Chủ Nhật, 01/01/2012 13:44

Cả năm 2011, khối ngoại bán ròng 18 triệu cp

(Vietstock) – Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại một năm đầy vất vả, không chỉ đối với nhà đầu tư trong nước mà ngay cả những nhà đầu tư nước ngoài vốn dày dạn kinh nghiệm cũng cùng chung số phận.

Với sự ảm đạm của thị trường từ tháng 5 trở đi, chiến lược giao dịch của khối ngoại trên cả hai sàn thay đổi hẳn so với năm 2010.

Những phiên bán ròng của năm 2011 chiếm áp đảo so với năm trước. Thống kê cho thấy, khối ngoại đã bán ròng 208 phiên, HOSE chiếm có 111 phiên và HNX là 97 phiên. Trong khi đó, năm 2010, trên cả hai sàn chỉ có tổng cộng 123 phiên bán ròng.

Khối lượng lẫn giá trị giao dịch của những nhà đầu tư nước ngoài cũng có sự thay đổi đáng kể. Đặc biệt tại sàn HOSE, khi năm 2011 thị trường xuất hiện các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) chuyên đi “đánh” các mã bluechips, có sức ảnh hưởng lớn đến VN-Index. Điều này làm cho VN-Index bị bóp méo đến cực độ. Nhà đầu tư hoang mang về xu hướng của thị trường, khi mà tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” cứ liên tục xảy ra. Nhà quản lý thì đau đầu để tìm ra hướng giải quyết.

Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” thể hiện rõ nét nhất ở giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán 2011, với lực cầu của khối ngoại tập trung vào các chủ chốt tại sàn HOSE như BVH, MSN, VIC, VPL, VNM… khiến VN-Index tăng vọt 7.8% từ 484.66 điểm vào ngày 31/12/2010 lên mức 522.59 điểm vào ngày 9/02/2011, trong khi hầu hết các mã cổ phiếu khác trên sàn đều đứng giá hoặc giảm nhẹ.

Tổng cộng 21 phiên từ 04/01/2011 – 09/02/2011, khối ngoại chỉ bán ròng phiên duy nhất vào ngày 12/01/2011 với giá trị gần 64 tỷ đồng.

Tương tự, trên sàn Hà Nội, các nhà đầu tư ngoại cũng mua ròng liên tục 23 phiên và cũng chỉ bán ròng 1 phiên vào ngày 12/01/2011 với giá trị hơn 7 tỷ đồng.

Như vậy, với chuỗi mua ròng liên tục trong hai tháng đầu năm cho thấy ngay cả nhà đầu tư nước ngoài cũng kỳ vọng rất lớn vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và kinh tế vĩ mô cho cả năm 2011. Tuy nhiên những gì diễn ra sau đó đều năm ngoài dự báo của các chuyên gia và nhà đầu tư.

Thời gian còn lại của năm, mặc dù kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều bất ổn nhưng khối ngoại vẫn có những đợt mua ròng liên tục ứng với những giai đoạn biến động nhất định của thị trường. Đợt mua ròng hơn 40 phiên tại HOSE và gần 50 phiên tại HNX từ tháng 3 đến tháng 6 cho thấy nỗ lực bắt đáy theo chiến lược mua đỏ bán xanh của các nhà đầu tư ngoại khi thị trường lao dốc trước sức ép của chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất tăng cao.

Giai đoạn này VN-Index đã mất gần 26% điểm số tính từ đỉnh 522.59 được thiết lập ngày 09/02 xuống mức đáy là 386.36 điểm. Và HNX-Index đã rơi tọt xuống mức đáy đầu tiên của năm là 69.01 điểm.

Những đợt mua ròng tiếp sau đó chỉ diễn ra ngắn ngủi trong vòng chưa đến 2 tuần, và khối lượng lẫn giá trị mua ròng hầu hết đều ở mức thấp. Thay vào đó, khối ngoại luôn tận dụng những đợt tăng điểm mạnh của thị trường ra sức xả hàng với những phiên bán ròng liên tục tháng 8, tháng 9, tháng 11 và nữa đầu tháng 12.

Tính chung cả năm, khối ngoại bán ròng gần 47.28 triệu đơn vị tại HOSE, nhưng về giá trị lại mua ròng xấp xỉ 1,130 tỷ đồng. Trung bình mỗi phiên họ bán ròng 183 ngàn đơn vị và mua ròng gần 5 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm trước, giá trị mua ròng đã giảm đến 14 lần. Cụ thể, năm 2010 họ đã mua ròng đến 264 triệu đơn vị và xấp xỉ 15,322 tỷ đồng. Lượng mua ròng trung bình mỗi phiên là trên 1 triệu đơn vị, và hơn 62 tỷ đồng.

Tại sàn Hà Nội, nhà đầu tư nước ngoài mặc dù mua ròng tăng đáng kể so với năm trước, nhưng giá trị lại sụt giảm mạnh. Cụ thể họ mua ròng 29.32 triệu đơn vị, giảm 19.26% so với năm trước. Giá trị mua ròng đạt 655 tỷ đồng, giảm 21%. Tổng cộng trong năm vừa qua, khối ngoại bán ròng gần 18 triệu đơn vị, nhưng lại mua ròng hơn 1,784 tỷ đồng.

Động thái bán ròng khá lớn trong năm 2011 đã khiến nhiều người liên tưởng đến một viễn cảnh thoái vốn của khối ngoại trong năm 2012 khi mà các quỹ đầu tư đến hạn đóng quỹ. Con số thống kê chưa chính thức được tiết lộ trên thị trường lên đến 25,000 tỷ đồng làm cho nhà đầu tư hết sức hoang mang.

Tuy nhiên, ngay sau đó cơ quan quản lý đã đứng ra đính chính con số này là không có cơ sở. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã cho phép thành lập quỹ mở, được xem là một biện pháp hỗ trợ cho thị trường chứng khoán năm 2012. Trước diễn biến này, một số quỹ đầu tư danh tiếng đang có mặt tại Việt Nam cũng lên tiếng khẳng định cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam, đồng thời để ngõ khả năng chuyển đổi các quỹ đầu tư hiện tại sang quỹ mở nhằm giữ nguồn vốn gián tiếp ở lại Việt Nam.

Những cam kết này đã phần nào giúp nhà đầu tư yên lòng trước nguy cơ thoái vốn ồ ạt của các quỹ ngoại. Tuy nhiên, việc cho phép thành lập quỹ mở được nhiều người nhận định rằng nguồn vốn trên thị trường sẽ bất ổn định hơn do điều kiện của quỹ mở cho phép nhà đầu tư có thể rút vốn bất kỳ lúc nào mà không cần chờ đến hạn quy định.

Danh sách mua/bán ròng tại HOSE năm 2011

Danh sách mua/bán ròng tại HNX năm 2011

Viết Vinh (tổng hợp)

Các tin tức khác

>   “Máy ngốn tiền” của CTCK (30/12/2011)

>   Siết tiền tệ, doanh nghiệp niêm yết nào sẽ hưởng lợi? (01/01/2012)

>   Tuần cuối năm 2011: Khối ngoại bán ròng 334 tỷ đồng trên HOSE (30/12/2011)

>   100 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2011 (30/12/2011)

>   Năm 2011, HNX-Index vào top 3… giảm mạnh nhất thế giới (30/12/2011)

>   Thoái vốn “cực đoan” (30/12/2011)

>   Công ty chứng khoán ngoại: Hỏi lớn mà vẫn đáp khẽ (30/12/2011)

>   Chứng khoán hoang mang ngày cuối năm (30/12/2011)

>   Nhà đầu tư nhỏ lẻ: Hết tham lam đến than khóc (30/12/2011)

>   30/12: Bản tin 20 giờ qua (30/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật