Thứ Hai, 09/01/2012 20:01

Chứng khoán đầu năm 2012: Áp lực bán có giảm bớt?

(Vietstock) - Áp lực bán xuất phát từ “đáo hạn” và “tín dụng phi sản xuất” có thể đã dần vơi đi sau thời điểm 31/12. Áp lực nhu cầu tiền mặt hy vọng cũng giảm đi ít nhiều sau thời điểm tết âm lịch.

Áp lực bán đang ở mức cao

Có thể dễ dàng nhận thấy áp lực xả hàng trên thị trường đang ở mức cao, thông qua thống kê lệnh trong tuần giao dịch cuối cùng năm 2011 và tuần đầu năm 2012.

Chênh lệch khối lượng mua bán trên sàn HOSE trong 2 tuần vừa qua là -42 triệu đơn vị; trung bình lệnh mua là 2,961 đơn vị/lệnh, nhỏ hơn so với trung bình lệnh bán là 3,008 đơn vị/lệnh.

Trên HNX, chênh lệch khối lượng mua bán là gần -37 triệu đơn vị, số lệnh đặt mua nhỏ hơn số lệnh đặt bán 3,218 lệnh. Trung bình lệnh mua là 3,078 đơn vị/lệnh, nhỏ hơn khá nhiều so với trung bình lệnh bán 3,542 đơn vị/lệnh.

Khối ngoại chỉ bán ròng nhẹ, áp lực chủ yếu đến từ trong nước

Trong 2 tuần qua, khối ngoại bán ròng tổng cộng 296 tỷ đồng trên cả hai sàn, gồm bán ròng 338 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng 42 tỷ đồng trên HNX.

Tuy nhiên, cần chú ý đến giao dịch bán ròng mạnh đột biến của khối ngoại ở STB. Đáng chú ý nhất là phiên giao dịch ngày 27/11/2011, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 288 tỷ đồng mã cổ phiếu này.

Nếu loại trừ giao dịch của STB ở phiên giao dịch này thì rõ ràng áp lực “thoát hàng” từ khối ngoại là không đáng kể, khi họ chỉ bán ròng nhẹ 8 tỷ đồng trong vòng 2 tuần qua; gồm bán ròng 50 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng 42 tỷ đồng trên HNX.

Điều này đồng nghĩa với thực tế áp lực xả hàng chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước.

Áp lực từ “đáo hạn” và “dư nợ phi sản xuất 16%”

Càng tiến về thời điểm 31/12/2011 thì nhiệm vụ phải kéo giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất về dưới 16% tổng dư nợ ngày càng tăng cao. Với áp lực này thì rõ ràng các ngân hàng sẽ siết mạnh tay hơn trong việc thu hồi các khoản nợ trong danh mục phi sản xuất, điển hình là bất động sản và chứng khoán.

Áp lực đối với ngành bất động sản có thể thấy rõ nhất thông qua trường hợp PVL, khi công ty này đã phải đại hạ giá sản phẩm để mau chóng thu hồi nguồn vốn trả khoản nợ vay 100 tỷ đồng đến hạn. Đây là công ty đầu tiên trong ngành mạnh dạn thực hiện việc “sale off” này.

Trên thị trường thứ cấp, lượng hàng bán tháo cũng đang ngày một tăng lên. Mặc dù giá bán đã giảm mạnh từ 30-40% trong năm 2011, nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng thì việc tiêu thụ là không hề dễ dàng.

Vì vậy, nếu công ty hay cá nhân đang nắm giữ cổ phiếu thì việc bán ra để thu tiền mặt có thể xem như một giải pháp trong lúc nguy cấp.

Áp lực bán cổ phiếu xuất phát từ hoạt động giải chấp cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cũng là một tác nhân khiến thị trường tiếp tục sụt giảm.

Tính đến cuối tháng 08/2011, tổng dư nợ cho vay chứng khoán là 5,697 tỷ đồng. Mặc dù con số là không nhiều, nhưng với thanh khoản thị trường xuống thấp như hiện nay thì áp lực này quả là không nhỏ.

Bên cạnh đó, tại thời điểm cuối năm, không riêng gì các khoản nợ trong nhóm phi sản xuất, mà các doanh nghiệp và cá nhân cũng chịu chung áp lực các khoản nợ vay đến hạn trả nợ gốc.

Trong bối cảnh các kênh có thể tao ra nguồn tiền đều gặp khó khăn thì TTCK có thể là một cứu cánh. Những ai có cổ phiếu trong tay sẽ đẩy mạnh thanh lý để có nguồn tiền “đáo hạn” cho ngân hàng.

Áp lực “giải chấp” từ các CTCK

Thị trường tiếp tục trượt dài sau chuỗi tăng điểm ấn tượng trong thời gian đầu tháng 9/2011. Kể từ thời điểm đó đến nay thị trường đã sụt giảm 27.9%.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường đi xuống được giới đầu tư nhận định là “margin call” tăng mạnh ở các CTCK.

Điều này là hoàn toàn hợp lý, vì nhìn vào kết quả kinh doanh của các CTCK thì doanh thu khác (chủ yếu đến từ tiền lãi của hoạt động hỗ trợ đòn bẩy) vẫn đang là nguồn thu nhập chính.

Kết thúc quý 3/2011, “khoản phải thu” mà trong đó các khoản mục “phải thu khác” vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của các CTCK. Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2011, tổng “khoản phải thu” của 22 CTCK niêm yết trên sàn là 6,514 tỷ đồng, trong đó khoản mục “phải thu khác” lên tới 3,522 tỷ đồng.

Như vậy, khi thị trường sụt giảm liên tục thì việc bán “cưỡng bức” để thu hồi vốn là điều không thể tránh khỏi. Và nếu thị trường vẫn tiếp tục lao dốc mạnh thì nhiều khả năng “margin call” sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Nhu cầu tiền mặt cuối năm dương lịch và âm lịch

Việc thiếu đi dòng tiền tín dụng do chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến nhiều công ty thiếu hụt nguồn vốn hoạt động (nguồn vốn lưu động, tiền thưởng...). Đặc biệt trong năm nay, khi tết âm lịch và dương lịch diễn ra khá gần nhau thì nhu cầu tiền mặt càng tăng mạnh.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, việc tất toán các khoản đầu tư cổ phiếu (tài sản vẫn còn duy trì được tính thanh khoản) để giải quyết tình trạng cấp bách này cũng như để có nguồn tiền mặt “phòng thân” được nhiều cá nhân và tổ chức lựa chọn.

Điều này có thể dễ dàng được kiểm chứng thông qua việc xem xét tăng/ giảm của các khoản đầu tư ngắn hạn và dài hạn trong báo cáo kết quả quý 4/2011 và quý 1/2012.

Áp lực bán xuất phát từ “đáo hạn” và “tín dụng phi sản xuất” có thể đã dần vơi đi sau thời điểm 31/12. Áp lực nhu cầu tiền mặt hy vọng cũng giảm đi ít nhiều sau thời điểm tết âm lịch.

Hi vọng rằng với việc giảm bớt hai áp lực này thì thị trường sẽ có cơ hội hồi phục. Nếu điều đó trở thành hiện thực thì cũng sẽ giúp gánh nặng giải chấp từ nhóm CTCK vơi đi đáng kể.

Đức Nguyễn

Các tin tức khác

>   Rầm rộ “chia tay” cổ phiếu Sacombank: REE có bán hớ? (09/01/2012)

>   HNX nghỉ 5 phiên giao dịch dịp Tết Nguyên đán (09/01/2012)

>   TTCK, đâu là điểm tựa? (09/01/2012)

>   2011: Năm thất thu của các quỹ đầu tư (09/01/2012)

>   Cơ cấu lại TTCK: Tiền đề để tái cơ cấu DNNN (09/01/2012)

>   Chứng khoán và những ngày đông rét buốt (09/01/2012)

>   09/01: Bản tin đầu tuần (09/01/2012)

>   Sự kiện DNNY tuần 09 -13/01: SME ngừng môi giới và VCV hủy niêm yết (07/01/2012)

>   SME tiếp tục bị đình chỉ thêm 1 tháng (06/01/2012)

>   “Vũ điệu” nào cho chứng khoán? (06/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật