Thứ Ba, 03/01/2012 07:30

Đợt tăng điểm sẽ kéo dài bao lâu?

(Vietstock) - Có những dấu hiệu khá rõ ràng, được bắt nguồn từ tháng cuối của năm Con Mèo, cho thấy thị trường đang bước vào năm Con Rồng với sự chuyển biến đi lên. Kịch bản “Tết nguyên đán” tái hiện chăng?

Não trạng của MMs đã thay đổi?

Không tính đến giai đoạn trả giá của thị trường vào cuối năm 2007, kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008, khoảng thời gian cận Tết năm 2010 và 2011 đều mang lại một cảm giác vừa ấm áp vừa hy vọng cho nhà đầu tư. Thị trường nếu không tăng khá thì cũng được giữ ở thế tương đối cân bằng chứ không đến nỗi làm bật lên tiếng kêu khóc.

Thời gian cận Tết năm 2012 cũng có một nét tương tự với hai năm trước. Có một cái gì đó đã thay đổi và được quyết định trong não trạng của những người điều khiển thị trường, hay còn gọi tắt là MMs, vào những ngày cuối năm 2011.

Con Rồng là một điềm báo may mắn trong lá số tử vi, kể cả trong lĩnh vực thiên văn học chứng khoán. Phải chăng điều này đang trở nên một đặc thù trong tâm lý của MMs?

Từ trước đến nay, giới phân tích vẫn chỉ thường quan tâm đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu nhỏ lẻ. Nhưng khía cạnh nhà đầu tư lớn, cực lớn, với chiều sâu não trạng của họ, lại chưa mấy được đề cập.

Trong khi đó, từ giữa năm 2006, đã có sự hiện hữu rõ nét của nhóm MMs trong TTCK Việt Nam. Cũng đã có những xác nhận không chính thức về sự có mặt của một dòng tiền nóng từ nước ngoài mà nhờ đó đã đẩy bật thị trường lên gấp 3 lần vào quý 1 năm 2007.

Kể từ đó, không thể phủ nhận vai trò dẫn dắt, kể cả lũng đoạn thị trường của nhóm MMs.

Nhưng 5 năm qua lại được chia khá đều thành 2 giai đoạn thời gian: chu kỳ tăng điểm và chu kỳ giảm điểm. Nếu vai trò của nhóm MMs đã trở thành động lực chính cho việc tăng điểm, thì bắt đầu từ tháng 8/2011, nhóm này lại chơi một con bài quá độc đáo: biến thị trường thành nạn nhân của hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” trong gần một năm rưỡi qua.

Một chiến dịch đánh xuống đã được tổ chức một cách đầy công phu và tinh vi là điều không thể phủ nhận. Nhưng cũng như những đặc điểm có tính quy luật của sóng suy giảm trung hạn và có thể cả dài hạn, vẫn có những phiến đá với kích cỡ khác nhau ngăn cản tạm thời đà đổ dốc của cỗ xe chứng khoán.

Năm 2011, đã có hai phiến đá được nhóm MMs dựng lên - vào giữa năm và vào quý 3. Cả hai lần, nhiều nhà đầu tư và cả những công ty chứng khoán có thương hiệu nổi tiếng đều bị mắc lỡm khi tin đó là đáy dài hạn của thị trường.

Điều hành linh hoạt và uyển chuyển?

Còn với đợt tăng điểm “bất ngờ” lần này, một đợt tăng có thể tính vào năm Con Mèo, hoặc lạc quan hơn thì cho năm Con Rồng, sẽ cần được suy đoán ra sao?

Một đặc điểm nổi bật của đợt tăng lần này, hoàn toàn không khác với đợt tăng điểm vào giữa năm 2011, là giai đoạn trước khi tăng cũng được đặc trưng bởi hàng loạt phiên lao dốc của thị trường, cùng với tình cảnh đổ vỡ niềm tin lan rộng của nhà đầu tư.

Và cũng rất “khớp” với đợt tăng giữa năm 2011, vào cuối tháng 12/2011 vừa qua, người lãnh đạo cao nhất của Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) cũng ra “tuyên cáo” về việc mua lại 5 triệu cổ phiếu HAG. Số tiền dùng để mua lại cổ phiếu lần này gần bằng giá trị mua 3 triệu cổ phiếu HAG cũng do ông Đoàn Nguyên Đức đưa ra vào thời điểm cuối tháng 5/2011: khoảng 80 tỷ đồng so với khoảng 100 tỷ đồng.

Nếu có thể nhớ lại, sau động thái mua lại cổ phiếu của ông Đức, thời điểm cuối tháng 5/2011 cũng chứng kiến một loạt doanh nghiệp khác đưa ra những phát ngôn tương tự. Tính chất đồng loạt như thế càng dễ làm cho nhà đầu tư nhỏ lẻ tin vào một sự thay đổi quan trọng theo chiều hướng tích cực đã bắt đầu.

Vào lần này, tiếp theo HAG, Tập đoàn Tân Tạo (HOSE: ITA) cũng đã đưa ra sự hứa hẹn sẽ mua vào đến 10 triệu cổ phiếu ITA của mình.

Một hình ảnh “điều hành linh hoạt và uyển chuyển” chăng?

Dù suy diễn như thế nào thì kết quả những ngày cuối năm 2011 cho thấy thị trường đi lên một cách kỳ diệu, làm sống lại kỳ vọng cho nhà đầu tư về một cái Tết, nếu không phải là “lấy lại những gì đã mất” thì cũng không đến nỗi mất hết những gì còn lại.

