Thứ Năm, 16/02/2012 11:06

Tái cấu trúc ngân hàng: Thời điểm quyết định

Đã có những cơ chế chính sách được soạn thảo nhằm thúc đẩy sự tham gia của các ngân hàng cổ phần lành mạnh vào đợt tái cơ cấu lần này.

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tiến hành sau khi đã ban hành Chỉ thị 01. Một quan chức cấp cao của NHNN cho TBKTSG biết định hướng của đợt tái cơ cấu này là để tạo động lực, nền tảng phát triển ngân hàng, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất việc hỗ trợ từ ngân sách.

Các tổ chức tín dụng nằm trong đợt tái cơ cấu lần này đều là ngân hàng thương mại cổ phần, phần lớn được chuyển từ nông thôn lên đô thị trong trào lưu “người người làm ngân hàng, nhà nhà mở công ty chứng khoán” những năm 2005-2007.

Thời điểm ấy, việc cổ phiếu ngân hàng tăng chóng mặt từng tháng, từng quí, đã khiến giới đầu tư tìm đến hai phương cách tạo dựng tổ chức tín dụng: hoặc thành lập mới, hoặc chuyển đổi mô hình từ nông thôn lên đô thị. Theo quy định, các ngân hàng nông thôn lúc bấy giờ có vốn điều lệ tối thiểu 20 tỉ đồng, hoạt động ở địa bàn một tỉnh hoặc vài tỉnh, chủ yếu huy động vốn tại chỗ, cho vay tại chỗ, đáp ứng nhu cầu khách hàng nông dân. Tỷ suất sinh lời của các ngân hàng nông thôn không hề thấp và được quản lý tương đối chặt chẽ trong quy mô nhỏ.

NHNN là người mua (bỏ tiền ra “cứu” dưới hình thức góp vốn, trở thành cổ đông) hoặc đứng giữa môi giới tìm người mua (chỉ định các ngân hàng khỏe mạnh đứng ra hỗ trợ, vực dậy), thì cần biết giá trị món hàng ở mức nào.

Các nhà đầu tư cá nhân nhìn thấy tương lai của những ngân hàng nông thôn, đã mua gom cổ phiếu và với sự chấp thuận của NHNN, biến chúng thành ngân hàng đô thị với số vốn ban đầu cả trăm tỉ đồng. Rất nhanh sau đó, vốn điều lệ của những ngân hàng đô thị vừa “thoát thai” tăng lên 200, rồi 300, thậm chí 500 tỉ đồng. Cùng với chạy đua về vốn là chạy đua về phát triển tín dụng, với mục đích tăng nhanh lợi nhuận, đi tắt đón đầu.

Tuy vậy, nông thôn không phải là “mỏ ngân hàng”. Số lượng các tổ chức tín dụng nông thôn xuất thân từ quỹ tín dụng nhân dân cạn kiệt dần. Các cổ đông tổ chức, kể cả một số tập đoàn nhà nước, bắt đầu cuộc đua bằng việc khai sinh những ngân hàng mới toanh. Một loạt ngân hàng kiểu mới ra đời.

Mỗi ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu lần này đều có một hoàn cảnh riêng. NHNN đã để cho các ngân hàng nói trên “tự xử lý” trong quãng thời gian mà họ yêu cầu, cho đến khi cần phải có những bước đi mạnh mẽ hơn. Chấp nhận những biện pháp hà khắc mà cơ quan quản lý sẽ áp dụng là thử thách lớn đối với các ngân hàng thuộc nhóm này.

Bây giờ quan trọng là những giải pháp nào sẽ được NHNN tiến hành để tái cơ cấu? Nguồn tin của NHNN nhấn mạnh trước hết là “khám sức khỏe” cấp tốc bằng sự vào cuộc của các công ty kiểm toán độc lập. “Bác sĩ” kiểm toán sẽ chỉ ra anh đang đau ở đâu, cơ quan nội tạng nào cần phải phẫu thuật gấp, thuốc kháng sinh loại nào uống trước, loại nào uống sau... Kế đó là sự đánh giá toàn diện, có kết hợp giữa kiểm toán và định giá, xác định rõ ngân hàng nào còn bao nhiêu vốn, cần thêm bao nhiêu để xử lý. Khâu này là chìa khóa thứ nhất của quá trình tái cơ cấu. Nói một cách khác, NHNN là người mua (bỏ tiền ra “cứu” dưới hình thức góp vốn, trở thành cổ đông) hoặc đứng giữa môi giới tìm người mua (chỉ định các ngân hàng khỏe mạnh đứng ra hỗ trợ, vực dậy), thì cần biết giá trị món hàng ở mức nào.

Một quan chức cấp cao NHNN cho biết định hướng của tái cơ cấu là để tạo động lực, nền tảng, củng cố, phát triển ngành ngân hàng, hạn chế đến mức thấp nhất việc hỗ trợ từ ngân sách. Vì thế, giải pháp ưu tiên là sau khi định giá sẽ thiết lập phương án tái cơ cấu tối ưu phù hợp với từng thành viên, từ đây chỉ định các ngân hàng lớn ghé vai “cõng”.

Lần này không chỉ có ngân hàng quốc doanh, hay ngân hàng đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước còn giữ cổ phần chi phối, hỗ trợ ngân hàng yếu kém, mà các tổ chức tín dụng cổ phần mạnh cũng phải vào cuộc. Đã có những cơ chế chính sách được soạn thảo nhằm thúc đẩy sự tham gia của các ngân hàng cổ phần lành mạnh vào đợt tái cơ cấu lần này.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   “Dọn dẹp” hệ thống ngân hàng: Thống đốc đang làm như thế nào? (16/02/2012)

>   Huy động vàng trong dân: "Tính cua trong lỗ" (16/02/2012)

>   Vietinbank giảm lãi suất cho vay còn 15,5% (16/02/2012)

>   Chuyển hướng vay vốn bằng ngoại tệ (16/02/2012)

>   Màng, cuộn nylon cũng phải chịu thuế (16/02/2012)

>   Ngân hàng nhóm 4: “Không phải tôi”? (16/02/2012)

>   Ngân hàng khó khăn thanh khoản: Cái cớ có còn hợp lý? (16/02/2012)

>   Ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh cho vay (16/02/2012)

>   Ngân hàng chờ "trát" hạn mức tín dụng (16/02/2012)

>   ACB tài trợ vốn lãi suất thấp cho các doanh nghiệp (15/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật