Ngân hàng: Nên to hay nên khỏe?
Thực lực của các ngân hàng thương mại không nằm ở quy mô vốn mà là ở năng lực quản trị.
Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vừa đưa thông tin về việc 4 năm liên tục đạt Ngân hàng loại A do Ngân hàng Nhà nước xếp hạng với 5 tiêu chí: vốn tự có, chất lượng tài sản, năng lực quản trị điều hành, kết quả kinh doanh và khả năng thanh khoản. Ngân hàng Kiên Long (KienlongBank) cũng cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước xếp loại A năm 2010. Điều này cho thấy, ngân hàng nhỏ nhưng vẫn hoạt động hiệu quả và lành mạnh.
Có nên công bố xếp hạng?
Ông Trương Hoàng Lương, Tổng Giám đốc KienlongBank, cho biết xếp loại này là do Ngân hàng Nhà nước các địa phương đề nghị lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Sau khi xếp loại, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo cho Ngân hàng Nhà nước địa phương, chứ không trực tiếp gửi thông tin này về ngân hàng thương mại.
Ngân hàng Nhà nước có lý khi chưa công bố rộng rãi các xếp hạng này. Mặc dù các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế hằng năm vẫn xếp hạng ngân hàng thương mại, nhưng xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước có lẽ sẽ được nhà đầu tư và người dân đặt niềm tin cao nhất. Vì thế, nó có thể tác động đến xu hướng đầu tư, dòng tiền trên thị trường.
Dưới góc độ là chuyên gia kinh tế độc lập, ông Nguyễn Trí Hiếu, thành viên thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng An Bình, cũng cho rằng việc chưa công bố rộng rãi là hợp lý, vì có nhiều yếu tố nhạy cảm có thể gây bất ổn đối với ngân hàng và người dân. Tuy nhiên, theo ông, về lâu dài, nên công khai các tiêu chí xếp hạng. Các tiêu chí đang được nói đến nhiều nhất là tỉ lệ nợ xấu, tỉ lệ an toàn vốn, ROA (lợi nhuận/tài sản), ROE (lợi nhuận/vốn), thanh khoản. Và chỉ khi các tiêu chí này được công bố thì mới nên công khai việc xếp hạng.
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1.4 tới, các ngân hàng thương mại phải công khai 5/12 chỉ số quan trọng theo tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế gồm tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ, dư nợ của từng lĩnh vực trong tổng dư nợ, chỉ số ROA và ROE. Ông Lương, Kienlong Bank, cho rằng công khai dần những tiêu chí chính là lộ trình để tiến tới việc công bố đầy đủ các tiêu chí và công bố các xếp hạng.
Hệ lụy của những ngân hàng “Thánh Gióng”
Dù được công bố hay chưa thì việc các ngân hàng nhỏ như Kienlong Bank và PG Bank được Ngân hàng Nhà nước xếp loại A cho thấy thực lực của ngân hàng không nằm ở quy mô vốn. Để minh chứng cho nhận định ngân hàng nhỏ không phải là yếu, ông Lương, Kienlong Bank, cho rằng ưu điểm của ngân hàng nhỏ là linh hoạt trong mọi hoạt động và dễ quản lý.
Điều quan trọng hơn cả là dù nhỏ hay lớn, ngân hàng cũng phải đáp ứng được các tiêu chí của tổ chức đánh giá xếp hạng. Tuy không rõ về thông tin các tiêu chí xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước, nhưng ông Hiếu, Ngân hàng An Bình (ABBANK), cho rằng nên áp dụng phương pháp mà thế giới hay sử dụng là ma trận. Theo đó, hàng dọc là nói về sức khỏe tài chính như an toàn vốn, tính thanh khoản, nợ xấu, ROA, ROE…. Còn hàng ngang có thể lập thang điểm từ nhỏ đến lớn. Bên cạnh đó, mỗi chỉ số về sức khỏe tài chính hay quản trị đều phải gắn với tỉ trọng nhất định mà trong toán học gọi là trọng số. Tổng điểm của ngân hàng sẽ là tổng điểm từng tiêu chí nhân với tỉ trọng của mỗi tiêu chí. Trên cơ sở tổng điểm, tổ chức đánh giá sẽ ban hành các khung điểm và xếp loại ngân hàng theo khung. Cũng thừa nhận quy mô ngân hàng, năng lực tài chính là một chỉ tiêu cần đánh giá, nhưng tiêu chí an toàn vốn được ông Hiếu cho là cần đặt lên hàng đầu và phải được gắn với trọng số cao.
Điều này lý giải vì sao các ngân hàng nhỏ nhưng có tỉ lệ an toàn vốn cao vẫn có thể được xếp loại tốt. Theo ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư Công ty Chứng khoán Tân Việt, nếu ngân hàng có quy mô chỉ 1.000 tỉ đồng, nhưng đáp ứng được các tiêu chí về vốn, hoạt động kinh doanh hiệu quả thì vẫn tốt hơn một ngân hàng có quy mô 3.000 tỉ đồng, nhưng tỉ lệ nợ xấu hay an toàn vốn thấp.
Từ việc ngân hàng nhỏ vẫn được xếp loại tốt, ông An nhìn lại chuyện tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại lên tối thiểu 3.000 tỉ đồng. Ông cho rằng, nếu quản trị không theo kịp tốc độ tăng vốn, rủi ro cũng sẽ tăng cao. “Trong đợt tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng, có ngân hàng vừa từ ngân hàng nông thôn lên thành thị, rồi nhanh chóng trở thành siêu cấp. Điều này ví như tình trạng lớn nhanh quá, nên quần áo rách hết. Lúc đấy, ngân hàng còn đứng chưa vững, nên khả năng ngã rất cao”, ông nói. Các ngân hàng tăng vốn, nhưng không đổi mới cách quản trị, không phát triển dịch vụ mà chủ yếu chỉ là hoạt động cho vay. Từ đó, dẫn đến chuyện giành giật nhân sự, giành giật thị trường, phá rào lãi suất... Đây là một thực tế trong thời gian vừa qua.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hiếu dẫn chứng về một ngân hàng nhỏ đang được đánh giá tốt về nhiều mặt, nhưng khi phải tăng mạnh vốn theo quy định, ngân hàng đó buộc phải chạy vạy khắp nơi. Do đó, không thể loại trừ việc các ngân hàng vay mượn lẫn nhau, hoặc cổ đông lớn vay mượn tiền để bù vào vốn điều lệ. “Khi đó, bảng cân đối tài sản của các ngân hàng cùng lớn lên vì cho vay mượn lẫn nhau. Nhưng tất cả là tạo bút toán, hạch toán, chứ chưa chắc đã là tài sản thực sự”, ông nói.
Vũ Dũng
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|