Thứ Ba, 10/01/2012 11:02

Bao nhiêu công ty chứng khoán là đủ?

Khi đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán vừa được công bố theo hướng thu hẹp số lượng các công ty chứng khoán (không phân biệt công ty lớn hay bé), một câu hỏi được đặt ra là với quy mô thị trường hiện nay, bao nhiêu công ty chứng khoán là đủ? Câu trả lời thực sự rất khó vào lúc này là 20, 30, 40 hay 60, 70... ?

Năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động với 6 công ty chứng khoán  làm “nòng cốt” là BVS, BSC, SSI, FSI, TLS, ACBS. Đến cuối 2006, đầu 2007, cùng với sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán theo kỳ vọng WTO, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào nhiều, doanh nghiệp đăng ký lên sàn hàng loạt, số lượng công ty chứng khoán tăng lên đột biến và đến thời điểm này, tổng số công ty chứng khoán được cấp phép và hoạt động tại Việt Nam lên tới 105 công ty.

Sự phát triển quá nhanh của các công ty chứng khoán trong một thời gian ngắn khiến cho khối này đang bộc lộ nhiều bất cập. Một số công ty chứng khoán không đảm bảo hiệu quả hoạt động, gây rủi ro tiềm ẩn. Năng lực về nghiệp vụ, nhân sự và tài chính của các công ty chứng khoán còn hạn chế, đặc biệt là năng lực về tài chính. Tính tuân thủ pháp luật của các công ty chứng khoán đã được cải thiện, song có một số công ty chứng khoán đã có hành vi vi phạm phải xử lý, như chế độ báo cáo, công bố thông tin, cung cấp dịch vụ chưa đúng quy định pháp luật.

Chỉ trong vài ba tháng gần đây, tái cấu trúc công ty chứng khoán được nêu lên như là nhu cầu tất yếu để chấn chỉnh hoạt động của khối doanh nghiệp này. Số công ty chứng khoán đã tăng lên “theo lẽ tự nhiên” khi thị trường chứng khoán phát triển chắc chắn sẽ phải “giảm theo lẽ tự nhiên” khi thị trường chứng khoán khó khăn, tức là để họ “tự nguyện” sáp nhập, giải thể hay phá sản giống như ngân hàng.

Trên thực tế, việc giảm bớt số lượng công ty chứng khoán không hề đơn giản chút nào. Đối với những công ty chứng khoán nhỏ nhưng “sạch”, không làm chui làm bậy, hệ số an toàn tài chính thừa sức trên 200%, chỉ có điều là vốn không thật sự lớn và mới đang phục vụ cho... các cổ đông chính công ty đó là chủ yếu.

Những công ty chứng khoán này nếu buộc họ phải tăng vốn điều lệ, chắc chắn họ sẽ tăng được ngay và vì thế cũng không buộc sáp nhập hay phá sản được. Những công ty chứng khoán được thành lập theo trào lưu năm 2006 - 2007 bởi các cổ đông sáng lập là các đại gia tài chính, có vốn điều lệ lớn, hệ thống phần mềm và nhân lực tốt, tình hình tài chính sạch sẽ... nhưng nói chung là chưa làm gì mấy mà vẫn đang chờ thời tới giờ và loại này chắc chắn không sáp nhập giải thể.

Năm 2011, thị trường chứng khoán khó khăn đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của các công ty chứng khoán. Đến thời điểm này, toàn thị trường có tới 71 công ty chứng khoán lỗ lũy kế, trong đó có cả những công ty lớn. Nhiều công ty chứng khoán khó khăn, tình hình tài chính rất xấu nên buộc phải làm bậy, nhưng đến giờ mới chỉ có 12 công ty chứng khoán bị nêu tên trong danh sách các công ty có hệ số an toàn tài chính thấp và chưa có quá 5 cái tên được nêu vì làm bậy ngoài SME, Hà Thành (HASC) hay Tràng An (TAS).

Trên các báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán, ngoài mấy khoản mục lãi âm, cũng chưa thấy công ty chứng khoán nào thuyết minh âm hết vốn liếng, mất trắng vì tự doanh hay không còn trả được nợ. Tất nhiên không loại trừ thể loại "báo cáo láo", nhưng một phần cũng do hệ thống kế toán có vấn đề, còn thiếu sót, còn có lỗ hổng.

Phương án tái cấu trúc công ty chứng khoán chủ yếu dựa trên hai chỉ tiêu quy định trong Luật Chứng khoán và Thông tư 226/2010/TT-BTC là: vốn khả dụng/tổng rủi ro và tỷ lệ lỗ lũy kế/vốn điều lệ. Trên cơ sở hai chỉ tiêu quan trọng này, Ủy ban Chứng khoán sẽ phân loại các công ty chứng khoán thành 3 nhóm theo mức độ rủi ro giảm dần, để có biện pháp ứng xử với từng loại, từ việc yêu cầu các công ty yếu phải cắt giảm chi phí, tái cấu trúc nợ, quản trị công ty, cho đến việc mua bán sáp nhập, thậm chí có thể là khuyến nghị công ty chứng khoán rút bớt nghiệp vụ.

Trong thời gian tới, khi đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán chính thức được thực hiện, thị trường hy vọng rằng cơ quan quản lý sẽ buộc tất cả công ty chứng khoán phải tính đúng, tính đủ mọi khoản lãi lỗ và rủi ro, từ đó sẽ phân loại rõ ràng, minh bạch công ty tốt xấu và để thị trường tự quyết công ty nào sống, công ty nào phải “chết”. Có như vậy, công cuộc tái cấu trúc công ty chứng khoán sẽ hiệu quả và đúng người đúng việc.

Hoàng Nam

tbktVn

Các tin tức khác

>   'Dốc tiền' vào đâu năm 2012? (10/01/2012)

>   Phát hành thêm dưới mệnh giá: Định vét tiền của cổ đông đến mức nào? (10/01/2012)

>   Chứng khoán đầu năm: Linh cảm xấu (10/01/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 10/01/2012 (10/01/2012)

>   10/01: Bản tin 20 giờ qua (10/01/2012)

>   NHN có thêm 1 phiên giao dịch “khủng” (09/01/2012)

>   Chứng khoán đầu năm 2012: Áp lực bán có giảm bớt? (09/01/2012)

>   Rầm rộ “chia tay” cổ phiếu Sacombank: REE có bán hớ? (09/01/2012)

>   HNX nghỉ 5 phiên giao dịch dịp Tết Nguyên đán (09/01/2012)

>   TTCK, đâu là điểm tựa? (09/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật