Thứ Tư, 04/01/2012 15:04

Khi tay chơi chính cùng kiệt

Liệu thị trường chứng khoán có khởi sắc trong năm 2012 khi các công ty chứng khoán - những tay chơi chính trên thị trường - đã kiệt sức sau một năm đầy thương tích?

11h40 ngày 30.12.2011 trên sàn chứng khoán Thăng Long ở đường Kim Mã, Hà Nội. Chuyên viên môi giới Trần Đông Phong ngồi lặng lẽ nhìn bảng điện tử dù phiên giao dịch cuối cùng của năm đã đóng cách đó 40 phút. Anh đang hồi tưởng lại một năm chiến đấu vừa qua. Không nói cũng rõ, lỗ là đương nhiên.

Chốt lại ngày giao dịch cuối cùng của năm 2011, cả 2 sàn đều tăng điểm nhưng năm qua là một năm mất mát của thị trường chứng khoán. VN-Index đã mất 133,11 điểm, giảm 27,46%, trong khi HNX-Index bốc hơi 55,5 điểm, giảm 48,58% so với ngày 31.12.2010, mức sụt giảm được đánh giá là chỉ đứng sau chỉ số chứng khoán của Hy Lạp và Cyprus trong năm 2011. Thử nghĩ ai có thể lội ngược dòng trong những tháng ngày gian khó như vậy?

Năm 2010, thị trường chứng khoán cũng suy giảm, song những đợt sóng lên xuống vẫn tạo được hưng phấn nhất định cho nhà đầu tư. Nam phụ lão ấu vẫn chịu khó đến sàn, hoặc chí ít cũng đến chờ cơ hội để mua bán. Còn năm qua, từng đợt nhà đầu tư ít ỏi còn lại lần lượt ra đi không kèn không trống. Những người còn ngồi lại trên sàn hầu hết là các nhân viên môi giới làm tại công ty chứng khoán.

Các nhà môi giới thua lỗ chính là hình ảnh thu nhỏ cho một bộ phận quan trọng hơn của sân chơi chứng khoán: các định chế môi giới trên thị trường, mà ở đây cụ thể là công ty chứng khoán. Thống kê sơ bộ cho thấy năm 2011, thanh khoản của thị trường sụt giảm mạnh. Giá trị giao dịch bình quân chỉ bằng khoảng 40% mức bình quân của thị trường năm 2010. Giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ đạt 500-600 tỉ đồng, trong khi ở thời kỳ đỉnh điểm, con số này có thể lên đến trên 5.000 tỉ đồng/phiên. Điều này đồng nghĩa với hiệu quả hoạt động môi giới của khối công ty chứng khoán giảm sút nghiêm trọng.

Cùng với đó là thua lỗ từ mảng tự doanh. Tuy phải đến ngày 15.1.2012 các báo cáo tài chính mới đến hạn phải công bố lên 2 sở giao dịch chứng khoán, nhưng theo thống kê chưa đầy đủ, có tới gần 80% công ty chứng khoán thua lỗ trong năm 2011.

Vụ Công ty Chứng khoán SME và Công ty Chứng khoán Tràng An bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cảnh cáo vì mất khả năng thanh toán cho các giao dịch là đỉnh điểm của nỗi ê chề đối với các công ty chứng khoán trong năm qua. Nhiều công ty đã rơi vào tình trạng lỗ ăn vào cả vốn chủ sở hữu.

Để cắt giảm chi phí hoạt động, không ít đơn vị phải bỏ một số nghiệp vụ, trong đó có mảng môi giới, một trong những nghiệp vụ cơ bản nhất của một công ty chứng khoán. Mới đây nhất là việc Công ty Cổ phần Chứng khoán Hà Nội quyết định dừng nghiệp vụ môi giới chứng khoán kể từ ngày 9.12.2011. Hàng loạt công ty chứng khoán cũng đã phải dẹp bớt chi nhánh hoặc chuyển trụ sở từ khu vực trung tâm về nơi xa xôi ngóc ngách hơn.

Có thể thấy những tay chơi lớn ngày nào từng góp phần làm thay đổi cục diện thị trường nay đang chật vật xoay xở để có thể tồn tại, chờ ngày thái lai mà không biết bao giờ mới đến. Công ty chứng khoán là một trong những nhân tố quan trọng nhất của thị trường chứng khoán, nhưng nay nhân tố ấy đã suy kiệt cả thể xác lẫn tâm hồn. Với thể xác và tinh thần ấy, liệu có thể hy vọng họ sẽ dẫn dắt một lối chơi có sinh khí hơn cho năm 2012? E rằng rất khó, nếu không có một cú hích thực sự nào từ bên ngoài.

“Sẽ khó có ai cứu được các công ty chứng khoán. Họ sẽ phải tự xoay xở để tồn tại. Lượng công ty chứng khoán hiện nay là quá nhiều và có lẽ cơ quan chức năng muốn nhân dịp này dọn dẹp bớt, chỉ để lại một số công ty thực sự mạnh”, lãnh đạo một công ty chứng khoán (không muốn nêu tên) nhận xét.

Số lượng hơn 100 công ty chứng khoán của Việt Nam được cho là quá nhiều so với quy mô thị trường. Một số ý kiến cho rằng chỉ một nửa, thậm chí ít hơn, là đủ. Trung Quốc trước đây có đến 2.000 công ty chứng khoán, nhưng nay giảm xuống còn khoảng hơn 100 công ty. Thái Lan cũng chỉ có hơn 50 công ty chứng khoán so với trên 200 công ty trước đây.

Hồng Quý

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Hủy niêm yết: Ai lợi? (04/01/2012)

>   Thuốc gì chữa bệnh mất niềm tin? (04/01/2012)

>   Chứng khoán còn nhiều “vùng đất sống” (04/01/2012)

>   04/01: Bản tin 20 giờ qua (04/01/2012)

>   Chứng khoán Trường Sơn chấm dứt tư cách thành viên tại HOSE (03/01/2012)

>   Ai ăn Tết và ai "ăn" cổ phiếu? (03/01/2012)

>   Chứng khoán nghỉ tết đến tháng 6 (03/01/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 03/01/2012 (03/01/2012)

>   Tương lai của công ty chứng khoán tại Việt Nam (03/01/2012)

>   Đợt tăng điểm sẽ kéo dài bao lâu? (03/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật