Thứ Tư, 04/01/2012 08:47

Giám đốc WB: Thời điểm tốt để cơ cấu lại nền kinh tế

Áp lực lạm phát có xu hướng giảm, nhưng Việt Nam vẫn cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư nhân dịp Xuân mới.

Mức tăng theo tháng của chỉ số giá tiêu dùng dưới con số 1% trong 5 tháng qua cho thấy lạm phát có xu hướng giảm. Theo bà, khi nào Việt Nam có thể nới lỏng chính sách tiền tệ?

Lạm phát cả năm 2011 của Việt Nam hơn 18% là mức rất cao. Tăng trưởng kinh tế năm 2011 có sụt giảm, nhưng không nhiều. Mức tăng trưởng hơn 5%, dưới 6% vẫn rất tốt. Tôi hiểu là các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó về tiếp cận vốn, song vấn đề cần lưu ý ở đây là, nguồn lực cần phải được ưu tiên cho những DN tạo ra nhiều việc làm. Làm sao để hệ thống tài chính trung gian vận hành tốt trong phân bổ vốn và tín dụng. Đó là thách thức.

Khi lạm phát về rất gần một con số, lúc đó có thể xem xét liệu có nên nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng chưa. Theo tôi, hiện tại Việt Nam vẫn cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. Rất khó để nói chính xác lúc nào Việt Nam nên nới lỏng chính sách tiền tệ. Cần giám sát chặt chẽ diễn biến của lạm phát.

Một số nhà phân tích cho rằng, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ còn rất  khó khăn, ít nhất là hết quý II/2012. Quan điểm của bà thế nào?

Tôi nghĩ, không có lý do gì khiến tình hình lạm phát ở Việt Nam không khả quan hơn trong năm 2012. Nếu Chính phủ tiếp tục kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát và thực sự quyết liệt thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế để cải thiện các vấn đề liên quan đến hiệu quả, chắc chắn Việt Nam sẽ đạt được kết quả rất tốt. Trong báo cáo mới nhất về kinh tế thế giới, WB dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2012 ở mức 10,3%.

Tái cơ cấu DN nhà nước là một trong ba trọng tâm trong tái cơ cấu nền kinh tế. Thế nhưng, câu chuyện cải cách DN nhà nước đã bắt đầu từ hơn 20 năm trước đây. Theo bà, Việt Nam cần làm gì để cải cách DN nhà nước trong giai đoạn mới có bước tiến rõ rệt hơn?

Cần có những hành động cụ thể hơn về cải cách DN nhà nước. Thời gian qua có nhiều DN được cổ phần hóa, nhưng hầu hết chỉ là các DN nhỏ. Nhiều DN nhà nước lớn hơn không được cổ phần hóa, thậm chí còn phình ra với sự ra đời của các tập đoàn kinh tế. Mặc dù vậy, vấn đề không chỉ nằm ở câu chuyện cổ phần hóa, mà còn liên quan đến quản trị, minh bạch, giám sát việc thực thi và quy trách nhiệm rõ ràng.

Với hai trọng tâm còn lại là cơ cấu lại đầu tư công và cơ cấu lại ngành tài chính, ngân hàng thì công việc cốt lõi là gì, thưa bà?

Một phần quan trọng của cơ cấu lại đầu tư công là đảm bảo các quyết định đầu tư được đưa ra trên cơ sở đánh giá tính hiệu quả. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, nợ xấu, giám sát việc thực thi pháp luật, hỗ trợ các ngân hàng có phân tích thấu đáo về rủi ro và giúp họ quản trị rủi ro tốt hơn.

Tôi hiểu, Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị nhiều kế hoạch hành động cho việc cơ cấu lại nền kinh tế. WB sẵn sàng hỗ trợ tài chính, tham vấn chính sách, hỗ trợ phân tích để Việt Nam thực hiện các kế hoạch này. Cảm nhận của tôi là Chính phủ Việt Nam biết rõ các giải pháp là gì. Tôi nghĩ, đây là một chính phủ có trách nhiệm và có ý chí biến quyết tâm thành hành động để đưa đất nước tiến lên. Vấn đề cốt lõi vẫn là thực sự biến quyết tâm thành hành động cụ thể.

Nguyễn Hạnh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Cải cách kinh tế năm 2012: Vượt cản ngại của nhóm lợi ích (04/01/2012)

>   Hỏi - đáp với quan chức thống kê về kinh tế năm qua (03/01/2012)

>   Ông Võ Hồng Phúc: '2012 tái cấu trúc kinh tế... để ngày xuân ấm áp' (03/01/2012)

>   Triển vọng các kênh đầu tư “nóng” dưới góc nhìn chuyên gia (03/01/2012)

>   Chủ tịch thưởng Tết nhà 8 tỷ: 'Cơ hội có trong khủng hoảng' (03/01/2012)

>   Hai kỳ vọng lớn đối với các nhà lãnh đạo (03/01/2012)

>   Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Chính Phủ (02/01/2012)

>   Điều hành kinh tế năm 2011: Dấu ấn và sự linh hoạt (02/01/2012)

>   Bình Thuận thu hồi 165 dự án chậm triển khai (02/01/2012)

>   Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp năm mới 2012 (02/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật