Góc nhìn Nhà đầu tư
Có nên trông chờ vào tín dụng cho chứng khoán?
(Vietstock) - Không cần đôi co với dư luận về “phi sản xuất”, NHNN đã dùng cụm từ “không khuyến khích” để đạt mục tiêu siết chặt tín dụng chứng khoán.
Theo chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/2/2012 vừa qua, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng trong năm nay được kiểm soát ở mức 16%.
Chứng khoán từ “phi sản xuất” được đưa sang “không khuyến khích”. Bình mới rượu cũ. Không cần tranh luận thêm, tín dụng cho chứng khoán trong năm nay chắc chắn vẫn bị siết chặt như năm 2011.
Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rõ, nhưng quan điểm của NHNN về tín dụng cho chứng khoán là như thế nào? Là phi sản xuất, không khuyến khích hay còn những khái niệm nào nữa?
Theo nhìn nhận của người viết, NHNN quan niệm tín dụng cho chứng khoán là tín dụng dài hạn.
Mấy năm trước đây, cho vay đối với chứng khoán là nguồn để các CTCK cấp đòn bẩy tài chính cho nhà đầu tư. Lãi suất cao, thời hạn ngắn... vì đa phần nhà đầu tư theo trường phái “siêu ngắn hạn”. Có khi cổ phiếu vừa về đến tài khoản là đặt lệnh bán. Trong thời kỳ hoàng kim, mọi người đều tự huyễn hoặc rằng TTCK chỉ có lên, không có xuống.
Để đến khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, hệ thống ngân hàng phải tái cơ cấu, người ta mới giật mình: Tăng trường tín dụng trong mấy năm qua lên đến trên 30%/năm, tín dụng gấp 1,16 lần GDP. Đặc biệt là sự mất cân đối giữa cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu cho vay: 80% tổng nguồn vốn huy động có kỳ hạn dưới 1 năm trong khi 60% tổng dư nợ cho vay có thời hạn trên 1 năm.
Giải quyết hai vấn đề tăng trưởng tín dụng và thanh khoản này trong quá trình tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng đều liên quan đến lĩnh vực cho vay đầu tư chứng khoán.
Thứ nhất, trong mấy năm qua cho vay chứng khoán chủ yếu tập trung trên thị trường thứ cấp. Đồng vốn bỏ ra tuy cũng là “sản xuất” nhưng là “sản xuất gián tiếp”. Hơn nữa, việc đầu tư chứng khoán kiểu siêu ngắn hạn thực chất là hoạt động lướt sóng, đầu cơ… chứa đựng rất nhiều rủi ro; không những bất lợi với hệ thống ngân hàng mà còn cản trở sự phát triển bền vững của TTCK. Cắt giảm tín dụng chứng khoán là hợp lý, vừa giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng, vừa là một liều thuốc cần thiết cho TTCK. Mà thuốc đắng thì mới dã được tật.
Thứ hai, dù có nhiều trường phái đầu tư khác nhau nhưng bản chất đầu tư chứng khoán là hoạt động đầu tư dài hạn. Nên cho vay đối với chứng khoán phải được quan niệm là tín dụng dài hạn. Về lâu dài, khi TTCK phát triển bền vững hơn thì hoạt động đầu tư chứng khoán ở Việt Nam mới dần trở về đúng bản chất của nó. Có thể NHNN quan niệm như vậy và đón đầu sự phát triển của TTCK. Hạn chế nguồn tín dụng dài hạn này chính là để sắp xếp lại cơ cấu cho vay của hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, TTCK và hệ thống ngân hàng là trung tâm của thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Đây là hai công cụ để định hướng dòng tiền tiết kiệm trong công chúng thành dòng vốn đầu tư cho nền kinh tế. Nguồn vốn ngân hàng nên chảy thẳng vào các doanh nghiệp chứ không nên chảy vòng vèo qua TTCK. Hơn nữa, cả TTCK và hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, chắc chắn có sự phối hợp giữa NHNN và Bộ Tài chính trong việc giải quyết các vấn đề (trong đó có tín dụng cho chứng khoán) giữa hai thị trường sao cho đạt được lợi ích lâu dài với nền kinh tế.
Quan điểm của NHNN đã rất rõ ràng qua phát biểu của Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến: “Năm 2012, Chính phủ và NHNN sẽ không ưu tiên tín dụng cho chứng khoán, bất động sản. Những giải pháp của chính sách tiền tệ hiện nay chỉ tập trung cho ổn định vĩ mô, đưa vốn về sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo nhiều việc làm; không nên quan niệm nới lỏng chính sách tiền tệ để cứu thị trường chứng khoán mà hãy để cho chúng tự vận hành theo quy luật”.
“Dòng tiền cho chứng khoán?” là câu hỏi trong 2 năm chúng ta luôn đặt ra. Câu trả lời thực ra rất dễ dàng: Không nên trông chờ vào nguồn tín dụng cho chứng khoán từ hệ thống ngân hàng nữa; mà tự bản thân TTCK phải thay đổi, để thu hút hơn trong con mắt công chúng đầu tư.
Ngoài ra, bên cạnh việc trông chờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thì TTCK cần được cải thiện về chất lượng hàng hóa, nới lỏng các quy định về giao dịch… để thị trường trở lên hấp dẫn hơn.
Tiền không bao giờ thiếu, nó luôn chảy trong nền kinh tế, và tự tìm đến nơi nào sinh lời nhất.
Đoàn Xuân Thạo
|