Thứ Năm, 02/02/2012 07:32

Canh bạc đầu tư dầu mỏ tại Canada

Để duy trì tốc độ phát triển cao, từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn tìm kiếm nhiều nguồn cung cấp năng lượng. Dự án đầu tư khai thác dầu mỏ tại Canada là một trong những dự án lớn mà Bắc Kinh sẽ triển khai trong năm nay. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại bởi người Canada đặc biệt nhạy cảm đối với đầu tư Trung Quốc.

Từ khi Tập đoàn Minmetals của Trung Quốc thất bại trong việc thương thuyết để tiếp quản công ty thép lớn nhất Canada là Noranda vào năm 2004, hầu như chưa có dự án đầu tư của Trung Quốc nào tại Canada. Hiện nay, khi đầu tư của Trung Quốc vào ngành năng lượng của Canada tiếp tục tăng, với hơn 16 tỉ đôla Canada trong 2 năm qua, cũng có những quan ngại về việc liệu tiền của Trung Quốc sẽ làm lợi hay có hại cho Canada. Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến do Quỹ châu Á – Thái Bình Dương của Canada thực hiện cho thấy đa số người dân Canada không thoải mái với đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc. Điều này cũng có thể hiểu được. Nền kinh tế Canada liên kết chủ yếu với nền kinh tế Mỹ. Hai nước có chung đường biên giới, ngôn ngữ, tương đồng văn hóa, quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất thế giới, là đối tác của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đồng minh NATO.

Ngược lại, nhiều người Canada hầu như chỉ biết về Trung Quốc qua những sản phẩm truyền thông thường không đầy đủ và đôi khi không chính xác. Các nhà phân tích, các nhà hoạch định chính sách và công luận quan ngại đang thiếu những tri thức uyên thâm về một Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng. Phương châm hoạt động “Làm nhiều, nói ít” đang được các công ty năng lượng Trung Quốc và các chi nhánh Canada của họ tuân thủ một cách nghiêm túc, chỉ khiến mọi việc xấu thêm. Chính việc thiếu thông tin và thông tin sai lệch đang dẫn đến nhận thức sai và sự đồn đoán về bản chất đầu tư của Trung Quốc tại Canada.

Giáo sư Wenran Jiang thuộc Trường ĐH Alberta (Canada), kiêm cố vấn đặc biệt về Trung Quốc của Hội đồng Năng lượng có trụ sở tại Mỹ và Canada cho rằng, đầu tư năng lượng của Trung Quốc tại Canada mắc phải bốn nhận thức sai lầm và có thể dẫn đến thất bại. Thứ nhất, Trung Quốc sẽ kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng của Canada thông qua việc tăng cường đầu tư, dẫn tới sự phá hoại chủ quyền của Canada. Điều này sẽ không xảy ra. Các công ty năng lượng Trung Quốc, giống như các công ty dầu mỏ quốc tế khác, chỉ có thể sở hữu quyền khai thác năng lượng từ đất đai trong một khoảng thời gian nhất định mà chính quyền tỉnh quy định. Họ không thể sở hữu đất đai và các nguồn tài nguyên của Canada.

Mới đây, Công ty PetroChina đã sở hữu 100% dự án khai thác các sông MacKay và Sinopec sở hữu 100% Công ty Daylight Energy. Nhưng tổng đầu tư của Trung Quốc vào ngành năng lượng Canada vẫn nhỏ hơn so với Mỹ và các công ty dầu mỏ quốc tế khác. Trong số tiền mà các công ty năng lượng Trung Quốc đang đầu tư vào Canada, chủ yếu là để giữ các cổ phần thiểu số. Thứ hai, không giống như các tập đoàn dầu mỏ quốc tế thuộc sở hữu tư nhân, các công ty năng lượng Trung Quốc là các công ty nhà nước, vì thế họ có thể hoạt động theo những quy định phi thị trường. Thực tế phức tạp hơn nhiều.

Ví dụ như công ty năng lượng lớn nhất Trung Quốc là Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) là công ty quốc doanh. Nhưng PetroChina, công ty con của CNPC, đang niêm yết tại thị trường chứng khoán New York và Hongkong, bị buộc phải hoạt động theo các tiêu chuẩn quốc tế như các công ty dầu mỏ quốc tế khác, PetroChina cũng đang có một chi nhánh Canada tại Calgary, tuân thủ theo các quy định của Canada. Đối với dự án khai thác dầu cát sông MacKay, mà chi nhánh Canada của PetroChina hiện đang sở hữu 100%, một công ty mới mang tên Cretaceous Oilsands Holding Ltd. đang được thành lập. Gần như không có khả năng một công ty mới, được đăng ký tại Alberta với toàn bộ ê-kíp lãnh đạo và lực lượng lao động Canada hiện có, lại có thể tuân thủ những quy định không phải của Canada, hay làm điều gì ngoài chức năng thương mại của họ, chứ không nói gì đến trở thành điệp viên của Trung Quốc.

