Thứ Năm, 16/02/2012 08:17

Chuyển hướng vay vốn bằng ngoại tệ

Trong bối cảnh lãi vay bằng VND vẫn còn cao, một số doanh nghiệp xuất khẩu đang chuyển hướng sang vay bằng USD. Việc này liệu có thực sự đem lại lợi ích cho doanh nghiệp?

Ông Trần Đăng Trúc, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Thiên Nam cho biết, do nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản phẩm, nên việc giá nguyên liệu nhập khẩu biến động mạnh hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đơn cử, năm 2011, có thời điểm giá bông tăng lên 5 USD/kg, sau đó vài tháng lại giảm còn 2,5 USD/kg. Từ đầu năm nay, mặc dù ít biến động hơn năm ngoái, song giá nguyên liệu nhập khẩu vẫn chưa thực sự ổn định.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành thực phẩm cũng cho biết, giá nguyên liệu nhập khẩu từ quý IV/2011 đến nay tăng bình quân 10%, trong đó có những mặt hàng tăng 15-20%, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành sản phẩm. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp khó đạt kết quả kinh doanh trong quý I này.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết, gánh nặng lớn hơn đối với họ hiện nay là lãi suất. Với lãi suất vay vốn bằng VND quá cao hiện nay, không ít doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang vay bằng USD. “Chúng tôi xuất khẩu tới 80% sản phẩm, mà lãi suất vay USD hiện nay là 5,6 - 6%/năm với vốn lưu động và 7-8%/năm đối với vốn vay để đầu tư – thấp hơn nhiều so với lãi suất VND, nên vay bằng USD hợp lý hơn”, ông Trần Đăng Trúc cho biết.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, vay bằng USD sẽ có rủi ro cao hơn so với vay bằng VND, nếu như tỷ giá không ổn định. Theo tính toán, giả sử tỷ giá hồi đầu năm ở mức 21.000 đồng/USD, đến cuối năm tăng lên 23.000 đồng/USD, thì riêng việc USD tăng giá so với VND đã tương đương với lãi suất vay 18%/năm.

Nhưng điều dễ nhận thấy là, với tình hình tỷ giá VND/USD ít biến động như năm 2011, thì vay bằng USD có lợi hơn vay bằng VND.

Ngoài ra, vay bằng USD, doanh nghiệp còn phải tính đến cả chênh lệch tỷ giá USD mua vào và bán ra. “Nếu doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ, thì việc vay USD sẽ có lợi hơn vay bằng VND. Còn nếu vay USD mà không xuất khẩu được, phải dùng tiền đồng để mua USD trả nợ ngân hàng thì doanh nghiệp phải tính đến cả phần bị thiệt do chênh lệch tỷ giá”, ông Trần Đăng Trúc phân tích.

Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Nguyễn Khoa Văn, Phó giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm may mặc) cho rằng, vay bằng USD cũng không phải là giải pháp tốt, nếu như doanh nghiệp không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Theo ông Văn, hiện đã có những công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (ở trong các khu chế xuất, khu công nghiệp) bán nguyên phụ liệu ngành may mặc cho thị trường nội địa và Công ty Anh Khoa đã mua tới 70% nhu cầu nguyên liệu từ các công ty nước ngoài này bằng VND, nên khi xuất khẩu thu ngoại tệ về rồi lại đem bán lại cho ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ thu được lợi ích nhiều hơn.

“Chúng tôi có vay USD theo các hợp đồng xuất khẩu, nhưng vay USD lúc có lúc không, nên cũng mệt lắm”, ông Văn nói và cho biết thêm, ngành may mặc chủ yếu trả lương bằng VND (chiếm khoảng 30% kết cấu giá thành sản phẩm), nên vay tiền VND dù lãi suất cao trên 20% vẫn ổn định hơn vay bằng USD.

Bên cạnh việc tính toán thiệt hơn khi vay vốn bằng USD, doanh nghiệp còn phải xác định liệu có thể vay được nguồn vốn đó không. Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại tại TP.HCM cho biết: “Hiện nay, nguồn USD ở ngân hàng khá dồi dào, với mức lãi vay 7 – 8%/năm đối với doanh nghiệp nhập khẩu, còn doanh nghiệp vay phục vụ xuất khẩu thì được hưởng lãi suất ưu đãi hơn. Nếu tính toán thiệt hơn, thì vay bằng USD nói chung có lợi hơn vay bằng VND. Nhưng vấn đề là, doanh nghiệp có vay được USD hay không, bởi trên thực tế, các ngân hàng hiện chỉ cho vay USD đối với những trường hợp phục vụ hoạt động nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hoá, có nguồn thu bằng USD”.

Thanh Tân

đầu tư

Các tin tức khác

>   Màng, cuộn nylon cũng phải chịu thuế (16/02/2012)

>   Ngân hàng nhóm 4: “Không phải tôi”? (16/02/2012)

>   Ngân hàng khó khăn thanh khoản: Cái cớ có còn hợp lý? (16/02/2012)

>   Ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh cho vay (16/02/2012)

>   Ngân hàng chờ "trát" hạn mức tín dụng (16/02/2012)

>   ACB tài trợ vốn lãi suất thấp cho các doanh nghiệp (15/02/2012)

>   Ngân hàng: Nên to hay nên khỏe? (15/02/2012)

>   Đề xuất lập Ngân hàng chuyên cho vay bất động sản (15/02/2012)

>   Ngân hàng Nhà nước đang mua vào ngoại tệ (15/02/2012)

>   Sóng giảm lãi vay ít cơ hội lan rộng (15/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật