Nhà đầu tư nhỏ lẻ: Hết tham lam đến than khóc
Cứ cho là từ đây đến Tết âm lịch, sẽ có một con sóng "từ thiện". Nhưng từ thiện cho ai thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Vẫn không nhà đầu tư nhỏ lẻ nào biết được những con sóng từ thiện sẽ kéo dài bao lâu và bao nhiêu phần trăm, hay chính họ lại đang chuẩn bị lao vào một chiến dịch than khóc mới.
Tiền, tiền, tiền và tiền!
Hài kịch và bi kịch cứ nối tiếp chuyển hóa lẫn nhau trong một TTCK nhộn nhạo trò ú tim. Chỉ mới vài ngày trước, tiếng kêu khóc còn nổi lên ồn ã trên các diễn đàn chứng khoán, thì như một phép màu về "cải lão hoàn đồng", ngay sau đó nhà đầu tư nhỏ lẻ lại lập tức lao theo thứ mà họ gọi là "ánh sáng cuối đường hầm".
Hình ảnh bi hài đó xảy ra vào phiên giao dịch ngày 28/12 - thời điểm cận kề Tết dương lịch.
Một lần nữa, trong không biết bao nhiêu lần từ đầu năm đến nay, vẫn không ít người chẳng thể kềm chế được cơn tham lam của mình.
Một lần nữa từ đầu năm đến nay, thị trường lại trở mặt với sự quay quắt đến sống sượng, đưa các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào cơn mê ngủ với ác mộng xen lẫn ảo vọng.
Hãy nhìn vào đồ thị của chỉ số chứng khoán hai sàn từ tháng Giêng năm 2011 và đà trôi trượt của chúng từ đó đến giờ, bạn sẽ chẳng khó khăn gì để nhận ra đã có biết bao cái bẫy được giăng ra trên suốt nhiều cung đường than khóc.
Tiếng khóc lại đã được não nuột hóa bởi những bài viết mang tính "chia sẻ". Không nghe lời vợ, một nhà đầu tư đã mất gần hết vốn liếng và gia đình anh ta có nguy cơ tan vỡ thật sự. "Đến nước này mẹ con em chỉ còn chết mà thôi!" - cảm nhận của bạn ra sao khi nghe lời ca thán ấy?
Bi kịch là thế, bi quan đến tận cùng là thế, không phải bây giờ mới lộ ra mà vào giữa năm 2011 người ta đã tưởng như tính bi kịch đã lên đến cao điểm..., nhưng vào bất cứ lúc nào, bất cứ hoàn cảnh có tín hiệu nào "lạc quan", vẫn có những nhà đầu tư nhỏ lẻ lao vào đuổi mua giá trần.
Cơn say sóng của họ có lẽ còn hơn cả hình ảnh mê muội của thiêu thân. Thà chứng khoán bỏ tôi chứ tôi không thể bỏ chứng khoán!
Thế còn những người đã phải nhập viện tâm thần thì sao? Không biết bao nhiêu hoàn cảnh tan nát đã hiển hiện trước mắt nhà đầu tư, rõ mồn một, trong một môi trường mà về sau này nhiều người đã chẳng ngần ngại gọi thẳng tên của nó: "sòng bạc" - một "sòng bạc" cao cấp.
Cũng là nghiên cứu vĩ mô và vi mô, phân tích kỹ thuật đủ cả... Nhưng không một ai qua mặt được kẻ chi phối thị trường. Ngược lại, tuyệt đại đa số nhà đầu tư nhỏ lẻ đều bị nhốt chung vào một rọ, giống như hình ảnh mà người ta ví như một bầy cua lổm ngổm chỉ chờ bị bắt ra từng con một.
Tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ Việt Nam thật là khó hiểu, khó hiểu đến khủng khiếp! Từ năm 2007, trong con sóng dữ dội mà đã làm giàu cho không biết bao nhiêu người, chính phóng viên của tờ Financial Times đã phải thốt lên "Không thể tưởng tượng được sự điên loạn của nhà đầu tư Việt!".
Tiền, tiền, tiền, tiền và tiền! Tất cả cứ hệt như vở kịch của nhà soạn kịch Mỹ Arthur Miller, trong đó các công dân gương mẫu chà đạp lên nhau mà sống!
