Thứ Năm, 05/01/2012 06:24

Nhà đầu tư chứng khoán muốn gì ở Bộ trưởng Huệ?

Không phải ngẫu nhiên mà TTCK lại đạt được sức tăng trưởng vượt bậc từ giữa năm 2006 đến quý I/2007, hoặc trong 10 tháng đầu năm 2009... Do cái gì?

Tất cả vẫn chỉ là "định hướng"

Không phải Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), mà Bộ Tài chính - cơ quan chủ quản của ủy ban này - đã lần đầu tiên "đăng đàn" trước giới đầu tư cổ phiếu Việt Nam về những vấn đề liên quan mật thiết đến số phận của thị trường chứng khoán (TTCK).

Lần đầu tiên kể từ thời điểm nhậm chức vào tháng 8/2011, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã tạo nên sự chú ý đối với giới đầu tư bởi việc đề cập trực tiếp đến một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho TTCK.

Theo bộ trưởng Huệ, các giải pháp cụ thể được nêu chi tiết trong Đề án tái cấu trúc TTCK mà Bộ Tài chính vừa hoàn chỉnh và trình Chính phủ xem xét, thông qua để làm cơ sở triển khai từ năm 2012.

Như để "trấn an" giới đầu tư nhỏ lẻ vốn đang hoang mang đến tận cùng trước triển vọng hoàn toàn mờ mịt của thị trường, bộ trưởng Huệ cũng cho biết là trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính và UBCKNN đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường trong thời gian gần đây. Chẳng hạn như việc ban hành Thông tư 183/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở.

Hình thức quỹ mở được xem là một dạng thái hoàn toàn mới đối với định chế TTCK Việt Nam. Tập tài liệu dày tới 200 trang này đã trở nên một trong những văn bản đồ sộ nhất từ trước tới nay của khối cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán.

Vào tháng 12/2011, khi bản thông tư về quỹ mở của Bộ Tài chính ra đời, đã xuất hiện những ý kiến cho rằng động tác này là một cứu cánh cho TTCK. Bởi thị trường này đang không chỉ phải đối mặt với nhiều làn sóng giảm giá, mất thanh khoản cả trong giao dịch niêm yết lẫn của khối công ty chứng khoán, mà trong năm 2012 còn phải đối phó với một làn sóng nguy hiểm khác: khả năng thoái vốn đến 25.000 tỷ đồng của các quỹ đóng.

Tuy nhiên như toàn giới đầu tư đã thấy, từ khi thông tư về quỹ mở ra đời, thị trường vẫn chẳng có chút khởi sắc nào. Giống như viên sỏi được ném xuống mặt hồ chỉ tạo nên vài vòng sóng lao xao, sau đó đâu lại vào đấy.

Vậy thì sẽ còn những "chiêu" gì khác để có thể làm hồi sức cho một TTCK vốn đang trong trạng thái "chết lâm sàng"? Phải chăng đó là Đề án về quản lý vốn đầu tư gián tiếp? Theo bộ trưởng Huệ, đề án này cũng đã được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, qua đó tạo cơ sở thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, đồng thời quản lý có hiệu quả hơn dòng vốn gián tiếp.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đang chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu để đảm bảo tính thống nhất về tổ chức giao dịch cho thị trường.

Và để góp phần nâng cao số lượng và đặc biệt là chất lượng hàng hoá cho TTCK, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư, thị trường lại cần đến... Đề án tái cấu trúc DNNN. Cũng theo bộ trưởng Huệ, đề án này đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ cho ý kiến lần cuối trước khi trình Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị xem xét.

Tuy nhiên cũng cần chú ý về tính dài hạn của Đề án tái cấu trúc DNNN. Theo dự thảo Đề án, sẽ hoàn thành cơ bản tái cấu trúc DNNN trong giai đoạn 2012 - 2015 và tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2016 - 2020.

Nghĩa là đề án này sẽ chỉ tác động đến TTCK sớm nhất sau 3 năm nữa.

Còn trước mắt, các nhà đầu tư - những người chỉ có thói quen quan tâm đến hiệu quả ngắn hạn, đến việc "trading" theo kiểu lướt sóng - sẽ nhận được gì?

Giới đầu tư muốn gì?

"Với niềm tin kinh tế vĩ mô sẽ sớm khởi sắc và các giải pháp quyết liệt hỗ trợ TTCK đã và đang được thực thi, thị trường sẽ dần vượt qua khó khăn để phát triển ổn định hơn trong năm 2012" - bộ trưởng Vương Đình Huệ phác thảo bức tranh "trading trung hạn".

Nhưng bức tranh về thị trường mới chỉ được sơ phác trên đã không làm cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các quỹ đầu tư và khối công ty chứng khoán hài lòng. Nhiều ý kiến lại cho rằng Bộ Tài chính và UBCKNN mới chỉ nêu ra những định hướng và giải pháp chung chung mà chưa có lấy một giải pháp cụ thể nào để ngay lập tức xốc dậy thị trường.

Tình hình hiện nay, trong cách nhìn riêng của giới đầu tư chứng khoán, là còn trên cả nguy hiểm. Tạm gác qua điều được coi là vấn nạn thua lỗ đến 70-80% của nhà đầu tư nhỏ lẻ, bản thân nhiều công ty chứng khoán cũng đang trong đà lao dốc hệt như đồ thị của chỉ số thị trường, và không có gì chắc chắn là phần lớn công ty chứng khoán sẽ tồn tại được thêm nửa năm nữa, chưa nói đến sự kéo dài quá trình thở oxy đến hết năm 2012.

Thế nên câu hỏi then chốt mà toàn thể thị trường đang hết sức mong chờ được giải đáp là tiền ở đâu, từ nguồn nào, và tốt hơn nữa là sẽ có khoảng bao nhiêu tiền để có thể đẩy mặt bằng giá cổ phiếu lên.

Một bài học đáng giá cho TTCK là thị trường bất động sản. Trong gần nửa cuối năm 2011, bất chấp hàng loạt cơ chế, hệ thống tuyên truyền và các chiêu trò khuyến mãi được tung ra, tình hình giao dịch nhà đất ở cả hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM vẫn  không sao khả quan hơn được.

Nguyên nhân chính của sức ì kinh khủng trên là sự thiếu vắng dòng tiền đủ lực, trong đó có dòng tiền nóng.

Không phải ngẫu nhiên mà thị trường bất động sản Hà Nội lại sôi trào trong hai năm 2009-2010. Cũng không phải ngẫu nhiên mà TTCK lại đạt được sức tăng trưởng vượt bậc từ giữa năm 2006 đến quý 1/2007, hoặc trong 10 tháng đầu năm 2009.

Tất cả đều phải có sự tham gia của một nguồn tiền có đủ thực lực. Và tiên quyết là dòng tiền nóng của giới đầu cơ.

Đơn giản là nếu có không có dòng tiền đầu cơ, dù không còn ai muốn bán nhưng thị trường cũng không làm sao "cất cánh" nổi - như một "quy luật" bất di bất dịch của TTCK Việt Nam từ thuở khai sinh lập địa đến nay.

Vậy nên có thể hiểu: điều mà giới đầu tư chứng khoán đang muốn bộ trưởng Vương Đình Huệ giải đáp là khi nào, trên cơ sở nào sẽ xuất hiện nguồn tiền xã hội và dòng tiền đầu cơ.

Tuy vậy, có vẻ là quá khó cho Bộ Tài chính để thỏa mãn câu hỏi trên. Trả lời phỏng vấn một tờ báo chuyên ngành chứng khoán, bộ trưởng Huệ chỉ nêu khái quát: Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tình hình TTCK hiện tại, cũng như đề xuất các giải pháp tổng thể để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Trong đó, nêu cụ thể các giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa ngành tài chính với Ngân hàng nhà nước trong việc quản lý và thúc đẩy TTCK phát triển.

Với cách trả lời trên, hiển nhiên người ta nhận ra cái cốt lõi tín dụng cho TTCK vẫn còn là ẩn số. Ẩn số này sẽ tồn tại đến bao lâu nữa mới được "minh bạch hóa", thì lại tiếp tục là một ẩn số khác.

Quanh đi quẩn lại, vẫn là câu hỏi "Dòng tiền đầu cơ ở đâu?" mà Bộ Tài chính và có lẽ cả Ngân hàng Nhà nước chưa biết làm sao để thỏa mãn cho giới đầu tư chứng khoán.

Việt Thắng

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Chứng khoán 2012: Có gì được gọi là cơ hội (05/01/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 05/01/2012 (05/01/2012)

>   05/01: Bản tin 20 giờ qua (05/01/2012)

>   NBW chiếm gần nửa giao dịch trên UPCoM (04/01/2012)

>   Khi tay chơi chính cùng kiệt (04/01/2012)

>   Hủy niêm yết: Ai lợi? (04/01/2012)

>   Thuốc gì chữa bệnh mất niềm tin? (04/01/2012)

>   Chứng khoán còn nhiều “vùng đất sống” (04/01/2012)

>   04/01: Bản tin 20 giờ qua (04/01/2012)

>   Chứng khoán Trường Sơn chấm dứt tư cách thành viên tại HOSE (03/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật