Vàng hay chứng khoán: Sự đánh đố giữa hai thị trường
(Vietstock) - Với tương lai hầu như không sáng sủa của thị trường vàng, hẳn giới đầu tư vàng chuyên nghiệp đã và đang phải tính toán đến phương cách thoát khỏi tình trạng giảm giá hoặc bị chôn vốn.
Một trong những kênh đầu tư mà họ nghĩ đến đầu tiên phải là chứng khoán.
Bàn cờ về mối tương quan giữa các thị trường (kéo dài thời gian so tài giữa các đối thủ từ nửa năm qua) vẫn tiếp tục lâm vào thế bế tắc khi phần lớn nhà đầu tư hiện nay chỉ có thể dự đoán một kết quả “hòa”.
Nếu tính từ đầu năm 2011, chính xác là chỉ có thị trường vàng là tạo sóng với biên độ khá lớn, còn lại tất cả các thị trường khác như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ đều không khả quan.
Vào đầu năm Con Rồng, các nhà đầu tư một lần nữa nhìn lại kế hoạch của họ đã bị xáo trộn quá lớn trong năm Con Mèo để nhằm tìm ra một phương cách khả dĩ cho thời gian tới. Đó là một bài toán không dễ dàng chút nào, lồng trong bối cảnh nền kinh tề quốc gia vẫn còn ẩn chứa hiểm họa từ lạm phát và những hệ quả lớn lao từ gánh nặng đầu tư công, trong đó có không ít khoản đầu tư trái ngành rất kém hiệu quả.
Chính sách thắt lưng buộc bụng vẫn được xem là một kế sách của Chính phủ nhằm gìn giữ thế cân bằng chênh vênh giữa thu và chi, mà chỉ cần một quyết sách thiếu tỉnh táo hoặc chịu tác động của các nhóm lợi ích thì nguy cơ mất thăng bằng của ngân sách quốc gia sẽ là không nhỏ.
Chỉ còn hai đối thủ?
Cái thế đi trên dây như vậy cũng là đặc trưng của rất nhiều nhà đầu tư tổ chức lẫn nhỏ lẻ. Ngoại trừ thị trường ngoại tệ hầu như đi ngang mà cho tới giờ vẫn chưa hề phát ra một tín hiệu biến động lớn nào, thị trường bất động sản cũng không có lộ dấu hiệu gì có thể được tiếp nhận một dòng tiền mới.
Vậy thì dòng tiền đang ở đâu?
Vẫn có những ước đoán hay tính toán về số vàng còn tích trữ trong dân vào khoảng 300-400 tấn. Có con số còn lạc quan hơn khi đánh giá số vàng đó lên đến khoảng 1,000 tấn. Nhưng số vàng này sẽ tiếp tục trụ lại trong kênh vàng, chuyển hóa giữa các dạng về đầu tư vàng hay sẽ được biến thành tiền để chảy sang các kênh đầu tư khác, vẫn là một dấu hỏi lớn.
Vì thế, bàn cờ giờ đây dường như chỉ còn lại hai đối thủ chính so kè với nhau: vàng và chứng khoán.
Là kênh duy nhất trong các thị trường đạt được tỷ suất lợi nhuận từ 10-12% trong năm 2011, vàng vẫn xứng đáng được xem là một sự tiếp nối có triển vọng trong năm 2012. Nhất là trong tâm lý của người dân Việt Nam, đặc thù về cất trữ, tích lũy càng khiến vàng được nâng giá trị về hình ảnh một thứ kim loại quý, có khả năng chống chọi với điều kiện lạm phát dâng cao.
Ở một thái cực gần như ngược lại, đầu tư cổ phiếu lại bị xem là một kênh có quá nhiều rủi ro. Cái luôn được nhận thức là tài sản như vàng lại đang thể hiện xu hướng biến thành một khái niệm “phi tài sản” như chứng khoán. Nếu chỉ xét thuần túy trên phương diện này, có thể nói tuyệt đại đa số nhà đầu tư và những người dân chân chất chỉ còn biết trông chờ vào kênh vàng.
Tuy vậy, cũng có một nét khác biệt rất rõ giữa hai kênh vàng và chứng khoán. Đó là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau - một thị trường đang chênh vênh ở vùng đỉnh, còn thị trường kia lại vật vã ở vùng trũng.
Thế tương quan trên cũng cho thấy kẻ nào có trọng tâm thấp hơn sẽ dễ tạo thăng bằng hơn. Có nghĩa là chứng khoán vẫn còn ít nhất một lợi thế so sánh là mặt bằng giá cổ phiếu đã về quá thấp, thấp đến mức không tưởng, do đó nhà đầu tư có thể tiến hành mua vào mà không đến nỗi quá lo sợ giá sẽ bị giảm mạnh tiếp.
Thế bế tắc của kênh vàng
Không phải vô cớ mà giá vàng trong nước đã không thể vượt qua được mốc 50 triệu đồng/lượng.
Cùng với xu thế đổ dốc của giá vàng thế giới từ đỉnh 1,923 USD/oz, cho tới nay giá vàng trong nước cũng bị mất khoảng 15%. Hiện tượng suy giảm này đã diễn ra trong suốt gần nửa năm qua, mặc dù vẫn có không ít người trong giới phân tích và giới đầu tư kỳ vọng giá vàng quốc tế ít ra cũng vươn tới mốc 2,000 USD/oz, thậm chí còn hơn thế - 2,200 USD/oz.
Nhưng bong bóng vàng lại đang trở nên một ám ảm đối với các nhà đầu tư quốc tế gạo cội. Những người trước đây đã từng kỳ vọng vào khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ và châu Âu có thể đẩy giá vàng lên trên mốc 2,000 USD/oz, nay lại đang trở nên ngỡ ngàng vì quy luật đó có vẻ đã bị thay đổi từ chính nội hàm của nó.
Nghĩa là bất chấp các điều kiện suy thoái vẫn đang tồn tại, giá vàng thế giới lại đang nằm trong xu hướng bị nhận thức như một loại tài sản có độ rủi ro vào bậc nhất.
“Rủi ro rất cao” về kênh đầu tư vàng cũng lại là một nhận định mới đây của thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Điều đáng nói là nhận định này được phát ra lần đầu tiên từ người lãnh đạo cao nhất trong cơ quan nhà nước quản lý thị trường vàng.
Có thể hiểu, hoặc dự cảm thế nào về nhận định trên?
Những chính sách về kinh doanh và quản lý vàng của NHNN từ tháng 10/2011 đã bắt đầu bộc lộ “cái gì đó” không đồng thuận với xu thế tăng của giá vàng trong nước.
Mặc dù trong thực tế nửa năm qua, giá vàng trong nước luôn bị các nhóm đầu cơ làm giá với độ chênh cao từ 2-4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới, nhưng điều quá rõ rệt đối với các nhà đầu tư là xu thế giảm giá không thể chối cãi của nó.
Vàng sẽ tiếp tục được giữ giá hay sẽ nằm trong kênh giảm giá trung hạn?
Để trả lời câu hỏi trên, có lẽ bản dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh vàng của NHNN vẫn rất cần được xem như một yếu tố tham khảo đắc lực.
Từ khi bản dự thảo trên được công khai vào cuối tháng 10, giới phân tích đã có thể nhận ra là thị trường vàng trong nước sẽ được “tập quyền hóa” vào tay một vài doanh nghiệp khổng lồ như Công ty SJC.
Đi cùng với dự thảo nghị định quản lý vàng là Đề án huy động vàng trong dân cũng của NHNN. Cả hai văn bản này đều hướng tới ít nhất một mục tiêu là hạn chế đến mức tối thiểu tình trạng đầu cơ vàng trên thị trường tự do.
Sau khi bị trễ hạn so với dự kiến được ban hành chính thức vào đầu tháng 11/2011, có khả năng trong tháng Giêng hoặc đầu tháng 2/2012, dự thảo nghị định vàng sẽ được Chính phủ đặt bút ký.
Một khi nghị định vàng có hiệu lực, lộ trình “thanh lọc” hàng chục ngàn cơ sở kinh doanh vàng tư nhân cũng sẽ bắt đầu phát huy tác dụng. Vàng miếng sẽ không còn là đất làm ăn cho các doanh nghiệp đại chúng về vàng.
Mặt khác, đến tháng 5/2012, các tổ chức tín dụng sẽ phải chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng.
Tất cả những động thái trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thanh khoản của thị trường vàng trong tương lai không xa.
Một điều đáng nói khác là với chính sách điều hành thị trường vàng của NHNN, có vẻ như thanh khoản đang có xu thế trở thành một yếu tố độc lập với giá vàng trong nước. Bởi trong những tháng tới, cho dù giá vàng thế giới có phục hồi trở lại và kéo theo mặt bằng tăng của giá vàng trong nước, cũng khó có chất xúc tác nào đảm bảo cho thời kỳ hoàng kim của doanh nghiệp vàng với khối lượng giao dịch vài ba chục ngàn lượng/ngày được trở lại.
Lối thoát đánh đố cho chứng khoán
Với tương lai hầu như không sáng sủa của thị trường vàng, hẳn giới đầu tư vàng chuyên nghiệp đã và đang phải tính toán đến phương cách thoát khỏi tình trạng giảm giá hoặc bị chôn vốn. Dĩ nhiên với đặc thù tâm lý về đầu cơ, một trong những kênh đầu tư mà họ nghĩ đến đầu tiên phải là chứng khoán.
Hoàn toàn có khả năng dòng tiền đầu cơ, hay còn gọi là dòng tiền nóng, từ giới kinh doanh vàng sẽ được chuyển hóa sang kênh đầu tư cổ phiếu - như quy luật bất di bất dịch về nước chảy chỗ trũng.
Chỉ có điều, vào lúc nào dòng nước ấy mới tuôn chảy.
Thời gian của sự đánh đố vẫn còn, và đoạn đường ẩn số vẫn còn ở phía trước. Trước mắt, đó sẽ là thời điểm tháng 5/2012, khi mà lộ trình quản lý vàng miếng của Ngân hàng nhà nước cơ bản hoàn tất.
Cho đến thời điểm này, đó cũng là lối thoát duy nhất đối với thị trường chứng khoán, xét trên phương diện dòng tiền kích thích mang tính thực chất chứ không phải là những chính sách được hứa hẹn từ Ủy ban chứng khoán nhà nước.
Hạ Xuyên
|