CTCK gây thiệt hại cho NĐT: Một lần bất tín, vạn sự bất tin
Điều đáng lo lắng là nguy cơ chối bỏ, quay lưng đồng loạt của cộng đồng NĐT với TTCK. Do mất lòng tin, NĐT không quan tâm đến thị trường và những dịch vụ CTCK cung cấp, thì CTCK sẽ tồn tại và phát triển như nào? TTCK sẽ tồn tại và phát triển như thế nào?
Câu chuyện về việc cổ phiếu trong tài khoản tại CTCK Mê Kông (MSC) bỗng nhiên “không cánh mà bay” đang thu hút sự quan tâm của các NĐT chứng khoán. Đặc biệt, câu chuyện đó còn là sự e ngại, hoang mang, lo lắng của những NĐT không chuyên, tích góp tiền bạc mưu sinh trong nhiều năm để đầu tư chứng khoán.
Thực tế thời gian qua, không ít NĐT đã phản ánh về việc các CTCK bất chấp thủ đoạn, lợi dụng sự lỏng lẻo trong thủ tục giao dịch, vô tình hay cố ý gây thiệt hại cho NĐT. Từ đó, mỗi NĐT tự nhiên phát sinh tâm trạng hoang mang, lo lắng về mức độ an toàn của số tiền bỏ ra để đầu tư chứng khoán: liệu lúc nào đó, đến lượt tài khoản của mình bị “bốc hơi”?
Có thể, việc xác định trách nhiệm, khắc phục thiệt hại, đảm bảo quyền lợi của NĐT chứng khoán sẽ mất nhiều thời gian và chi phí của CTCK, cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên, chừng nào cổ phiếu của NĐT còn bị mất không rõ nguyên nhân, thì chừng đó sẽ hình thành và lan rộng những nỗi ngờ vực, dẫn đến sự suy sụp niềm tin của NĐT về một TTCK lành mạnh.
Các CTCK vốn đã chịu sức ép khi TTCK “lạnh lẽo” trong thời gian dài, nay phải chịu thêm cả sức ép làm thế nào để tăng niềm tin, cung cấp cho NĐT những dịch vụ chứng khoán tốt nhất. Khi cổ phiếu trong tài khoản tự nhiên biến mất, trước hết, NĐT tự nhiên sẽ hoài nghi về sự quản lý, thực hiện thủ tục giao dịch và các thủ đoạn như là một trong những nguyên nhân sự gây ra cố thiệt hại cho NĐT. Nói cách khác, CTCK thường phải đương đầu với định kiến có sẵn mỗi khi tài khoản của NĐT có dấu hiệu bị mất an toàn, trong trường hợp của CTCK Mê Kông hiện nay là NĐT bị mất chứng khoán. Muốn thay đổi định kiến bất lợi này, CTCK phải chủ động vào cuộc, thể hiện sự rốt ráo làm rõ nguyên nhân, tiến hành rà soát, điều tra toàn bộ quy trình nghiệp vụ, sự cẩn trọng, trung thực của nhân viên…, rồi cung cấp thông tin công khai đến NĐT và trên các phương tiện truyền thông.
Điều đáng lo lắng là nguy cơ chối bỏ, quay lưng đồng loạt của cộng đồng NĐT với TTCK. Do mất lòng tin, NĐT không quan tâm đến thị trường và những dịch vụ CTCK cung cấp, thì CTCK sẽ tồn tại và phát triển như nào? TTCK sẽ tồn tại và phát triển như thế nào?
Nếu xảy ra việc “một lần bất tín, vạn lần bất tin”, thì các chi phí để CTCK lấy lại lòng tin của NĐT đôi khi còn lớn hơn rất nhiều lần so với việc thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Quan tâm đến quyền lợi của NĐT, tôn trọng những quyền lợi đó, hạn chế các sự cố gây bất an cho tài khoản của NĐT là giải pháp có lợi cho CTCK.
Cũng không ít CTCK tích cực hợp tác với NĐT, cơ quan nhà nươc, cơ quan bảo vệ pháp luật để tìm ra nguyên nhân đích thực của các sự cố đối với tài khoản của NĐT. Nếu CTCK có lỗi trong việc để mất chứng khoán, thì CTCK cần dũng cảm nhận trách nhiệm, tích cực khắc phục thiệt hại và công khai xin lỗi NĐT, cũng như toàn thể thị trường. Ngược lại, nếu lỗi không thuộc về CTCK, thì thái độ tích cực hợp tác của CTCK còn có tác dụng tôn cao hình ảnh của họ trong mắt NĐT. TTCK sẽ giữ được niềm tin và có cơ hội phát triển.
Lê Trọng Dũng
Đầu tư chứng khoán
|