Có những dấu hiệu khá rõ cho thấy, bắt nguồn từ tháng cuối của năm Con Mèo thị trường đang bước vào năm Con Rồng với sự chuyển biến đi lên. Vẫn còn khoảng 13-14 phiên giao dịch nữa - đủ cho nhóm MMs hoàn thành “sứ mạng” được đề ra.

Nhưng sự chuyển biến đó lại hoàn toàn có chủ đích.

Nếu có thể nhìn xa hơn nữa về quá khứ, khoảng thời gian cuối năm 2008 cũng chứng kiến một đợt tăng điểm khiêm tốn của thị trường. Vào thời gian đó, chỉ số VNI đã mất đến 70% so với giá trị đỉnh của nó vào năm 2007. Rất nhiều cổ phiếu đã giảm rất sâu, nhiều nhà đầu tư đã phải trả lại tất cả những gì đã thu được từ thời hoàng kim trước đó.

Chính sự trả giá khủng khiếp như thế mà đã khiến người ta dễ suy tưởng về một cái đáy dài hạn hoặc cận kề đáy dài hạn của thị trường. Dù sau Tết 2009, thị trường tiếp tục đi xuống rồi lao dốc.

Cần chú ý rằng cuối 2008 bối cảnh cũng gần giống như hiện nay, khi tình hình kinh tế ngập tràn khó khăn và chưa thấy một lối thoát khả dĩ nào.

Chỉ có điều, vào tháng 12/2008, Chính phủ đã lần đầu tiên ban hành một gói kích cầu có giá trị đến 8 tỷ USD. Chính động thái rất đặc biệt này đã vực dậy TTCK trong 3 tháng sau đó.

Còn vào thời gian cuối năm 2011 và đầu năm 2012, sự khác biệt cơ bản với năm 2008 đang diễn ra, khi ở Việt Nam vẫn chưa xuất hiện gói kích cầu nào cả. Trong khi đó, thực trạng hoạt động của khối công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư còn vượt trên cả mức thảm họa của năm 2008. Mặt bằng giá của rất nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đã phá, thậm chí phá sâu mức thiết lập của nó vào đáy khủng hoảng tại tháng 2/2009.

Tái hiện kịch bản “Tết nguyên đán”?

Vậy thì do đâu, từ động lực nào để có thể khẳng định hay dự báo về chuyện thị trường đã lập đáy dài hạn vào cuối tháng 12/2011?

Cũng như những lời khẳng định thị trường đã lập đáy dài hạn vào tháng 8/2011 của một số chuyên gia nước ngoài và công ty chứng khoán đã trở nên vô nghĩa chỉ vài tháng sau đó.

Hay cũng giống như đợt tăng bất ngờ vào quý 3/2011, tức thị trường phản ứng trước với thông tin giảm lãi suất (thực chất chỉ là thiết lập lại trần lãi suất 14%/năm của Ngân hàng nhà nước), để sau khi những tin tức tích cực được công bố, thị trường lại chìm trong sắc đỏ?

Những nhận định xuất hiện gần đây nhất của một số chuyên gia kinh tế và chứng khoán vẫn cho thấy điểm rơi sớm nhất, nếu có thể gọi như vậy, của chỉ số chứng khoán sẽ chỉ nằm vào quý 2/2012. Khi đó, tình hình vĩ mô có thể trở nên sáng sủa hơn, và cùng với xu thế giảm lạm phát và giảm lãi suất như một sự cộng hưởng, chứng khoán mới bắt đầu nhìn thấy tia sáng le lói.

Điều đó cũng có nghĩa là trong tình hình hiện nay, dù đang có những dấu hiệu cho thấy sẽ có một “kịch bản Tết nguyên đán”, nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn nên “hạn chế các quyết định bắt đáy”.

Rủi ro đang chực chờ ở phía trước vẫn chưa được kéo giảm, nếu không muốn nói là còn lớn hơn. Và có thể cũng gần tương tự như đợt tăng sát Tết năm 2009 hay gần Tết hai năm 2010 và 2011, thị trường sẽ chỉ biến động lên không quá vài ba ngày sau Tết, với biên độ khoảng 10-12%, đủ cho các tổ chức có thể xả hàng với giá khá tốt.

Hạ Xuyên

Các tin tức khác

>   Bản tin đầu năm (03/01/2012)

>   Sự kiện DNNY tuần 03-07/01: DN đầu tiên tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2012 (02/01/2012)

>   Top 5 DNNY có hoạt động Quan hệ Nhà đầu tư tốt nhất 2011 (02/01/2012)

>   Năm 2011, vốn hóa thị trường mất hơn 10 tỷ USD (02/01/2012)

>   Cả năm 2011, khối ngoại bán ròng 18 triệu cp (01/01/2012)

>   “Máy ngốn tiền” của CTCK (30/12/2011)

>   Siết tiền tệ, doanh nghiệp niêm yết nào sẽ hưởng lợi? (01/01/2012)

>   Tuần cuối năm 2011: Khối ngoại bán ròng 334 tỷ đồng trên HOSE (30/12/2011)

>   100 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2011 (30/12/2011)

>   Năm 2011, HNX-Index vào top 3… giảm mạnh nhất thế giới (30/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật