“Vũ điệu” nào cho chứng khoán?
TTTCK Việt Nam giao dịch hiện nay được xem là giai đoạn khó khăn nhất kể từ năm 2006 đến nay, thậm chí là giai đoạn khó khăn nhất từ lúc thành lập. Vậy, vào năm 2012 này, “vũ điệu” của thị trường sẽ sôi động hay vẫn tiếp đà ảm đạm?
Nếu như các năm trước chỉ cần một vài tín hiệu vĩ mô tốt là thị trường có các đợt sóng đánh lên, thì hiện nay thông điệp về giảm CPI, kèm theo sẽ là lãi suất giảm, cũng không hãm được đà giảm của thị trường vào những tháng cuối năm 2011. Tính đến ngày 14/12/2011, VN-Index đóng cửa ở mức 367,55 điểm, giảm tới 24% so với đầu năm. Trên sàn HNX-Index, tình hình còn diễn biến bi quan hơn. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/12/2011, HNXindex đóng cửa ở mức 59,64 điểm, mức thấp nhất trong lịch sử giao dịch của sàn HNX.
Ngoảnh đầu nhìn lại
Mặc dù mức sụt giảm quá mạnh, và đi ngược chiều với các chỉ số chứng khoán thế giới, nhưng nhiều chuyên gia không ngạc nhiên về tình hình này, bởi vì TTCK hiện nay đang phản ảnh những khó khăn chung của nền kinh tế và quan trọng hơn, đang thể hiện tất cả phản ứng của nhà đầu tư đối với những yếu kém, bất cập bản thân thị trường.
Nguyên nhân đầu tiên chính là sự thắt chặt tiền tệ của Chính Phủ và suy giảm tăng trưởng tín dụng. Trong nhiều năm, TTCK VN luôn dựa vào nguồn vốn từ ngân hàng để bơm – nhồi, tạo nên những đợt sóng tăng giá chứ ít khi dựa vào khả năng sinh lời từ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Với chủ trương kiềm chế lạm phát, Nghị quyết 11 của Chính Phủ đã giảm mạnh việc cung tiền bình quân trên 20%/năm xuống còn dưới 10% năm 2011, kèm theo đó tăng trưởng tín dụng từ 38% năm 2010 xuống dưới 15% năm 2011 và lãi suất huy động có lúc nên tới 18 – 20% đã làm tắc nghẽn dòng vốn tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, giá vàng năm 2011 tăng mạnh, đạt khoản 24% so với đầu năm, đem lại mức lời cao cho người nắm giữ vàng đã làm một nguồn vốn chuyển từ chứng khoán qua vàng, càng làm khó khăn thêm dòng vốn tham gia vào TTCK bị ảnh hưởng.
Bất động sản trì trệ, nhiều nhà đầu tư phải bán chứng khoán để trả nợ vay BĐS. Với sự trì trệ và suy giảm mạnh của thị trường BĐS, nhiều nhà đầu tư muốn thoát hàng để trả nợ ngân hàng cũng không bán được, hoặc phải bán giá rất thấp. Tình hình khó khăn của BĐS còn kéo dài chưa thấy lối ra, do vậy nhiều nhà đầu tư có nợ vay BĐS phải chấp nhận bán chứng khoán.
Và cuối cùng, sự thoái vốn mạnh của khối đầu tư nước ngoài làm nguồn cầu bị suy giảm mạnh. Với sự bất ổn của kinh tế vĩ mô, sự trì trệ của TTCK khiến khả năng đóng quỹ, rút vốn rất cao so với khả năng tiếp tục duy trì và huy động thêm quỹ mới. Do vậy, giai đoạn 6 tháng cuối năm 2011 đã ghi nhận sự bán cổ phiếu để chuẩn bị đóng quỹ khá mạnh, dù thị trường đi xuống không phải là lúc thích hợp bán ra.
Xu hướng nào cho năm 2012
Kinh tế thế giới năm 2012 sẽ không gặp cảnh tái suy thoái; các nền kinh tế phát triển sẽ có mức tăng nhẹ so với năm 2011. Ngoại trừ Trung Quốc có thể phải suy giảm để khắc phục lạm phát và bong bóng BĐS.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế VN năm 2012 có mức tăng trưởng vừa phải với GDP sẽ đạt 6,1%; nhiều khả năng Chính Phủ sẽ đưa CPI về mức dưới 12%; nhập siêu sẽ cải thiện hơn năm 2011 với mức 8 tỷ USD; chỉ số công nghiệp tăng tăng thấp hơn các năm và vào khoản 12%. Tuy nhiên vốn đầu tư nước ngoài chưa khả quan với mức giải ngân vốn FDI trong khoảng 7 tỉ USD.
Mặc dù BĐS rất khó khăn, đang trông chờ tín hiệu nới lỏng tiền tệ của Chính Phủ, tuy nhiên nhiều khả năng Chính Phủ vẫn quyết liệt ổn định kinh tế và từng bước tái cấu trúc theo hướng tăng trưởng bền vững. Do vậy, nhận định các chính sách và giải pháp của Chính Phủ trong năm 2012 vẫn thiên về kiểm soát tiền tệ, chuyển hướng dòng vốn vào khu vực nông nghiệp và sản xuất, hạn chế dòng vốn vào BĐS với mức tăng trưởng tín dụng dự kiến trong khoảng 15 – 17%.
Với nhận định trên thì BĐS sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2012, còn nhiều khả năng giá vàng thế giới sẽ không còn duy trì mức tăng như năm 2011, cộng thêm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ không còn là kênh hấp dẫn, lãi suất huy động cũng từng bước giảm về 12%. Như vậy, kênh chứng khoán vừa có những khó khăn chung về sự thắt chặt tiền tệ và tình hình kinh doanh của DN vẫn phải nỗ lực vượt khó. Nhưng ngược lại, các kênh đầu tư khác đều kém hấp dẫn, trong khi kênh chứng khoán sẽ trực tiếp hưởng lợi sớm nhất từ sự ổn định dần dần của nền kinh tế, cộng thêm giá chứng khoán đã thấp kỷ lục vào cuối năm 2011.
Điều này cho thấy nhiều khả năng chứng khoán khó khăn trong 2 quý đầu năm và có đợt tăng đầu quý 3/2012. Trong giai đoạn đầu năm 2012, do nền kinh tế đang khắc phục các vấn đề nợ xấu của NH, nguồn vốn vẫn hạn chế và thiếu vắng dòng vốn nước ngoài nên TTCK vẫn tiếp tục tiếp tục khó khăn, tuy nhiên khả năng ngưng giảm và đi ngang sẽ xuất hiện vào cuối quý 1, và tình hình sẽ được cải thiện vào cuối quý 2 khi lãi suất huy động thực sự giảm về dưới 12% cùng với CPI được kiểm soát tốt. Với diễn tiến này cùng với sự thiết lập được cơ chế dẫn vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nông nghiệp và tiêu dùng thì Chính Phủ sẽ có đợt cung tiền ra để hỗ trợ kinh tế phát triển, giai đoạn này sẽ giúp chứng khoán có động lực đi lên vào đầu quý 3/2012, mặc dù đà tăng không thật sự mạnh mẽ.
Do vậy giai đoạn quý 1/2012 là cơ hội tốt cho việc đầu tư mua vào. Nêu ưu tiên đầu tư những cổ phiếu các ngành sản xuất kinh doanh có doanh số tốt như xuất khẩu thuỷ sản, sản xuất công nghiệp, hàng tiêu dùng, thương mại với giá đã giảm sâu vào cuối năm 2011 sẽ có cơ hội thu lợi nhuận tốt vào quý 3/2012.
TS Đinh Thế Hiển
diễn đàn doanh nghiệp
|