VAFI đề xuất gia tăng dòng vốn ngoại
Việc TTCK đang “đói” vốn như hiện nay có một phần nguyên nhân đến từ sự thiếu vắng dòng vốn ngoại. Trước tình hình này, Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất 2 giải pháp căn bản nhằm gia tăng nguồn vốn từ các NĐTNN.
Mở room
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư không quy định việc khống chế tỷ lệ sở hữu NĐTNN trong các doanh nghiệp Việt Nam, trừ những lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, văn bản dưới luật hạn chế tỷ lệ sở hữu NĐTNN tại doanh nghiệp niêm yết không quá 49%.
Đây là hiện tượng bất cập vì các NĐT là doanh nghiệp FDI (100% vốn nước ngoài) đã được kinh doanh ở tất cả các ngành nghề không điều kiện. Trong khi đó khối doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết đã chủ động bán cổ phần cho NĐTNN ở mức không hạn chế hoặc ở mức đa số.
Chính vì vậy, trong tình hình hiện nay việc bán cổ phần cho NĐT chiến lược nước ngoài tại khối doanh nghiệp chưa niêm yết dễ dàng và được giá hơn nhiều so với công ty niêm yết. Đây cũng là yếu tố khiến các hoạt động M&A tại các doanh nghiệp chưa niêm yết nở rộ trong năm 2011.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu như tất cả TTCK phát triển và đang phát triển đều không hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐTNN, trừ một vài lĩnh vực nhạy cảm nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng trong huy động vốn và thu hút NĐT chiến lược nước ngoài.
Theo VAFI, nếu chúng ta mở room cho NĐTNN ở mức không hạn chế sẽ tạo nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết dễ dàng hơn trong huy động vốn và công nghệ; tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp gia nhập các tập đoàn quốc tế nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh.
Thực ra vấn đề mở room cho NĐTNN có vẻ nhạy cảm nếu như không hiểu sâu về bản chất vấn đề, nhưng nếu tìm hiểu kỹ về kinh nghiệm thế giới vấn đề trở nên đơn giản và không còn quá nhạy cảm. Do vậy VAFI đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo UBCKNN nghiên cứu đầy đủ kinh nghiệm thế giới trước khi tiến hành mở room có lẽ hay hơn là không hành động gì.
Giảm thủ tục
Hiện nay, thủ tục cấp mã số giao dịch cho NĐTNN hết sức rắc rối, phức tạp nhưng không giải quyết được về vấn đề quản lý NĐTNN. Năm nào NĐTNN cũng than phiền về thủ tục, vì để hoàn thành một bộ hồ sơ rắc rối với nhiều thủ tục ở nước ngoài và trong nước kéo dài đến 6 tháng.
Có những thủ tục rắc rối, phức tạp và mất công không cần thiết. Chẳng hạn như quy định, đề nghị Sứ quán Việt Nam hợp thức lãnh sự. Đây là điều hết sức bấp cập, bởi có hàng triệu doanh nghiệp làm sao Sứ quán Việt Nam biết được doanh nghiệp ra sao mà yêu cầu chứng nhận doanh nghiệp không làm ăn phi pháp.
Một thủ tục khác nữa là chứng nhận lý lịch tư pháp của người quản lý. Trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, có ai làm việc một chỗ và ai sẽ là người chứng nhận lý lịch này.
Thông lệ của hầu hết quốc gia trên thế giới là không có thủ tục cấp mã số giao dịch cho NĐTNN. Thay vào đó, NĐTNN ký hợp đồng mở tài khoản chứng khoán với CTCK ở nước sở tại qua mạng. Việc quản lý dòng vốn gián tiếp là theo dõi hoạt động giao dịch có đúng luật hay không.
Nếu NĐTNN vi phạm luật thì cơ quan quản lý vẫn là người chủ động trong việc xử lý, như yêu cầu ngân hàng lưu ký giữ một khoản tiền nếu NĐTNN cố tình không nộp phạt, thậm chí phong tỏa tài khoản để xử lý. Vì lẽ đó, Bộ Tài chính, UBCKNN cần yêu cầu Trung tâm Lưu ký CK tổng kết công tác cấp mã số cho NĐTNN.
Nếu không, phải nhanh chóng cải cách theo hướng tinh giảm nhất. Chẳng hạn NĐTNN chỉ cần đăng ký theo “form” những thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân mà không phải làm thủ tục chứng thực gì khác.
Hải Hồ (ghi)
sài gòn đầu tư tài chính
|