Thứ Tư, 04/01/2012 11:42

Kỳ vọng tứ giác mục tiêu 2012

Tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít là mục tiêu chung và lý tưởng của mọi quốc gia, được coi là “tứ giác mục tiêu”. Vậy tứ giác này của Việt Nam năm 2011 diễn biến ra sao và kỳ vọng gì vào năm 2012?

Tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng GDP năm 2011 ước đạt 6%, tuy thấp hơn tốc độ tăng của năm trước (6,78%) và chưa đạt kế hoạch cả năm (7 - 7,5%), nhưng vẫn có một số điểm tích cực.

Thứ nhất, theo thời gian, tốc độ tăng GDP đã cao lên qua các quý (quý I tăng 5,43%, quý II tăng 5,67%, quý III tăng 6,11%, quý IV ước tăng 6,5%).

Thứ hai, theo nhóm ngành, tăng trưởng kinh tế đạt được ở cả 3 nhóm (nông - lâm - thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ).

Thứ ba, tốc độ tăng trưởng GDP 6% không phải là thấp, nếu so với nhiều nước (tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm từ 5,1% xuống còn 4%, tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN suy giảm từ 6,9% xuống 5,3%).

Thứ tư, tăng trưởng GDP 6% là một nỗ lực, là kết quả đáng khích lệ khi đạt được trong điều kiện kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, thách thức cả ở đầu vào, đầu ra, cũng như hạn chế, bất cập từ trong nước, ảnh hưởng tiêu cực từ nước ngoài.

Thứ năm, đáng lưu ý là, tư duy về tăng trưởng đã có sự chuyển đổi. Việt Nam không chọn tăng trưởng bằng mọi giá - tăng trưởng “ảo”.

Mục tiêu năm 2012 là tăng trưởng GDP ở mức 6 - 6,5%. Tốc độ tăng trưởng này được coi là hợp lý. Tính hợp lý của tốc độ này thể hiện trên nhiều khía cạnh. (1) Tăng trưởng 6% là để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. (2) Mục tiêu đó là vừa phải, do còn phải tập trung cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô. (3) Đó cũng là mức tối thiểu để bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. (4) Khi có điều kiện thuận lợi, sẽ phấn đấu đạt mức 6,5%, tạo tiền đề vật chất để thực hiện tốt hơn các mục tiêu khác (cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế), tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế. (5) Tính hợp lý còn được thể hiện ở các yếu tố đầu vào (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm từ ước 38% năm 2011 xuống còn 33,5- 34% theo mục tiêu năm nay) và ở các yếu tố đầu ra (tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chậm lại, tốc độ tăng xuất khẩu cũng chậm lại, từ ước 33% xuống còn 12-13%...).

Tuy nhiên, lạm phát tính chung cả năm 2011 vẫn ở mức cao, cao hơn năm 2010 (trên 18% so với 11,75%). CPI năm 2012 theo mục tiêu là tăng dưới 10%. Đây là một kỳ vọng xét theo nhiều mặt. CPI từ năm 2004 đến nay cho thấy, cứ 2 năm tăng cao, thì có 1 năm tăng chậm lại. Riêng năm 2011 ước tăng trên 18%, thì năm 2012 tăng dưới 10% là có thể xảy ra). Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thấp hơn năm trước (33,5- 34% so với 38%), trong khi tăng trưởng GDP cao hơn, nên ICOR (hệ số đánh giá hiệu quả đầu tư) thấp hơn (trên dưới 5,6 lần so với trên 6,3 lần). Tốc độ tăng năng suất lao động có khả năng cao hơn năm trước (3,6% so với 3,1%). Độ trễ của việc tăng thấp dư nợ tín dụng, của tổng phương tiện thanh toán trong năm 2011 và sẽ tiếp tục tăng thấp trong năm 2012, sẽ góp phần giảm áp lực lạm phát.

Cán cân thanh toán

Năm 2011, chỉ tiêu này có bước cải thiện tích cực. Nhập siêu giảm cả về quy mô tuyệt đối (khoảng 10 tỷ USD, thấp nhất tính từ năm 2007), cả về tỷ lệ nhập siêu (khoảng 10,4%, thấp nhất tính từ năm 2002) và thấp xa so với chỉ tiêu của Quốc hội (18%) và mức phấn đấu của Chính phủ (16%).

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 12 - 13%, tuy thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của 2 năm trước (năm 2010 tăng 25,5%, năm 2011 ước tăng 33%), nhưng vẫn cao gấp đôi tốc độ tăng GDP theo mục tiêu và xuất khẩu tiếp tục là động lực của tăng trưởng. Với ước tính năm 2011 đạt 96 tỷ USD, thì năm 2012 lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt 107-108 tỷ USD và xuất khẩu bình quân đầu người có thể vượt qua mốc 1.200 USD. Tăng trưởng thấp hơn, nhưng kết quả trên đạt được không dễ, bởi số gốc so sánh là năm 2011 đã đạt khá cao; giá xuất khẩu khó tăng cao như năm 2011; lượng xuất khẩu của một số loại hàng hóa khó tăng, do đã tới ngưỡng của nguồn (như nông sản), do tiết kiệm tài nguyên (như dầu thô, than…), do nhu cầu nhập khẩu của các đối tác lớn khó tăng bởi kinh tế chưa phục hồi, bởi khủng khoảng nợ công… Tình hình trên đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt bậc. Tỷ lệ nhập siêu ở mức 11,5-12% tổng kim ngạch xuất khẩu, tuy cao hơn năm 2011, nhưng không dễ thực hiện, bởi tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn, còn tốc độ tăng nhập khẩu lại cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu. Mức nhập siêu ở mức 12,4 -13 tỷ USD.

Cán cân thanh toán được cải thiện, do nhập siêu giảm và do lượng ngoại tệ thu hút được tốt hơn, bao gồm cả nguồn từ nước ngoài và nguồn ở trong nước. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực còn nhiều khó khăn, tác động đến tỷ giá và nhiều mặt khác.

Do dân số vẫn còn tăng (khoảng 1%), số người đến tuổi lao động còn tăng với tốc độ cao hơn… nên số người mất việc và thiếu việc làm tăng lên. Theo báo cáo 9 tháng của Tổng cục Thống kê, số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế của cả nước ước đạt 50,6 triệu người, tăng trên 1,45 triệu người so với số lao động bình quân năm 2010.

Năm 2012, với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, việc tiếp cận vốn sẽ dễ hơn, lãi suất vay ngân hàng thấp xuống, hiệu quả đầu tư có khả năng cao hơn…, tình trạng mất và thiếu việc làm sẽ giảm, các chương trình liên quan đến công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo góp phần thu hút lao động sẽ tăng lên.

Tứ giác mục tiêu năm 2011 đẹp hơn về đỉnh cán cân thanh toán, nhưng kém hơn về các đỉnh tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp. Kỳ vọng tứ giác mục tiêu năm 2012 sẽ đẹp hơn năm 2011 về các đỉnh tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp và có thể cả cán cân thanh toán

Minh Nhung

báo đầu tư

Các tin tức khác

>   Việt Nam trong top 15 thị trường đầu tư tiềm năng (04/01/2012)

>   Nghị quyết 01: 7 nhóm giải pháp thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012 (04/01/2012)

>   Quản chặt vốn vay đầu tư ra nước ngoài (04/01/2012)

>   JPMorgan Chase: Chính sách thắt chặt của Việt Nam bắt đầu hiệu quả (04/01/2012)

>   Giám đốc WB: Thời điểm tốt để cơ cấu lại nền kinh tế (04/01/2012)

>   Cải cách kinh tế năm 2012: Vượt cản ngại của nhóm lợi ích (04/01/2012)

>   Hỏi - đáp với quan chức thống kê về kinh tế năm qua (03/01/2012)

>   Ông Võ Hồng Phúc: '2012 tái cấu trúc kinh tế... để ngày xuân ấm áp' (03/01/2012)

>   Triển vọng các kênh đầu tư “nóng” dưới góc nhìn chuyên gia (03/01/2012)

>   Chủ tịch thưởng Tết nhà 8 tỷ: 'Cơ hội có trong khủng hoảng' (03/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật