Thứ Ba, 03/01/2012 06:50

Hai kỳ vọng lớn đối với các nhà lãnh đạo

"Bắt tay triển khai mạnh mẽ hơn, nhiệt huyết hơn, có cách làm mới, tư duy mới, tôi kỳ vọng các "tư lệnh" của nền kinh tế sẽ cùng với Chính phủ thể hiện được những kết quả bước đầu tái cơ cấu trong năm 2012", TS Võ Trí Thành kỳ vọng đối với lãnh đạo nền kinh tế.

Nhân dịp đầu năm 2012, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương chia sẻ những kỳ vọng của ông về kinh tế năm 2012.

Nhân dịp đầu năm, ông có điều gì muốn chia sẻ nhất với các nhà lãnh đạo điều hành kinh tế Việt Nam hiện nay?

- Tôi chỉ kỳ vọng nhất là 2 điều. Thứ nhất, chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô, kéo lạm phát xuống. Thứ hai, chúng ta bắt tay vào cải cách nền kinh tế một cách quyết liệt, cấu trúc lại 3 lĩnh vực đã đề ra là đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và tài chính ngân hàng.

Vì sao tôi lại kỳ vọng 2 điều ấy? Là bởi, suốt 5 năm qua, ta đã không thành công ở việc không ổn định được kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế của ta đã trải qua quá nhiều bất ổn, ở nhiều giai đoạn, lạm phát rất cao. Ngoài việc bị tác động bởi các nhân tố bên ngoài, chúng ta đã có những sai lầm trong ban hành chính sách, những sai lầm trong lựa chọn mục tiêu và những sai lầm khi đưa ra thông điệp chính sách. Đó là 3 nguyên nhân chính, 3 nguyên nhân nội tại gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô cho Việt Nam.

Thực ra, những điều kỳ vọng của tôi không phải là cái gì quá mới mẻ. Chúng ta cũng đã nhìn nhận ra vấn đề và điều mình cần phải làm. Tuy nhiên,  5 năm qua, tôi chưa thấy có sự đồng lòng, đồng thuận và quyết liệt như bây giờ.

Theo ông, năm 2012 "bắt tay" thực hiện thì tái cơ cấu nền kinh tế cần hoàn thành ở mức độ nào? Cũng có ý kiến nghi ngại và chưa tin lắm khă năng tái cơ cấu sẽ thành công như tham vọng đặt ra.

- Vấn đề là phải thay đổi cách thức phát triển, cách thức tăng trưởng nền kinh tế hướng theo tiêu chí hiệu quả. Đó là những lĩnh vực có ý nghĩa quyết định sống còn với tăng trưởng của một quốc giá.

Ở thời điểm này, chúng ta có những thuận lợi nhất định nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó khăn. Cái thuận lợi nhất, đó là có được sự đồng thuận cao trong các nhà hoạch định chính sách, trong các nhà tài trợ và kể cả giới nghiên cứu.

Cái thuận lợi thứ hai nằm chính ở chỗ, những khía cạnh cơ bản nhất của 3 lĩnh vực mà mình muốn thay đổi đều đã được nhận thức rõ. Ví dụ như đối với ngân hàng, tái cơ cấu là liên quan các vấn đề nâng cao năng lực giám sát trong hệ thống, nâng cao chất lượng quản trị của các định chế tài chính, sắp xếp lại, cấu trúc lại các ngân hàng thương mại, xem xét xử lý nợ xấu...

Hay là ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu là liên quan việc giám sát minh bạch hóa thông tin, áp dụng những thông lệ quản trị tốt, là vấn đề đại diện chủ sở hữu và các vấn đề nội tại của những doanh nghiệp Nhà nước đặc biệt như các Tập đoàn  kinh tế.

Ở đầu tư công, ta đã thấy rõ nợ công cao. Tái cơ cấu lĩnh vực này là sẽ liên quan từng dự án, cách từng quản lý, việc chịu trách nhiệm, giám sát và gắn đầu tư công với ngân sách, với phân cấp quản lý.

Cả 3 lĩnh vực này đã được chúng ta nhìn thấy rõ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và sẽ phải cùng triển khai tái cơ cấu đồng thời. Các đề án đã có lộ trình khá chi tiết. Nhưng tất nhiên, chúng ta còn phải thảo luận nhiều. Kể cả khi bắt tay vào làm, vẫn phải nghe nghe ngóng phản ứng từ thị trường.

Nhưng khó khăn thì nhiều vô cùng, có hàng trăm thách thức, khó khăn ở đây nên nếu có sự nghi ngại nào đó ở cuộc tái cơ cấu này cũng là chuyện không tránh khỏi.

Bởi vì, việc này là nhằm vào những lĩnh vực nhạy cảm chính trị xã hội. Để có sự chuyển biến tư duy ấy, sẽ có không ít rào rản.

Chắc chắn rằng, những việc bắt tay tái cơ cấu kinh tế sẽ động chạm vào các lợi ích khá nhau. Trong cải cách, sẽ có kẻ thua người thắng. Người thắng thì không sao, nhưng kẻ thua thiệt là liên quan đến nhóm những người kém thích ứng với môi trường mới, điều kiện mới. Có thể, nguyên nhân là do năng lực nội tại hạn chế, hoặc do những vấn đề khác.

Rào cản mà nhiều người đã nói là nhóm lợi ích vốn được nhiều đặc quyền, tìm kiếm siêu lợi nhuân. Chúng ta nhất định phải vượt qua nhóm lợi ích này nhưng quả là, không dễ dàng gì.

Thứ ba, khi đã tìm thấy hướng đi chính sách rồi thì cần phải quyết liệt thực hiện. Tuy nhiên, thực tế là khi bắt tay đi vào kỹ thuật, thực hiện cụ thể, sẽ có những cái chúng ta chưa có kinh nghiệm. Vậy nên vẫn phải luôn luôn lắng nghe, kể cả chuyên gia tư vấn cũng phải học hỏi từ bên ngoài.

Đầu năm ngoái, Chính phủ gây sốc tỷ giá tăng tới 9,3%, giá xăng tăng tới 17 - 24% liên tiếp hai lần, giá điện tăng tới 15,28%. Năm nay, ông có e ngại liệu tái cơ cấu nền kinh tế có bắt đầu bằng vài cú sốc tương tự như vậy không?

Năm 2011, chúng ta đã có những kết quả ổn định kinh tế vĩ mô nhất định nhưng kết quả đó còn mong manh, khó khăn còn ngổn ngang. Năm 2012 chúng ta đã có trọng tâm rất lớn là ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát xuống thấp. Nền kinh tế thế giới đang đi xuống. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư của ta không còn lớn như năm trước. Nhiều dự báo về tỷ giá cho thấy, sức ép lên tỷ giá Việt Nam có nhưng chưa đến mức làm mất giá đồng tiền, nếu có điều chỉnh thì sẽ không lớn.

Đó là một số điều kiện góp phần tạo thuận lợi hơn cho sự ổn định vĩ mô.

Với điều kiện như vậy, khả năng có những cú sốc như tỷ giá như kiểu đầu năm 2011 chắc là sẽ không có ở đầu năm 2012. Tôi tin rằng, năm 2012 sẽ là một năm các chính sách giá cả, tiền tệ sẽ đi theo tín hiệu thị trường một cách linh hoạt, không có cú sốc nào đầu năm như vậy.

Phạm Huyền

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Chính Phủ (02/01/2012)

>   Điều hành kinh tế năm 2011: Dấu ấn và sự linh hoạt (02/01/2012)

>   Bình Thuận thu hồi 165 dự án chậm triển khai (02/01/2012)

>   Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp năm mới 2012 (02/01/2012)

>   Năm 2012: Kiên trì kéo giảm lạm phát (02/01/2012)

>   2012 - Sau thách thức là thách thức (02/01/2012)

>   Dự báo kinh tế 2012: “Dẫu sao cũng nhẹ nhàng hơn” (01/01/2012)

>   Học từ khủng hoảng để cải cách (01/01/2012)

>   1/1/2012: Nhiều quyết định quan trọng có hiệu lực (01/01/2012)

>   Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD (30/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật