Thần dược nào cho chứng khoán?
Nếu tiền từ ngân hàng liệc có phải đang chảy vào chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh, ai sẽ là người mừng vui nhất và hưởng lợi nhiều nhất?
Sân khấu của các thị trường đã có được đôi chút không khí hoạt náo, thay cho sự câm lặng vào cuối năm trước. Nhân tố kích phát cho tính hoạt náo ấy, thật đáng kinh ngạc, lại là diễn viên chứng khoán - kẻ mà như chúng tôi miêu tả trong vở kịch "Dưới đáy" của Macxim Gorki - đã tự kết liễu đời mình bằng hình thức "treo cổ". Còn nay, cái kẻ quẫn trí suýt nữa tìm cách quyên sinh ấy bỗng tự dưng hồi sinh.
Di chuyển theo một hành lang nhỏ hẹp dẫn lên đỉnh lâu đài lợi nhuận, diễn viên này đang hình thành một tư thế chuyển động vừa khó khăn vừa quyến rũ - điều mà chúng tôi đã thể hiện thái độ lạc quan vào đầu năm, nhưng cũng không quá kỳ vọng rằng lịch sử năm 2009 sẽ lặp lại với cú tăng mạnh bất thần của TTCK.
Song có lẽ điều chúng ta cần tìm hiểu nhất, hơn cả chuyện chứng khoán sẽ tăng được bao nhiêu trong thời gian tới, là liều thần dược nào đã giúp cho diễn viên đó hồi sinh.
Tiền chạy đi đâu?
Hạ lãi suất - câu chuyện được trông ngóng nhất để kích động cho thị trường, đã không hề xảy ra từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên cũng từ đầu năm, thị trường dường như đã lập đáy và cứ thế tiến lên, bất chấp xung quanh nó có rất ít lấy một thông tin tích cực và càng ít thông tin được cụ thể hóa.
Những phản ánh liên tục từ các ngân hàng thương mại nhỏ đã cho thấy thực trạng eo hẹp về thanh khoản vẫn tiếp tục là nỗi lo thường trực chưa thể sớm thoát ra. Cũng bởi thế, khuynh hướng lách trần lãi suất huy động 14% đã lại diễn ra, tuy tinh vi và kín đáo hơn trong quá khứ. Trong khi đó, Ngân hàng nhà nước đã không còn ngăn chặn hiệu quả như thời kỳ đầu.
Điều này gần như trái ngược với thái độ kiên quyết đến nôn nóng trong việc xử lý một số trường hợp ngân hàng thương mại vi phạm trần lãi suất 14% vào hai tháng 9-10/2011 khiến cho tái diễn tình trạng thỏa thuận lãi suất huy động với khách hàng như năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, lãi suất cho vay vẫn có lý do đầy đủ thuyết phục để treo cao, tiếp tục gây khốn khó cho các doanh nghiệp.
Nghị quyết của Chính phủ tháng Giêng năm 2012, cũng tiếp tục tinh thần bản nghị quyết vào tháng 12/2011: Chính phủ vẫn yêu cầu NHNN giảm lãi suất, nhưng lại tiếp tục giao cho cơ quan này quyết định về... thời điểm thực hiện. Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho đến nay vẫn đang là một sự thất vọng.
Những thông tin ngoài lề cũng cho thấy lãi suất sẽ rất khó có cơ hội để thực hạ trong thời gian tới. Thời gian cứ trôi qua và mọi chờ đợi vẫn tiếp tục bị bào mòn tính kiên nhẫn. Người ta đang tự hỏi phải chăng việc tiếp tục dài thời gian hạ lãi suất là một chủ ý nhằm một ý đồ nào khác hơn là lý do lạm phát và khó khăn thanh khoản.
Nếu vào thời điểm cuối năm trước, suy diễn trên có thể chỉ mang tính giả định. Nhưng vào Tết vừa qua, khi NHNN hỗ trợ 71.000 tỷ đồng cho các ngân hàng để giải quyết tạm thời khó khăn về thanh khoản, bài toán về thanh khoản đã có một phần lời giải.
Lời giải đó lại được thể hiện bằng một câu hỏi khác: Vì sao NHNN hỗ trợ được thanh khoản cho các ngân hàng nhưng lại không mở rộng kênh cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là cho vay trước tết nhằm giúp các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề nợ lương công nhân và tái đầu tư?
71.000 tỷ đồng không phải là con số nhỏ. Con số này cũng tương đương với số 70.000 tỷ đồng mà NHNN đã tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại vào tháng 5/2011. Điều đó cho thấy thanh khoản có thể là một vấn đề khó, nhưng không phải đối với tất cả các ngân hàng. Một số nguồn tin vẫn cho biết là các ngân hàng lớn, đặc biệt là nhóm G5, không hề thiếu tiền.
Vậy tiền chạy đi đâu?
Cần một cầu trả lời
Xin trở lại với câu chuyện hoạt náo của diễn viên chứng khoán. Nếu vào năm trước chỉ có mỗi diễn viên ngân hàng đóng vai trò ông chủ nhà trọ đi thu tiền của các diễn viên ngủ đậu, thì đến năm nay cả hai diễn viên ngân hàng và chứng khoán cùng "quậy".
Nghĩa là đã và đang hình thành một mối liên hệ, quan hệ nào đó giữa ngân hàng và chứng khoán. Thậm chí, không thể ngăn cản một sự suy diễn có một mối liên hệ giữa chứng khoán với ngân hàng.
Nhưng dường như lại không phải là mối quan hệ đòi nợ, siết nợ như cái cách từng thể hiện vào giữa năm 2011.
Bởi nếu tiền không chảy từ ngân hàng lớn vào ngân hàng nhỏ như xác nhận của một số giám đốc ngân hàng nhỏ, cũng không thể hiện lòng từ bi với đại đa số doanh nghiệp sản xuất, thì tiền chỉ có thể chạy vào kênh đầu tư nào dễ hoạt náo nhất và dễ sinh lợi nhất.
Liệu có điều gì có thể là câu trả lời. Và có gì ngạc nhiên khi trong thời gian qua, cùng với sóng tăng chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trở thành tiêu điểm hút hàng, dẫn đầu thị trường.
Việc sắp xếp lại hai cổ phiếu STB và EIB vào nhóm 5 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất và trực tiếp tác động mạnh đến rổ chỉ số VN30 cũng cho thấy vai trò của cổ phiếu ngân hàng đang được "tái sinh".
Và nếu có một sự thực như thế thì ai sẽ là người mừng vui nhất và hưởng lợi nhiều nhất? Tất nhiên, đi cùng đó cũng sẽ có một dự báo khác, 2012 vẫn tiếp tục là thời hoàng kim của ngành ngân hàng và tiếp nối cảnh phá sản của hệ thống doanh nghiệp sản xuất.
Việt Thắng
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|