Thứ Hai, 02/01/2012 16:14

Điều hành kinh tế năm 2011: Dấu ấn và sự linh hoạt

Đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, đến thời điểm này, hiệu quả thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã có kết quả ban đầu trong việc kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Đón năm mới 2012, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, xoay quanh dấu ấn và sự linh họat trong điều hành kinh tế vượt qua các thách thức.

Thưa ông, với vai trò là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, ông đánh giá như thế nào về kết quả 9 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ?

Nghị quyết 11 của Chính phủ ban hành ngày 24-2-2011. Đến nay, Nghị quyết 11 đã đi vào cuộc sống. Thành quả là chỉ số giá cả 4 tháng gần đây giảm đang giảm dần và giảm đáng kể; bội chi ngân sách thấp hơn so với những năm trước đây và chỉ chiếm 4,9% GDP; việc ứng trước vốn những năm sau để đầu tư cho năm này là không xảy ra; nhập siêu chỉ chiếm 9,9% so với kim ngạch xuất nhập khẩu. Đây là con số khá khả quan. Những vấn đề kinh tế vĩ mô dần dần đi vào ổn định.

Song song với những thành quả đạt được từ việc thực hiện Nghị quyết 11 thì vẫn còn có những tồn tại gây khó khăn cho phát triển kinh tế. Đơn cử, như nhiều dự án xây dựng bệnh viện nhằm giảm tải công tác khám chữa bệnh bị "ách tắc trên giấy”. Nên tháo gỡ ra sao để hạn chế đầu tư công nhưng vấn đề an sinh xã hội không bị giới hạn?

Bên cạnh những thành quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 11 vẫn còn xảy ra những "tác dụng phụ” làm ảnh hưởng đến quá trình ổn định và phát triển kinh tế. "Tác dụng phụ” đó là, cả nước có 48.700 doanh nghiệp công bố ngưng hoạt động. Riêng việc đầu tư công, vì thực hiện cắt giảm tràn lan chưa qua sàng lọc cho nên nhiều dự án quan trọng bị trì hoãn. Nhìn nhận về những khuyết điểm trong việc cắt giảm đầu tư công trong thời gian qua, Chính phủ đã ra Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ được xem là "phát súng” đầu tiên cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Chỉ thị này sẽ có những quy định cụ thể hơn về cắt giảm đầu tư công.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nghị quyết 11 gây khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt biện pháp thắt chặt tín dụng. Vậy theo ông trong thời gian tới Chính phủ nên tháo gỡ khó khăn về vốn và lãi suất như thế nào để doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định lao động?

Lãi suất không thể đứng ở mức cao mãi mà có thể giảm xuống thấp. Bản thân lãnh đạo Nhà nước cũng thấy rõ việc giảm lãi suất sẽ thuận lợi về nhiều mặt cho nền kinh tế. Giảm lãi suất đem lại hiệu quả cao như: làm nóng thị trường bất động sản; thị trường chứng khoán; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định lao động... Tuy nhiên, giảm lãi suất sẽ xảy ra hai "tác dụng phụ”. Một là giảm lãi suất phải hỗ trợ ngân hàng thương mại, hai là giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ. Vì vậy, sắp tới Chính phủ sẽ có chương trình và gói hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp về vấn đề miễn giảm thuế, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, Chính phủ phải có phương pháp ổn định lại tỷ giá.

Ông có nghĩ việc thực hiện Nghị quyết 11 khó đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian qua và sắp tới hay không?

Trong một năm, số doanh nghiệp tuyên bố giải thể cũng bằng số doanh nghiệp được thành lập mới, đã giải quyết việc làm cho 1.560.000 lao động/năm. Ngoài ra, Nhà nước vẫn thực hiện tốt khâu chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Từ những việc làm trên chứng tỏ công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn thực hiện tốt.

Trong năm 2012, tình hình kinh tế thế giới sẽ tác động không nhỏ đến Việt Nam, kinh tế Việt Nam cũng có thể khó khăn hơn. Ông nhận định gì về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 vào năm 2012?

Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam đưa ra và đã thực hiện có hiệu quả nên các chuyên gia kinh tế nước ngoài đánh giá khá cao. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, Nghị quyết 11 là trí tuệ và sáng tạo, đem lại hiệu quả tốt cho kinh tế Việt Nam trong thời gian khủng hoảng. Tuy nhiên, để kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội tốt vào năm 2012, Chính phủ nên áp dụng Nghị quyết 11 một cách linh hoạt hơn. Đặc biệt, ở chính sách tiền tệ cần quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, Bộ Công thương, sở công thương các tỉnh thành, lực lượng quản lý thị trường, quận – huyện cần thực hiện tốt Pháp lệnh giá, tránh tình trạng lũng đoạn về giá tại các chợ lẻ, đảm bảo không có sự tăng giá đột biến, tăng giá sai quy định làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Xin cảm ơn ông!

T. Giang (thực hiện)

ĐẠI ĐOÀN KẾT

Các tin tức khác

>   Bình Thuận thu hồi 165 dự án chậm triển khai (02/01/2012)

>   Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp năm mới 2012 (02/01/2012)

>   Năm 2012: Kiên trì kéo giảm lạm phát (02/01/2012)

>   2012 - Sau thách thức là thách thức (02/01/2012)

>   Dự báo kinh tế 2012: “Dẫu sao cũng nhẹ nhàng hơn” (01/01/2012)

>   Học từ khủng hoảng để cải cách (01/01/2012)

>   1/1/2012: Nhiều quyết định quan trọng có hiệu lực (01/01/2012)

>   Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD (30/12/2011)

>   Sẽ cương quyết rút phép các doanh nghiệp FDI bỏ trốn (30/12/2011)

>   Vốn FDI vào Việt Nam 2011: Ai bảo thấp không hay? (30/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật