Chứng khoán đầu năm: Linh cảm xấu
Cho dù vào đầu tháng 2/2012 tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đưa vào áp dụng bộ chỉ số mới cho VNI và cũng có thể hạn chế được hình ảnh làm giá trên sàn này, thì nguy cơ làm giá mới lại có thể hiện hình trên HNX - nơi mà chưa ai nghĩ sẽ cần đến một bộ chỉ số mới.
Với chúng tôi, một linh cảm tệ hại đã hiện ra khi cả hai chỉ số VNI và HNX đều đậm sắc đỏ vào phiên giao dịch đầu tiên sau Tết dương lịch 2012.
Dù trong phiên giao dịch trên, hai sàn không giảm quá mạnh.
Nhưng như thế cũng đã là quá đủ nếu so sánh với phiên giao dịch đầu tiên sau Tết dương lịch năm 2011. Vào thời điểm ấy, dù HNX bị giảm nhẹ nhưng VNI vẫn được cho khoác cái áo màu xanh.
Đã rõ là vài phiên tăng điểm trước khi chuyển sang năm mới 2012 chỉ giống như một động tác làm khuây khỏa về tâm lý cho tuyệt đại đa số nhà đầu tư nhỏ lẻ đang bị đổ vỡ về tâm lý. Còn sau đó, đâu lại vào đấy.
Cũng rõ là cả hai chỉ số đang bị trôi trượt theo kiểu Hy Lạp.
Chúng ta còn có thể lấy thời kỳ thị trường vào giai đoạn năm 2002-2003 như một dẫn chứng về tiền lệ đã từng trôi trượt của TTCK Việt Nam.
So với các đây một tháng, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ lại đã lập đáy mới về giá. Lại một lần nữa, tình trạng đó chứng minh cho quan điểm "thấp không có nghĩa là không thể thấp hơn".
Khác với thời gian cách đây một năm, giờ đây những đoạn dao động ngang của chỉ số chỉ tổ làm cho cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ bị thiệt hại hơn là nhóm cổ phiếu lớn. Dù tưởng như mặt bằng giá đã giảm đến mức không tưởng và còn được "hỗ trợ" bởi một yếu tố khác là hiện tượng gần như cạn kiệt về thanh khoản, nhưng vào bất cứ một phiên giảm mạnh nào của chỉ số, đa số các cổ phiếu nhỏ vẫn sẵn lòng lao dốc khi lượng bán ùn ùn tăng lên.
Điều được gọi là "tâm lý hoang mang" của nhà đầu tư đã từ lâu trở nên một khái niệm lạc hậu. Mà các nhà xã hội học và tâm lý học còn thể dùng những hình dung từ ở cấp độ lớn lao và mạnh mẽ hơn để mô tả cho trạng thái tạm gọi là "đổ vỡ" này.
Câu chuyện "đã thấp không có nghĩa là không thể thấp hơn" cũng dẫn đến một khẳng định như đinh đóng cột: thị trường vẫn chưa lập đáy dài hạn. Nói cách khác, thị trường chỉ có những cái đáy ngắn hạn, được vẽ vời xung quanh bởi một cái gì đó giống như vùng đáy.
Nhưng tuyệt đối không phải là đáy.
Những chữ W và sau đó là chữ M vẫn liên tiếp hiện ra trên những cung đường trôi trượt của hai chỉ số. Chỉ có khác là thái độ của các công ty chứng khoán đã bi quan hơn hẳn so với tháng 9/2011. Trong những nhận định gần đây của họ, đã chẳng còn thấy nét phác thảo nào về chữ W nữa.
Không những thế, phiên giao dịch đầu năm 2012 lại còn chứng kiến mức thanh khoản tồi tệ kỷ lục ở sàn HNX - một kỷ lục mà chỉ có thể so sánh với thời điểm đáy khủng hoảng vào tháng 2/2009.
Giá vẫn giảm đều đặn, còn thanh khoản lại có xu hướng giảm mạnh hơn giá - điều đó có ý nghĩa gì?
