kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm còn khoảng 9%, nghĩa là thấp hơn tới 50% so với năm 2011.

Để hiện thực hóa nhiệm vụ được coi là rất khó khăn trên, trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến hoàn chỉnh trước khi trình Chính phủ ban hành, đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ.

Cụ thể, chính sách tiền tệ được thực hiện chặt chẽ, thận trọng. Chủ động điều hành và kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2012 khoảng 15 - 17%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 14 - 16%. Đặc biệt, chú trọng thực hiện các biện pháp phù hợp để giảm mặt bằng lãi suất.

Cùng với đó, chủ trương thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả tiếp tục được theo đuổi trong năm 2012 bằng nhiều giải pháp mạnh, trong đó cắt giảm đầu tư công là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan và địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn trái phiếu chính phủ.

Theo đó, không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu chính phủ kế hoạch năm 2012, thu hồi về ngân sách Trung ương các khoản này để bổ sung vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2012.

Không ứng trước vốn NSNN, trái phiếu chính phủ năm 2012 cho các dự án, trừ các công trình khắc phục hậu quả thiên tai, quốc phòng, an ninh cấp bách.

Kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, không hiệu quả...

Ngành thép là một trong những ngày chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ kinh tế vĩ mô

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chủ trì thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án đầu tư từ nguồn vốn NSNN và trái phiếu chính phủ đã được bố trí vốn năm 2012, xác định cụ thể các công trình cần thu hồi hoặc điều chuyển vốn, báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý trong tháng 4/2012.

Điểm đáng chú ý trong nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô là cùng với triển khai tái cấu trúc 3 lĩnh vực: đầu tư, DNNN và hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ được khởi động trong năm 2012.

Theo định hướng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì hoàn thiện Đề án "Báo cáo rà soát, tổng hợp các đề án tái cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế" để trình Chính phủ trong năm 2012.

Khó khăn đã đạt đỉnh

Dưới góc nhìn của cộng đồng DN và giới đầu tư thì quyết tâm theo đuổi các mục tiêu ổn định vĩ mô của Chính phủ trong ngắn hạn có thể khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của không ít DN gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là cái giá phải trả nếu muốn tình hình vĩ mô sớm đi vào ổn định vững chắc, lâu bền.

Đáng chú ý, trong khó khăn, cộng đồng DN đã thể hiện sự tin tưởng vào triển vọng ổn định vĩ mô trong năm 2012, yếu tố vốn được coi là nền tảng đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của họ diễn ra hiệu quả, bền vững. Điều này được thể hiện rõ nét qua kết quả điều tra của Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), một diễn đàn uy tín gắn liền với Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam được tổ chức định kỳ hàng năm.

Theo đó, khi được đề nghị đưa ra cảm nhận về môi trường kinh doanh năm 2011 - 2012 và những năm tới, 240 DN trong và ngoài nước đánh giá khó khăn của môi trường kinh doanh đã đạt đỉnh trong năm 2011. Mức điểm bình quân mà các DN đánh giá về môi trường kinh doanh năm 2011 là 2,04 điểm/4 so với 2,45 điểm của năm 2012 và 2,88 điểm trong các năm 2013 - 2014. Cùng với đó, gần 69% DN cho biết, sẽ mở rộng kinh doanh trong ba năm tới, vì tin rằng tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực sẽ cao…

Có thể thấy, trong khó khăn đã lộ diện những hy vọng về ổn định vĩ mô ngay trong năm 2012. Hơn ai hết, cộng đồng DN, giới đầu tư trong và ngoài nước đang mong đợi những hy vọng này của họ sớm trở thành hiện thực. Trong đó, năm 2012 được xem là mốc đặt những điểm tựa vững chắc cho quỹ đạo ổn định kinh tế vĩ mô được định hình.

Hữu Hòe

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Hiệu quả đầu tư của khu vực FDI kém hơn cả Nhà nước (06/01/2012)

>   Hà Nội: Lương cao nhất 50 triệu đồng mỗi tháng (06/01/2012)

>   TPHCM: Phấn đấu GDP năm 2012 tăng 10% trở lên (06/01/2012)

>   Các nhà làm chính sách cần thận trọng (06/01/2012)

>   Việt Nam đầu tư tới 55 quốc gia, vùng lãnh thổ (05/01/2012)

>   Bộ trưởng Vương Đình Huệ: 'Năm 2012 không để xảy ra các cơn sốt giá' (05/01/2012)

>   Tăng giá và gánh nặng kiềm chế CPI (05/01/2012)

>   TPHCM tiếp tục dẫn đầu về sản xuất công nghiệp (04/01/2012)

>   Chính phủ: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô (04/01/2012)

>   Kỳ vọng tứ giác mục tiêu 2012 (04/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật