Thứ Ba, 03/01/2012 10:09

Ông Võ Hồng Phúc: '2012 tái cấu trúc kinh tế... để ngày xuân ấm áp'

“Nước đến chân mới nhảy” có phải là sự khái quát một trong những tính cách nổi trội của người Việt trong đời sống hàng ngày hay không? Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc dí dỏm trích dẫn câu ngạn ngữ để dự báo về kinh tế Việt Nam 2012 và cơ hội vượt qua khủng hoảng.

Theo ông, nhìn chung người Việt luôn tìm ra lối thoát trong tình thế ngặt nghèo. Sự lạc quan đó không dựa trên niềm tin một chiều. Đất Việt giới thiệu bài viết của Nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.

Đầu tháng 12/2011, chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm mới 2012 với nhiều lo toan, tình cờ xem một Bản tin Tài chính kinh doanh của VTV1, một kênh truyền hình chính luận của Đài Truyền hình quốc gia, một chương trình xưa nay vốn được coi là có phong cách hơi nghiêm túc. Nên tôi thực sự ngạc nhiên khi bản tin này phát phỏng vấn S.Lo - được giới thiệu là nhà phong thủy nổi tiếng Hong Kong dự báo về tình hình kinh tế thế giới 2012 (tất nhiên là khai thác của hãng tin Reuteur thôi).

Không biết ông ấy giỏi đến đâu nhưng trong đoạn phỏng vấn thực sự cách lý giải cũng không lấy gì làm xuất sắc, chỉ dựa trên những nguyên lý cơ bản của quy luật Ngũ hành tương sinh, tương khắc. Theo ngũ hành thì Kim khắc Mộc năm 2011 vừa qua là năm Mộc; kinh tế mà trực tiếp là tài chính và chứng khoán thuộc hành Kim. Lẽ dĩ nhiên, tài chính chứng khoán cả ở Việt Nam và toàn cầu đều không mấy sáng sủa. Đấy là câu chuyện đã qua. Còn sang năm Nhâm Thìn 2012 (Trường Lưu Thủy - nước sông dài) thì sao? Vẫn là sinh xuất (kim sinh thủy). Do đó, tài chính, chứng khoán vẫn không khá khẩm hơn 2011. Và tình hình chỉ được cải thiện chút xíu từ năm 2013, sáng sủa trở lại từ 2014.

Tất nhiên, dự báo này không khác bao nhiêu so với dự báo của các kinh tế gia tên tuổi. Tuy nhiên, dự báo gây được sự chú ý bởi nó được phát đi trên một chương trình nghiêm túc. Dẫu chỉ nhằm mục tiêu giúp người xem (nhất là các nhà đầu tư, giới doanh nghiệp) thư giãn trong giây lát nhưng điều đó là một chỉ dấu cho thấy sự mất niềm tin rất lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế.

"Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân. (“Tự răn mình”, Hồ Chí Minh). Về Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ KH-ĐT), tôi được tiếp xúc nhiều với cố chủ nhiệm Ủy ban Lê Thanh Nghị. Ông có rất nhiều huấn thị về những lời căn dặn của Bác Hồ. Có cả những dặn dò tế nhị về ngoại giao (có thể tôi sẽ viết trong một dịp khác), mà cho đến nay sau hơn hơn 40 năm, khi tóc đã bạc, ngẫm lại thấy Bác thật thâm thúy.

Hơn 70 năm trước, Bác đã đưa ra một quy luật tự nhiên như thế: Không có cảnh rét mướt tiều tụy của mùa đông thì cũng sẽ không có cảnh ấm áp huy hoàng của mùa xuân. Đó là lẽ tất yếu, quy luật tuần hoàn của tự nhiên như “hết mưa là nắng hửng lên thôi”.

Chuyện nọ nối chuyện kia. Sau hơn 40 năm gắn bó với Bộ Kế hoạch Đầu tư, về hưu mới có dịp ngẫm lại. Hóa ra, câu thơ ấy không chỉ ứng với một quy luật tự nhiên, với những thăng trầm của con người, đời người mà cũng rất đúng với nền kinh tế. Nói như vậy, không có nghĩa để bao biện cho những nguyên nhân chủ quan, những yếu kém nội tại của nền kinh tế.

Một cơ thể, không khi nào khỏe khoắn trở lại, nếu không trải qua một vài trận ốm vỡ da. Sau hơn 20 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã phát triển liên tục với tốc độ cao, từ 6,5%  đến 8%/năm. Đó là sự phát triển chiều rộng, dựa trên tăng trưởng vốn đầu tư, nhân công và tài nguyên giá rẻ... Mô hình tăng trưởng đó đã tới ngưỡng, đòi hỏi sự thay đổi nếu muốn tiếp tục phát triển. Ngay từ cuộc khủng hoảng 2007, thậm chí là trước đó, nhiều chuyên gia và cả các nhà lãnh đạo cũng đã nhận thấy điều đó. Và cũng đã có sự chuyển hướng, từ mô hình phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu. Tuy nhiên, sự thay đổi đó chỉ trở nên cấp bách khi cuộc khủng hoảng toàn cầu kéo dài và lan rộng với mức độ nghiêm trọng hơn. Xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng, lạm phát cao, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách nặng nề, đồng tiền yếu kém nhất châu Á vẫn chưa có dấu hiệu được chặn lại một cách chắc chắn.

Thực tế đó, không thể lần lữa mà đòi hỏi sự quyết liệt trong tái cấu trúc nền kinh tế. Chính phủ tập trung tái cơ cấu kinh tế với 3 lĩnh vực quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác.

Tái cơ cấu, thực tế là trận ốm vỡ da, đòi hỏi sự quyết liệt và nhiều liều thuốc đắng để cơ thể  hồi phục và mạnh mẽ hơn. Trận ốm ấy, bước đầu cũng đã tạo động lực để chúng ta phải “nhảy”.

Nền kinh tế thế giới hiện đại, để đạt được trình độ phát triển hôm nay cũng đã trải qua những trận ốm vỡ da. Đó là đợt khủng hoảng toàn cầu, khủng hoảng thừa 1929 - 1933, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ khủng hoảng dầu mỏ 1973 - 1974... Sau mỗi cuộc khủng hoảng, kinh tế thế giới phát triển trở lại với một trình độ cao hơn.

Năm 1995, WTO - Tổ chức Thương mại thế giới ra đời, thay thế cho GATT (Hiệp định chung về thuế quan và thương mại) đã tồn tại suốt từ năm 1948.  WTO là một cơ cấu quốc tế, thương mại qua việc thuyết phục các nước thành viên bãi bỏ thuế nhập khẩu và các hàng rào thuế quan khác. Do vậy, WTO gắn bó chặt chẽ với vấn đề toàn cầu hoá. Và khái niệm “thế giới phẳng” ra đời từ đó. Kể từ khi WTO ra đời, thế giới đã trải qua hai cuộc khủng hoảng: Khủng hoảng tài chính 1997, khủng hoảng kinh tế 2007.

Khi toàn cầu hóa khiến thế giới “phẳng” hơn, thì với một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như Việt Nam trở nên nhạy cảm với thời tiết kinh tế hơn. Nếu như cuộc khủng hoảng 1997, Việt Nam chỉ chịu chút tác động chung không đáng kể thì lần này tác động đến hầu như mọi khía cạnh đời sống kinh tế bởi độ mở của nền kinh tế đã tới 166%. Các nước ASEAN, sau cuộc khủng hoảng vừa qua, dù là quốc gia xuất siêu, cũng đã kịp kéo độ mở xuống dưới 100% GDP như Thái Lan, 36,7% Indonesia, 53,6% của Phillipines ...

Cuộc khủng hoảng nợ công ở Mỹ và EU (và có nguy cơ lan ra nhiều quốc gia khác), thực chất là căn bệnh đã ủ lâu khi để duy trì tăng trưởng và tạo việc làm mới, Chính phủ các quốc gia này liên tục phải đi vay để đầu tư.

Cuộc khủng hoảng này không biết kết thúc khi nào. Mặc dù bị tác động đáng kể nhưng nó lại là cơ hội lớn cho các nước đang phát triển đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư, rút ngắn khoảng cách với các nước giàu. Bởi đồng tiền phải liên tục đẻ ra tiền, nếu nằm trong két là đồng tiền chết. Khi Mỹ, EU chưa có khả năng phục hồi, luồng tiền sẽ phải chủ động chảy về những nơi nó có khả năng sinh sôi: Những khu vực năng động, hấp dẫn đầu tư (cơ chế tốt, thị trường lớn, chất lượng nhân lực cao nhưng chi phí nhân công tương đối rẻ hơn...).

Ngẫm lại lời ông thầy phong thủy Lo, hóa ra cũng có cái đúng. 2012 là năm chuẩn bị, quyết liệt tái cấu trúc kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế để không bỏ lỡ những ngày xuân ấm áp.

Võ Hồng Phúc (Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư)

đất việt

Các tin tức khác

>   Triển vọng các kênh đầu tư “nóng” dưới góc nhìn chuyên gia (03/01/2012)

>   Chủ tịch thưởng Tết nhà 8 tỷ: 'Cơ hội có trong khủng hoảng' (03/01/2012)

>   Hai kỳ vọng lớn đối với các nhà lãnh đạo (03/01/2012)

>   Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Chính Phủ (02/01/2012)

>   Điều hành kinh tế năm 2011: Dấu ấn và sự linh hoạt (02/01/2012)

>   Bình Thuận thu hồi 165 dự án chậm triển khai (02/01/2012)

>   Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp năm mới 2012 (02/01/2012)

>   Năm 2012: Kiên trì kéo giảm lạm phát (02/01/2012)

>   2012 - Sau thách thức là thách thức (02/01/2012)

>   Dự báo kinh tế 2012: “Dẫu sao cũng nhẹ nhàng hơn” (01/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật