Thứ Năm, 16/02/2012 11:46

Nan giải chuyện lãi suất ngân hàng?

Giảm lãi suất tiền vay là yêu cầu cấp thiết cho sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp (DN) trong thời điểm hiện nay. Những tuyên bố gần đây của các ngân hàng thương mại (NHTM) cắt giảm lãi suất cho vay vẫn không làm các DN vui lên được do những động thái trên chưa phản ánh đúng xu hướng thị trường và nguồn gốc gây bất ổn lãi suất vẫn còn nguyên.

Chưa vội mừng

NH Đầu tư và Phát triển (BIDV), NH Ngoại thương (Vietcombank) vừa tuyên bố hạ lãi suất cho vay. Theo đó, BIDV dành cho đối tượng đặc biệt vay thấp nhất là 14,5%/năm và cao nhất 17 - 17,5%/năm; Vietcombank cho vay thương mại và dịch vụ ngắn hạn là 17%/năm, lãi cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất 16,5%/năm và xuất khẩu ngắn hạn 16%/năm. Tuy nhiên các NH này cũng khẳng định chỉ một số ít DN mới có thể tiếp cận được lãi suất này, chủ yếu là những DN quan hệ lâu năm, rủi ro thấp, không có nợ quá hạn, có nguồn thu từ xuất khẩu.

Nếu để ý kỹ hơn thì chỉ mới thấy NHTM nhà nước lên tiếng, còn các NH khác hoàn toàn không có động thái nào đồng lòng giảm lãi suất cho vay. Cơ cấu nguồn vốn huy động giữa các NHTM rất khác nhau. Trong khi NHTM nhà nước nắm trong tay nguồn tiền gửi không kỳ hạn cao dẫn đến chi phí vốn bình quân thấp nên họ "xông xênh” giảm lãi suất thì nhiều NHTM tư nhân lẫn cổ phần phải vật lộn với tình trạng thiếu thanh khoản, không dễ gì có nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp.

Gánh nặng thanh khoản đang là lực cản cho tiến trình hạ lãi suất cho vay. Hệ quả này nằm ở sự lệch pha giữa nguồn vốn huy động chủ yếu là kỳ hạn ngắn, từ dưới 1 tháng cho đến 1-3 tháng rồi đem cho vay trung và dài hạn. Thống kê của NHNN cho thấy, dư nợ cho vay trung và dài hạn tăng lên, không còn 30% hay 40%, mà còn cao nữa, cá biệt có trường hợp lên tới gần 100%. Trong khi đó, nguồn vốn vào của hệ thống NH lại hoàn toàn lệ thuộc vào việc huy động được bao nhiêu là cho vay bấy nhiêu. Rủi ro thanh khoản do chính cách kinh doanh của các NH gây ra như hiện nay sẽ tạo cho chính họ những "rủi ro đạo đức”. Do đó, các NHTM buộc phải co về phòng thủ bằng cách cắt giảm cho vay, nên lãi suất trên thị trường tín dụng sẽ khó giảm.

Căn nguyên bất ổn lãi suất

TS. Hoàng Công Gia Khánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) có cách nhìn khác khi ông cho rằng, tình trạng bất ổn lãi suất còn phụ thuộc vào hoạt động của nhóm NH đang thừa thanh khoản và cách điều hành của NHNN. Nhóm NH thừa thanh khoản có lợi thế trong việc huy động vốn và càng lợi thế hơn khi gần đây lãi suất tiền gửi được khống chế ở mức 14%/năm. Mặt khác, nhóm NH này còn có điều kiện thuận lợi để tiếp cận được nguồn vốn từ NHNN, điều mà nhóm NH thiếu thanh khoản không có được. Với lợi thế này cộng với thị phần lớn, việc nhóm NH thừa thanh khoản có đủ khả năng áp đặt lãi suất trên thị trường liên NH mà các NH thiếu thanh khoản buộc phải chấp nhận.

Trên nguyên tắc, trong điều kiện bình thường, NHNN không trực tiếp ấn định lãi suất giữa NH với khách hàng mà chỉ gián tiếp điều tiết thông qua vai trò người cho vay cuối cùng trên thị trường liên NH với hai công cụ lãi suất (gồm lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn) và thị trường mở. Nhưng hiện nay các công cụ của NHNN bị vô hiệu hóa do lãi suất ấn định trên thị trường mở (khi đấu thầu khối lượng) và lãi suất tái cấp vốn không phản ánh đúng quan hệ cung cầu của thị trường vì NHNN không cung đủ hoặc do các NH không đủ điều kiện để vay.

Trần lãi suất huy động 14%/năm có tác dụng ngăn chặn cuộc đua lãi suất giữa các NH, nhưng việc áp dụng trong một thời gian dài đang gây méo mó thị trường. Về vấn đề này, TS. Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế và đầu tư cao cấp của IMF cho rằng, trần lãi suất huy động không những không hiệu quả mà còn làm tăng thêm nguy cơ kéo chi phí các khoản vay tăng lên ở mức cao và hạn chế khả năng cạnh tranh giữa các NH. Khi mặt bằng lãi suất huy động như nhau thì các NH nhỏ sẽ lâm vào thế bất lợi vì không thể cạnh tranh được với NH lớn, gián tiếp đầy NH nhỏ phải "phá rào”, và như thế không thể không ảnh hưởng đến thị trường vốn. Các NH lớn có lợi thế về vốn đang trở thành nhà cho vay nặng lãi với các NH nhỏ, gián tiếp đẩy cuộc đua lãi suất lên cao.

Chờ sự ra tay của NHNN

Tháo gỡ gánh nặng thanh khoản cho các NH là mở con đường đầu tiên cho việc giảm lãi suất. Điều này nằm trong tầm tay của NHNN. Theo TS.Hoàng Công Gia Khánh, với khối lượng giấy tờ có giá (chủ yếu là trái phiếu chính phủ) chiếm tỉ lệ khá nhỏ, NHNN khó có thể trung hòa một cách hiệu quả với lượng cung tiền gia tăng vì lý do đảm bảo thanh khoản cho các NH. Vì vậy, NHNN có thể phát hành tín phiếu với lãi suất hợp lý để huy động vốn từ các NH thừa thanh khoản, xem lãi suất tín phiếu là giá phải trả để bình ổn thị trường. Song song đó, để nhóm NH thừa thanh khoản không tìm cách né tránh mua tín phiếu mà vẫn muốn cho vay liên NH để có lãi suất cao, NHNN cần nhanh chóng cắt "cơn khát” này, từ đó mới kiểm soát được lãi suất liên NH. Chấp nhận mở rộng loại giấy tờ có giá để giao dịch với nhóm NH thiếu thanh khoản, kể cả cổ phiếu của chính họ với các điều kiện ràng buộc chặt chẽ là giải pháp cần tính đến trong ngắn hạn. Giả sử, nếu gián tiếp để lãi suất liên NH duy trì ở mức cao như là cách để khuất phục các NH thiếu thanh khoản thì đây là lựa chọn khá mạo hiểm, bởi việc tái cấu trúc không thể hoàn tất trong một sớm một chiều mà cần phải có thời gian đủ dài. Trong trường hợp đó cái giá phải trả có thể quá đắt!

Minh Phương

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Tái cấu trúc ngân hàng: Thời điểm quyết định (16/02/2012)

>   “Dọn dẹp” hệ thống ngân hàng: Thống đốc đang làm như thế nào? (16/02/2012)

>   Huy động vàng trong dân: "Tính cua trong lỗ" (16/02/2012)

>   Vietinbank giảm lãi suất cho vay còn 15,5% (16/02/2012)

>   Chuyển hướng vay vốn bằng ngoại tệ (16/02/2012)

>   Màng, cuộn nylon cũng phải chịu thuế (16/02/2012)

>   Ngân hàng nhóm 4: “Không phải tôi”? (16/02/2012)

>   Ngân hàng khó khăn thanh khoản: Cái cớ có còn hợp lý? (16/02/2012)

>   Ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh cho vay (16/02/2012)

>   Ngân hàng chờ "trát" hạn mức tín dụng (16/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật