Ghìm tỷ giá: Con dao hai lưỡi?
Dự báo tỷ giá giữa VND/USD của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2012 chỉ tăng 2-3%. Dù chỉ là dự báo nhưng đây là thông điệp quan trọng trong điều hành tỷ giá của NHNN năm nay.
Cơ sở để có "thông điệp" này là cán cân thanh toán được NHNN dự báo sẽ thặng dư khoảng 3 tỷ USD; chính sách tín dụng được kiểm soát theo hướng khuyến khích tín dụng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
Tuy nhiên, việc tiếp tục giữ tỷ giá theo định hướng điều hành của NHNN trong điều kiện lạm phát cao và kéo dài xem ra chưa hợp lý, bởi cách kìm giữ tỷ giá của NHNN trong năm 2011 chỉ có thể thành công trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn với nền kinh tế trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Trong năm qua, NHNN đã tương đối thành công khi sử dụng có hiệu quả các biện pháp hành chính. Trên thị trường ngoại tệ, việc mạnh tay xử phạt các giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do đã thu hẹp đáng kể thị trường này. Sự thu hẹp của thị trường tự do đã đưa ngoại tệ từ thị trường này trở lại thị trường chính thức và đó cũng là cách ngăn dòng ngoại tệ chính thức chảy ra thị trường tự do, giúp tăng đáng kể nguồn cung trên thị trường ngoại tệ chính thức.
Với những diễn biến như vậy, NHNN có thể có lý khi tiếp tục duy trì biện pháp này trong năm 2012 để bảo đảm cán cân thanh toán thặng dư nhằm kìm giữ tỷ giá trong phạm vi 2-3%. Tuy nhiên, để giữ tỷ giá trong dài hạn cần xem xét ở khía cạnh có phụ thuộc vào chênh lệch lạm phát trong và ngoài nước hay không. Nếu NHNN tiếp tục kìm giữ tỷ giá bằng sự thặng dư tạm thời của cán cân thanh toán trong khi lạm phát liên tục ở mức cao, VND sẽ lên giá so với ngoại tệ và khả năng cạnh tranh của hàng "nội" sẽ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ làm thâm hụt thương mại tăng trở lại, các dòng vốn "ngoại" sẽ "chảy" sang khu vực khác.
Mục tiêu cao nhất trong việc giữ tỷ giá của NHNN là nhằm xây dựng niềm tin vào VND, từ đó bình ổn kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện phục hồi nền kinh tế. Nhưng sự ổn định của tỷ giá chỉ là biểu hiện ra bên ngoài khi niềm tin vào VND được nâng lên. Song niềm tin của VND lại được nhìn nhận ở mức lạm phát trong nước so với thế giới. Do vậy, việc xây dựng niềm tin vào VND bằng cách bảo vệ tỷ giá trong điều kiện lạm phát cao kéo dài sẽ là con dao hai lưỡi.
Nếu tiếp tục để VND lên giá, hàng hóa sản xuất trong nước sẽ mất lợi thế cạnh tranh và khi đó nền kinh tế vốn dựa nhiều vào xuất khẩu sẽ gặp khó khăn. Vì thế, các biện pháp tác động đến cung - cầu ngoại tệ để kìm giữ tỷ giá, xây dựng niềm tin vào VND chỉ là giải pháp ngắn hạn. Do đó, có nên kìm tỷ giá hay không và kìm giữ trong bao lâu là vấn đề cần được các nhà quản lý và hoạch định chính sách cân nhắc kỹ.
hà nội mới
|