Chủ tịch Sacombank: STB chỉ phù hợp với NĐT gắn bó
Có nhiều người hỏi tôi vì sao hàng loạt cổ đông thoái vốn. Tôi cho rằng trong bối cảnh tài chính của từng đơn vị đầu tư, nếu thoái vốn họ phải tìm chứng khoán nào mãi lực tốt nhất để thực hiện.
Gần đây, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) đã trở thành tâm điểm bình luận của giới đầu tư xung quanh việc thâu tóm và thay đổi nhân sự tại Sacombank. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông ĐẶNG VĂN THÀNH, Chủ tịch HĐQT Sacombank trước thềm ĐHCĐ của STB tới đây.
|
Ông Đặng Văn Thành |
- Thưa ông, trên thị trường đang có nhiều tin đồn về sự biến động nhân sự cấp cao của STB thời gian tới. Liệu đây có là sự thật?
-Ông ĐẶNG VĂN THÀNH: - Nhiệm kỳ HĐQT 2011-2015 đã được ĐHCĐ tín nhiệm và bầu ra. HĐQT của nhiệm kỳ này vừa hoàn thành kế hoạch năm 2011, là năm đầu của nhiệm kỳ 5 năm. HĐQT nhiệm kỳ 2011-2015 cũng đã thông qua Ngân hàng Nhà nước đúng theo Luật Tổ chức tín dụng.
Hơn nữa, Sacombank có quy chế về vấn đề bổ nhiệm một cách rõ ràng, tất cả đang trong nhiệm kỳ và đang làm việc rất tốt. Đến giờ phút này người chịu trách nhiệm cao nhất của ngân hàng chưa cần thiết phải thay đổi.
- Là cổ đông lớn của STB với tỷ lệ nắm giữ 9,73% vốn điều lệ, Eximbank đã đặt vấn đề tham gia vào HĐQT của STB chưa?
- Một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán tất yếu cổ đông sẽ biến động thường xuyên, chốt danh sách và sau khi chốt danh sách khác nhau về mặt nghĩa vụ và quyền lợi. Việc ĐHCĐ có sự thay đổi về cổ đông cũng được thể hiện đúng theo điều lệ của ngân hàng.
Nếu cổ đông thấy đủ điều kiện ứng cử, chúng tôi sẵn sàng tổ chức theo đúng quy định và tỷ lệ ứng cử như thế nào là do đối vốn. Quyền cổ đông phải tôn trọng, cũng giống như tôn trọng trước khi chốt danh sách và sau khi chốt danh sách. Ví dụ, trước đó đã bầu HĐQT thì cổ đông mua sau cũng phải tôn trọng quyết định của cổ đông trước.
- Eximbank và Sacombank đều là ngân hàng lớn, việc ngân hàng đầu tư vào ngân hàng có bất lợi gì không?
- Không chỉ Eximbank mà Ngân hàng ANZ cũng từng là thành viên HĐQT của STB, họ cũng là ngân hàng có chi nhánh ở Việt Nam không khác gì ngân hàng nội địa. Việc ngân hàng bạn tham gia vào HĐQT cũng là một tiếng nói góp ý xây dựng, nếu những góp ý của họ phù hợp cũng nên xem xét.
Không có cái gì là vĩnh cữu cả, phải phù hợp với từng thời kỳ. Đơn cử, điều hành của Sacombank hàng năm theo danh mục. Nếu họ góp ý thông tin nhiều chừng nào chúng tôi cân đối hài hòa kế hoạch hàng năm chừng ấy.
- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Sacombank đã chọn sai đường khi đổ vốn lớn vào cơ sở hạ tầng cho mạng lưới thay vì đi thuê như các NHTM khác; hoặc chính sách nhiều năm chi trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt tạo kẽ hở cho những ý đồ thâu tóm?
- Mỗi đơn vị có một chiến lược khác nhau. STB cho vay bán lẻ thì việc mở rộng mạng lưới là điều tiên quyết đầu tiên đối với ngân hàng. Chúng tôi đã được sự hỗ trợ của của ĐHCĐ trong thập niên qua vì đã làm rất tốt việc này.
STB cam kết phát triển lâu dài với chính quyền địa phương nên chúng tôi đầu tư cơ sở vật chất rất khang trang bằng nguồn vốn tự có. 80% bất động sản phục vụ cho chi nhánh là tài sản của STB.
Nếu như chiến lược ANZ hoàn toàn thuê thay vì mua họ cũng đúng bởi thị trường của họ ổn định. STB chọn giải pháp đầu tư bằng tiền của mình cũng đúng vì trượt giá bất động sản ở Việt Nam. Thay vì anh đi thuê của người ta chi bằng anh thuê của anh, dù chủ trương này tạo gánh nặng cho ban điều hành.
Chiến lược của STB phù hợp với cổ đông gắn bó chứ không phù hợp với cổ đông “lướt sóng”. Chính vì vậy, STB có tích sản rất lớn, đến nay chúng tôi chưa định giá lại nhưng tính sơ cũng phải vài ngàn tỷ đồng.
Quan điểm hoạt động ngân hàng là tính bền vững quan trọng nhất nên chúng tôi tích lũy. Còn vấn đề trả cổ tức và lợi nhuận như thế nào thực tế phải có lộ trình từng năm ở mức chấp nhận được, chứ không thể nào làm tất cả cùng một lúc.
STB từ năm 2013 trở đi sẽ phát huy được vấn đề này. Còn trong bối cảnh này lãi nhiều trong khi không chia sẻ với doanh nghiệp thì thử hỏi có nên hay không?
- Nhưng STB cũng có những cổ đông lớn “lướt sóng” mà bằng chứng là hàng loạt cổ đông này thoái vốn khỏi STB thời gian qua?
- Một câu hỏi đặt ra là tham gia đầu tư vào STB nhà đầu tư kỳ vọng cổ tức hay thị giá? Để làm nền móng cho thị giá tăng nhưng đem đi chia hết thì còn gì cho thị giá, khi đó giá trị sổ sách sẽ giảm xuống.
Đơn cử, hiện nay thặng dư của STB bằng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ rất lớn, đến 3.000 tỷ đồng để bảo đảm an toàn cho ngân hàng. Vốn chủ sở hữu của STB là 14.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.000 tỷ đồng, nếu chia 3.000 tỷ đồng thặng dư thì cổ đông “lướt sóng” mừng và vốn điều lệ tăng lên 14.000 tỷ đồng, nhưng nếu không chia thì giá trị sổ sách của Sacombank cao và an toàn.
Nền tảng của STB ngày hôm nay chính là cái thu hút nhà đầu tư, cơ hội cho những nhà đầu tư mới. Đầu tư ngân hàng khác với đầu cơ, có những năm khó khăn chúng ta buộc phải hy sinh một phần lợi nhuận để chia sẻ, thì những nền móng để phát triển bền vững.
Có nhiều người hỏi tôi vì sao hàng loạt cổ đông thoái vốn. Tôi cho rằng trong bối cảnh tài chính của từng đơn vị đầu tư, nếu thoái vốn họ phải tìm chứng khoán nào mãi lực tốt nhất để thực hiện. Nếu tôi là nhà đầu tư, lúc khó khăn muốn cân đối tài chính, danh mục nào tốt nhất tôi bán, thị trường mới hấp thụ được. Vì vậy, không nên quy chụp nội bộ như thế nào cổ đông mới bán cổ phần.
- Xin cảm ơn ông.
MAI THẢO (thực hiện)
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|