Thách thức “hội nhập 4.0”
2012 là năm được các chuyên gia gọi là năm hội nhập thế hệ 4.0, với những cam kết song phương và đa phương sâu rộng hơn nữa sau ba lần hội nhập trước đó, lần lượt là gia nhập khối ASEAN, ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA) và tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ba hiệp định quan trọng có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp trong nước sẽ được thúc đẩy đàm phán trong năm 2012 là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng hai hiệp định tự do thương mại (FTA) với EU và Hàn Quốc.
Với TPP, lợi ích lớn nhất của Việt Nam là với Hoa Kỳ, khi hầu hết các quốc gia trong khối này đều đã có FTA với Việt Nam. “Sau 10 năm thực hiện BTA, quan tâm số một của Hoa Kỳ hiện nay là TPP với Việt Nam”, bà Lan nói.
Hàn Quốc được nhắc đến như một nhân tố quan trọng khi xuất khẩu năm 2011 của Việt Nam vào nước này tăng 70% so với năm 2010. Một nghiên cứu tiền khả thi FTA đã được hai nước hoàn tất hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy một FTA giữa hai quốc gia sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn nữa. Về phía Việt Nam, bên cạnh các cơ hội thương mại và đón đầu tư từ Hàn Quốc, còn là sự kỳ vọng nước này sẽ giúp Việt Nam xây dựng một số ngành công nghiệp.
Theo các chuyên gia, sự kỳ vọng này xuất phát từ quan hệ Việt Nam đang có với Nhật Bản. Trong kỳ vọng hợp tác phát triển công nghiệp với Nhật Bản, phía Việt Nam chọn ra sáu ngành (trong đó có điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm…) từ danh sách 28 lĩnh vực công nghiệp để đề nghị phía Nhật giúp phát triển. Tuy vậy, hai bên chỉ mới “gặp” nhau ở một ngành duy nhất là điện tử. Phía Nhật có đề xuất hỗ trợ ngành công nghiệp xe máy và đóng tàu, nhưng Việt Nam cho rằng nội lực về xe máy đã đủ, còn đóng tàu lại gặp điều kiện tiên quyết quá ngặt nghèo: Việt Nam phải tái cơ cấu thành công Vinashin! Danh sách cuối cùng còn phải chờ thêm một số phiên họp nữa, để đến khoảng cuối quí 1 năm nay, một đề án tổng thể sẽ được trình Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh FTA với EU dự kiến sẽ khởi động vào giữa năm nay, một số đàm phán FTA khác cũng được xúc tiến, như đàm phán với liên minh thuế quan của Nga và Belarus, với bốn nước khu vực châu Âu là Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein (EFTA).
Điều đáng lo ngại là với nguồn lực còn hạn chế và khi những hiệp định FTA đã ký kết vẫn chưa được tận dụng hết lợi ích, khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng và đang cảm thấy lép vế trước các đối tác, có nhiều ý kiến lo ngại về sự “bội thực” FTA. Nhưng nếu không đàm phán tích cực thì phải đối diện nguy cơ bị gạt ra rìa.
Thêm nữa, thời của FTA thế hệ mới là trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Các quốc gia tăng cường bảo hộ lợi ích của mình đồng nghĩa với việc các yêu sách ký kết cũng sẽ được yêu cầu cao hơn.
Một điểm quan ngại khác là tiếng nói của doanh nghiệp hầu như vắng bóng trên bàn đàm phán. Bà Lan cho biết tại vòng đàm phán thứ bảy về TPP diễn ra ở TPHCM vừa qua, phía Việt Nam chỉ có duy nhất Hiệp hội Dệt may tham dự. Bà nói: “Thật đáng tiếc bởi đó không chỉ là nơi để doanh nghiệp có tiếng nói của mình mà còn là dịp để trao đổi, lôi kéo, mời mọc các đối tác đến thăm cơ sở sản xuất, để họ hiểu hơn về thực trạng, điều kiện…”. Cuối năm ngoái, Chính phủ đã có một văn bản giao cho Ủy ban quốc gia về hội nhập quốc tế phải tham vấn các doanh nghiệp về các vấn đề hội nhập trước để định hướng nội dung cho đoàn đàm phán. Nhưng trên thực tế, đã hơn một năm trôi qua, doanh nghiệp vẫn chưa bao giờ thực sự được tham vấn.
Theo ông Ngô Quang Xuân, nguyên Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hiệp quốc, việc thiếu ý kiến của giới doanh nghiệp là một thiếu sót lớn. Ở nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp có khả năng vận động hành lang tại các thị trường nước ngoài để hỗ trợ đoàn đàm phán. Trong các cuộc đàm phán, thỉnh thoảng, các trưởng đoàn, khi đụng đến các vấn đề gay cấn, thường dừng lại, lấy lý do phải tham vấn các hiệp hội doanh nghiệp. Theo ông Xuân, bên cạnh phòng đàm phán là phòng của các hiệp hội doanh nghiệp đang theo dõi. “Đôi khi đó chỉ là động tác giả vì đã có sự thống nhất trước rồi, nhưng đó cũng là cách tạo sức ép lên bàn đàm phán”, ông Xuân nói.
tbktsg
|