Câu hỏi trên sẽ hoàn toàn dễ dàng được các công ty chứng khoán lý giải.
Bởi phía trước thị trường lại là một trong những cung đường chông gai nhất.
Chưa bao giờ Ủy ban chứng khoán nhà nước tỏ ra kiên quyết và hành động mau lẹ đến thế trong việc tái cấu trúc khối công ty chứng khoán - nhanh hơn rất nhiều lần so với yêu cầu chấn chỉnh hình ảnh méo mó của chỉ số VNI mà đáng lẽ ra đã phải được làm từ một năm rưỡi qua.
Đi cùng với triển vọng về một cuộc đại phẫu đang chờ chực, thị trường lại xuất hiện một mối lo khác: HNX bị làm giá.
Lần này, khi VNI đã được chấp nhận cho giảm mạnh hơn HNX trong một số phiên giao dịch, đã chỉ còn ACB là cổ phiếu có vốn hóa lớn ở sàn HNX được đem ra để "cân bằng" với đa số các cổ phiếu còn lại.
Tương tự BVH, MSN và VIC ở sàn HOSE, trong những phiên gần đây cổ phiếu ACB được đẩy lên khá mạnh, tạo nên hình ảnh "xanh vỏ đỏ lòng" ở HNX.
Nhưng nếu nhìn vấn đề theo quá trình của nó, chuyện chỉ số HNX méo mó cũng không phải điều bất ngờ. Chỉ có điều, sự làm giá này lại được đẩy mạnh vào thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, mà dễ làm cho nhà đầu tư suy diễn về một thời kỳ tối tăm mới đang được khởi đầu.
Có nghĩa là vẫn chưa có gì được gọi là kết thúc. Mọi chuyện vẫn đang ở phía trước, khó khăn vẫn còn nguyên vẹn.
Cho dù vào đầu tháng 2/2012 tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đưa vào áp dụng bộ chỉ số mới cho VNI và cũng có thể hạn chế được hình ảnh làm giá trên sàn này, thì nguy cơ làm giá mới lại có thể hiện hình trên HNX - nơi mà chưa ai nghĩ sẽ cần đến một bộ chỉ số mới.
Điều an ủi lớn nhất đối với HNX cho đến lúc này chỉ còn là chỉ số này đã giảm về sát mốc 55 điểm, tức mất gần 90% so với đỉnh của nó được thiết lập vào năm 2007 là 460 điểm.
"Ưu điểm" trên, nếu so với thời kỳ Đại khủng hoảng 1929-1932 của nền kinh tế Mỹ, thì có thể tạm kết luận là HNX có thể bắt đầu phục hồi như Dow Jones.
Nhưng ngay cả điều có thể được gọi là ưu điểm cũng không còn lợi thế của nó, khi cuộc đại phẫu công ty chứng khoán mới chỉ được bắt đầu.
Nếu không có gì "bất thường", quá trình kéo dài một cuộc đại phẫu như thế phải mất ít nhất là một năm.
Nếu không muốn nói có thể mất đến 24 tháng.
Làm sao thị trường có thể phục hồi khi "sứ mệnh tái cấu trúc" chưa được hoàn thành?
Cái Tết nguyên đán sắp tới không còn quá quan trọng với nhà đầu tư. Thời gian từ giờ đến đó còn quá ít - chỉ 10 phiên giao dịch - chẳng đủ để thị trường tự tạo nên một con sóng "phục hồi kỹ thuật" nào với giá trị 20%.
Thậm chí hy vọng cho sóng tăng 10% cũng còn là khó.
Chẳng lẽ những kẻ đã cống hiến cho thị trường một linh cảm rất xấu vào đầu năm dương lịch lại vẫn muốn làm cho nhà đầu tư nhỏ lẻ dự cảm về cái "rông" ngay trước và sau Tết nguyên đán 2012?
Việt Thắng
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|