Vạn sự khởi đầu nan
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khiến các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2012 được công bố chậm hơn so với thông lệ. Nhưng đến giờ, có thể thấy, nền kinh tế đã có một tháng khởi đầu khó khăn.
Tháng 1/2012, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả xuất và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng mức lưu chuyển ngoại thương tháng 1 ước tính đạt 13,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 6,5 tỷ USD, giảm 11,1% (813 triệu USD) và nhập khẩu 6,6 tỷ USD, giảm 18,7% (1,5 tỷ USD) so với tháng 1 năm trước.
Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2012 của cả nước cũng giảm nhẹ, chỉ bằng 87,1% so với tháng 12/2011 và bằng 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Hai đầu tàu kinh tế của cả nước là TP.HCM và Hà Nội đều sụt giảm. Tháng 1/2012, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM chỉ bằng 85,2% so với tháng 12/2011 và bằng 99,3% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số này của Hà Nội lần lượt là 86% và 99%.
Giải thích về sự sụt giảm này, Cục Thống kê Hà Nội cho rằng, là do tháng 1, sản xuất chưa đi vào ổn định, phần do ảnh hưởng của kinh tế thế giới - vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, phần khác là do là tháng đầu năm trùng với kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài, thời gian làm việc chỉ khoảng 15 ngày, nên nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng. Lý do này cũng có thể được giải thích cho tình hình kinh tế chung của đất nước trong tháng 1/2012.
Một điểm có thể coi là khá “sáng” trong tháng 1/2012, đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1% so với tháng trước - một con số được cho là chấp nhận được vào thời điểm có cả hai kỳ nghỉ Tết diễn ra, nhu cầu tăng cao, và là khởi đầu khá tốt cho mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, mức độ tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua chưa được phản ánh hết vào CPI tháng 1, mà sẽ ảnh hưởng khá lớn đến CPI tháng 2, nhất là khi nỗi lo về việc hình thành một mặt bằng giá mới rất có thể sẽ trở thành hiện thực.
Trên thực tế, rất khó nhìn vào kết quả của chỉ một tháng đầu năm để đánh giá xu hướng cả năm. Những dự báo về một năm 2012 đầy khó khăn đã được đưa ra cách đây vài tháng, thậm chí cả nửa năm trước. Tháng 1, vì thế, được coi là “vạn sự khởi đầu nan” của năm 2012.
Năm nay, Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6 - 6,5% và cố gắng kìm giữ lạm phát ở mức một con số. Mục tiêu này, theo các chuyên gia kinh tế, phải rất nỗ lực mới đạt được.
Trong một cuộc hội thảo được tổ chức ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đã thừa nhận điều này. Thậm chí, Ủy ban này đã dựng kịch bản kinh tế năm 2012, với 3 kịch bản tốt, trung bình và xấu.
Theo đó, với kịch bản tốt, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6 - 6,3%. Các điều kiện cơ bản của kịch bản này là kinh tế thế giới phải tăng trưởng ở mức khá cao (3,2-4%); tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 35,2% năm 2011 lên 43% trong năm 2012, trong khi tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước giảm từ 38,9% xuống còn 34%. Và một điều kiện quan trọng khác, tín dụng cần tăng trưởng trên 25%.
Ở kịch bản trung bình, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 5,6 - 5,9%, với điều kiện là, kinh tế thế giới tăng trưởng 2,4 - 3,2%, tăng trưởng tín dụng 15-17%, tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân là 40,5 - 41%, của khu vực nhà nước là 36,5-37% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Còn kịch bản xấu, tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ là 5,2-5,5%, khi kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, dưới 2,4%, tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân khoảng 40%, còn của khu vực nhà nước tương đương năm 2011.
Nền kinh tế Việt Nam năm 2012 sẽ diễn ra theo xu hướng nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Song điều căn bản là tiếp tục thắt chặt tiền tệ và tài khóa, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Vạn sự khởi đầu nan. Nếu toàn nền kinh tế nỗ lực, cộng thêm khí thế ra quân đầu năm đầy hứng khởi, có thể kỳ vọng vào một năm mới 2012 tốt đẹp hơn.
Nguyên Đức
Đầu tư
|