Thứ ba, việc tăng sự tham gia của Trung Quốc, nhất là trong các trường hợp hoàn toàn sở hữu việc khai thác năng lượng Canada, có thể phá hoại các tiêu chuẩn lao động và môi trường của Canada bởi vì thành tích trong nước của Bắc Kinh trong những lĩnh vực này là kém.

Trung Quốc sẽ không có khả năng thay đổi bất cứ điều gì trong những lĩnh vực này trừ phi chính Canada từ bỏ các tiêu chuẩn của mình. Đúng là các tiêu chuẩn của Trung Quốc trong các bộ luật môi trường và lao động đều tụt hậu so với Canada và hậu quả là Trung Quốc đang phải chịu chi phí cao và sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Cũng đúng là một số nhà đầu tư Trung Quốc tại nước ngoài, nhất là các công ty vừa và nhỏ thuộc sở hữu tư nhân, hoạt động rất kém trong các lĩnh vực này ở những nơi mà các tiêu chuẩn địa phương thấp và tham nhũng tràn lan, như thông lệ hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc tại châu Phi. Nhưng Canada là một trong những quốc gia có những quy định rõ ràng. Và các công ty quốc doanh Trung Quốc cũng đang trở nên nhạy cảm hơn với hình ảnh của họ ở nước ngoài. Vì các công ty Trung Quốc muốn làm ăn lâu dài tại Canada, nên họ có động cơ lớn để thích nghi với các tiêu chuẩn lao động, môi trường và các tiêu chuẩn khác của sở tại.

Cuối cùng, việc có thêm đầu tư của Trung Quốc và châu Á vào ngành năng lượng Canada chắc chắn có thể dẫn tới việc xuất khẩu dầu khí quy mô lớn sang Trung Quốc và châu Á, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên giá trị và có hạn mà Canada nên bảo tồn để sử dụng trong tương lai.

Cách thức quản lý các nguồn tài nguyên chủ yếu là quyết định của Canada, chứ không phải là quyết định được đưa ra tại Bắc Kinh hay các nước khác. Tranh cãi hiện nay tại Canada về tuyến đường ống dẫn dầu khí ra bờ biển miền Tây để vận chuyển dầu xuất khẩu sang thị trường châu Á là do nhận thức rằng Canada dễ bị tổn thương nếu chỉ có Mỹ là thị trường nhập khẩu năng lượng chủ chốt. Các công ty Trung Quốc, mặc dù hy vọng được nhập khẩu dầu khí của Canada khi họ ủng hộ dự án đường ống “Cửa ngõ phía bắc” của Tập đoàn Enbridge, nhưng họ không biến việc xuất khẩu dầu khí, dù trong hiện tại hay tương lai, làm điều kiện cho đầu tư của họ. Canada toàn quyền quyết định liệu có xây dựng các đường ống sang bờ biển miền Tây để ngăn cho Canada khỏi mất hàng tỉ USD thu nhập, việc làm và thuế hay không.

Chính những quan ngại ở trên, người ta cho rằng việc Trung Quốc đầu tư năng lượng vào Canada giống như đem tiền đi đánh bạc, mà đã là cờ bạc thì năm ăn năm thua. Tuy nhiên cũng có chuyên gia cho rằng, nếu đầu tư Trung Quốc tiếp tục tăng và Canada duy trì được khung quy định cần thiết để được lợi từ sự tham gia của Trung Quốc vào ngành năng lượng, các chiến lược can dự khôn ngoan sẽ cho phép Canada tận dụng được thị trường Trung Quốc rộng lớn và phát triển nhanh để góp phần vào sự trỗi dậy của mình.

Song Phương

Petrotmes

Các tin tức khác

>   Các nhà nhập khẩu gạo trở lại để dò giá (01/02/2012)

>   "Giá gas tăng là bất khả kháng!” (01/02/2012)

>   Dầu giảm phiên thứ 3 liên tiếp, khí thiên nhiên sụt 7.7% (01/02/2012)

>   Dầu giảm gần 1% do lo lắng về nhu cầu và đồng USD mạnh (31/01/2012)

>   Nghiêm cấm pha DME vào gas (31/01/2012)

>   Nhận 1.3%, dầu có tuần tăng giá đầu tiên trong 3 tuần (28/01/2012)

>   Giá gas tăng lên hơn 400.000 đồng/bình (28/01/2012)

>   Dầu nhích nhẹ lên sát 100 USD/thùng (27/01/2012)

>   “Trừng phạt Iran có thể làm giá dầu tăng 20-30%” (26/01/2012)

>   Dầu tăng sau cam kết của Fed nhưng chưa vượt 100 USD/thùng (26/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật