Khó tiên lượng khó khăn khi giá dầu biến động
Chưa thể xác định nhập khẩu xăng dầu để tăng dự trữ có là giải pháp tối ưu hay không.
Việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Iran với thời hạn thực thi đầy đủ trước ngày 1/7 cũng như phản ứng của nước này về khả năng ngay lập tức ngừng xuất khẩu dầu thô sang EU đã khiến thị trường dầu mỏ thế giới tăng nhiệt.
Ngày 25/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo, giá dầu thế giới có thể tăng tối đa 30% nếu Iran ngừng xuất khẩu dầu bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.
Lượng dự trữ dầu đã được minh chứng của Iran chiếm gần 10% tổng nguồn dầu thế giới. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng ước tính, mỗi ngày, Iran xuất khẩu khoảng 2,6 triệu thùng dầu thô. Bởi vậy, dù chưa thống nhất áp dụng thời gian cấm vận xuất khẩu dầu mỏ của Iran tại các nước trong EU cũng khiến cho thị trường dầu mỏ quốc tế trở nên khó dự đoán.
Những biến động trên thị trường dầu mỏ quốc tế đang được giới kinh doanh tại Việt Nam theo dõi sát sao. Ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, tình hình chính trị tại Iran sẽ ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ quốc tế, bởi sản lượng dầu mà nước này cung cấp khá lớn. Dù hiện tại, việc cấm vận hay ngừng xuất khẩu dầu của Iran chưa diễn ra, nhưng mới chỉ có các tuyên bố được các bên liên quan đưa ra, đã khiến thị trường xăng dầu quốc tế có những căng thẳng nhất định.
Theo Petrolimex, giá các mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, đặc biệt là xăng đã tăng hơn 10% so với trước khi có các tuyên bố liên quan. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, khó khăn sẽ là chung của cả khu vực cùng toàn thế giới, chứ không phải chỉ riêng Việt Nam hay Petrolimex nên khó có thể đưa ra những tiên lượng chính xác.
Năm 2012, riêng Petrolimex dự kiến sẽ nhập khẩu 7 - 8 triệu m3/tấn xăng dầu. Hiện nguồn xăng dầu nhập khẩu của Petrolimex từ khu vực Trung Đông chiếm khoảng 15-20%.
“Tăng nhập khẩu xăng dầu để dự trữ còn liên quan đến sự đáp ứng của nguồn ngoại tệ phục vụ nhập khẩu, lãi suất vay… vì đó sẽ là tất cả phần sẽ được tính vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng có chịu chấp nhận hay không? Ngoài ra, những thay đổi về thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này hoàn toàn được điều chỉnh theo diễn biến và ý chí chủ quan trong điều hành kinh tế vĩ mô, nên chưa thể biết nhập khẩu xăng dầu để tăng dự trữ có phải là giải pháp tối ưu hay không”, ông Dũng nói.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nơi đang đảm trách xuất khẩu phần lớn lượng dầu khai thác được tại Việt Nam cũng đang theo dõi sát tình hình biến động của giá dầu thế giới.
Năm 2012, PVN đặt mục tiêu xuất bán 15,78 triệu tấn dầu, so với con số 15,14 triệu tấn của năm 2011. PVN cũng dự kiến năm 2012 sẽ đạt doanh thu từ bán dầu là 9,94 tỷ USD với giá dầu mà Quốc hội cân đối ngân sách là 85 USD/thùng.
Ngày 1/2, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc PVN cho hay, giá dầu cao sẽ tốt với PVN, nhưng về tổng thể sẽ không tốt với Việt Nam, bởi chúng ta vẫn được xem là quốc gia thuần nhập khẩu dầu.
Các quan chức của PVN cũng cho hay, giá dầu thô xuất khẩu của Việt Nam bình quân trong tháng 1/2012 là 118 USD/thùng, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 20 USD/thùng. Việc khai thác dầu thô vẫn đang diễn ra bình thường và xuất khẩu dầu theo các hợp đồng kỳ hạn 3 tháng hoặc 6 tháng, với sản lượng bình quân 1,1-1,2 triệu tấn/tháng.
PVN hiện cũng là đầu mối lớn thứ 2 về kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam thông qua hoạt động của hai đơn vị thành viên là PV Oil và Petech. Ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc PVN cho biết, giá bán xăng dầu thành phẩm của các nhà máy lọc dầu trên thế giới chịu ảnh hưởng của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ còn chịu điều chỉnh bởi các quy định liên quan đến thuế nhập khẩu xăng dầu, mức trích Quỹ Bình ổn giá… do Bộ Tài chính và Bộ Công thương tính toán. Với lý do này, các biến động trên thị trường dầu quốc tế không chỉ được những doanh nghiệp, mà còn cả các cơ quan chức năng cùng theo dõi sát sao, bởi sẽ có những tác động không nhỏ tới hoạt động của nền kinh tế.
Thanh Hương
đầu tư
|