Ngay cả khi Tết đã đến gần và người ta đã quá thấm thía bài học xương máu cần phải vớt vát từng đồng xu cắc bạc trong thời suy thoái đầy khốn khó, ai đó vẫn sẵn sàng tung ra những đồng tiền cuối cùng để rước họa vào thân.
Những nhà đầu tư đã trút giận trên các diễn đàn chứng khoán cũng sẵn lòng "đi về cõi vĩnh hằng" nếu tài khoản của họ bị công ty chứng khoán giải chấp 100% vào ngày 31/12 năm nay. Than thở về nỗi buồn mất mát.
Từ thiện cho ai?
Nhưng kể ra cũng nên khách quan hơn, khi từ cung đoạn thê thảm giữa năm 20011, một số nhà đầu tư đã dần rút vốn. Một số khác đã quay lưng lại với thị trường. Những người này lại góp thêm một tiếng nói phản biện đối với "trò cờ bạc", vạch rõ chân tướng của nạn cờ bạc chứng khoán, về một thị trường hoàn toàn thiếu minh bạch, hoàn toàn mất công bằng, chỉ là trò ăn thịt của những con cá mập lớn đối với bầy cá mập nhỏ và tất cả những loài không phải là cá mập.
Trong những nhịp sóng "phục hồi kỹ thuật" mấy tháng gần đây, dường như một số nhà đầu tư đã "tỉnh hồn" hơn. Họ không còn say sưa lao vào bắt đáy hay mua đuổi giá trần. Tình hình đó cũng làm cho nhóm tạo lập thị trường bị khó khăn hơn trong hành vi chi phối nhân loại.
Nhưng nếu cả người nước ngoài cũng phải nhìn nhận về "sự điên loạn" và tâm lý bầy đàn hiện rõ trong tâm tưởng của nhà đầu tư nhỏ lẻ Việt Nam, thì bản thân chúng ta cũng phải thừa nhận rằng cờ bạc đã trở thành một thói quen có lẽ vô cùng khó dứt bỏ trong tâm lý người Việt.
Thực tế đã chứng minh quá rõ, bất cứ thị trường nào, từ vàng đến ngoại tệ, từ bất động sản đến chứng khoán, nơi nào có mùi tiền và mùi đầu cơ là lại có người nhảy vào, không kẻ này thì kẻ khác.
Đó cũng là một loại tâm lý đặc trưng để các nhóm đầu cơ thượng thặng không phải quá lo lắng, để hầu hết những đợt đánh lên đánh xuống của những kẻ này đều mang lại hiệu quả, thậm chí là hiệu quả lớn hơn cả mong đợi.
Bởi vậy, than khóc vẫn là than khóc, nhưng vào bất cứ lúc nào thị trường chứng khoán được đánh lên, không khí chộn rộn lại lập tức thay thế cho những giọt nước mắt. Người ta tạm quên đi những khoảnh khắc đắng lòng, tạm quên bức màn đen của những ám ảnh tự vẫn..., để lại lao vào một giai đoạn "ái ố" mới.
Lần này cũng vậy, khi Tết âm lịch đang đến gần. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ lao vào mua đuổi giá trần vẫn có thể viện dẫn lý do thị trường đã về vùng quá thấp và đang có những thông tin tích cực về sự chuyển biến của thị trường trong năm 2012.
Nhưng trong khi tin tức tích cực vẫn còn quá ít, thì thông tin tiêu cực lại quá nhiều.
Hàng loạt công ty chứng khoán đang chìm vào cơn ác mộng về thanh khoản, giá điện và có thể cả giá xăng dầu đang có nguy cơ bị các nhóm lợi ích đẩy cao mà có thể tạo đà cho kích động lạm phát, vào bất cứ thời điểm nào cũng có thể xảy ra thêm những vụ đổ vỡ tín dụng chứng khoán...
Chưa có gì quá tích cực, nếu xét trên bình diện kinh tế vĩ mô.
Chưa kể đến trường hợp chứng khoán có thể rơi vào tình thế bị bỏ quên, hay nói trắng ra là bị bỏ rơi.
Cứ cho là từ đây đến Tết âm lịch, sẽ có một con sóng "từ thiện". Nhưng từ thiện cho ai thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Vẫn không nhà đầu tư nhỏ lẻ nào biết được những con sóng từ thiện sẽ kéo dài bao lâu và bao nhiêu phần trăm, hay chính họ lại đang chuẩn bị lao vào một chiến dịch than khóc mới.
Việt Thắng
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|