Thứ Năm, 29/12/2011 06:35

Chứng khoán phục hồi: Chờ hai năm nữa?

Muốn có được hệ số tận dụng đến 100% cơ hội hồi phục của kinh tế thế giới, một trong những điều tiên quyết mà giới điều hành chính sách ở Việt Nam phải làm là phải hạn chế đến mức tối thiểu tác động của lợi ích nhóm trong quan hệ với chính sách và các cơ quan nhà nước.

Bình luận về thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang quá đỗi u ám có vẻ như không đúng lúc. Cũng bởi, đã từ một năm rưỡi nay, hầu như không có mối liên thông nào giữa chứng khoán Việt với các thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót rất lớn nếu bỏ qua yếu tố vĩ mô để chỉ nhìn vào những vận động vi mô. Dow Jones, xét cho cùng, là một chỉ số định lượng quốc tế. Suốt từ khi nó trải qua cơn đại phẫu của thời Đại khủng hoảng 1929-1932 đến nay, chỉ số này đều đóng vai trò kim chỉ báo cho nền kinh tế Mỹ và được mọi nền kinh tế phát triển khác tham khảo.

Về mặt này, dĩ nhiên Dow Jones khác hẳn với chỉ số chứng khoán VNI của Việt Nam. Một chỉ số thì bị làm giá và bị bóp méo đến tận cùng, còn chỉ số kia lại vừa vượt qua được đỉnh của tháng 10/2011.

Thành công của Dow Jones

Thật vậy, điều đáng ghi nhận nhất trong những ngày gần đây là sau chuỗi thời gian dao động ngang đến gần 5 tháng, chỉ số chứng khoán hàng đầu của Mỹ đã bứt phá khỏi mốc điểm 12.200.

Trong những nhận định từ đầu tháng 8/2011 đến nay, đặc biệt khi quan sát độ nảy lên của Dow Jones vào đầu tháng 10/2011, cũng như so sánh với các chỉ số chứng khoán khác của châu Âu và tất nhiên không thể thiếu trường hợp Hy Lạp và Síp, chúng tôi đã nhận thấy trong khả năng xấu nhất, các chỉ số chứng khoán Mỹ sẽ khó giảm mạnh.

Thời điểm mà Dow Jones bứt phá khỏi khu vực dao động ngang cũng trùng với thời gian mà nền kinh tế Hy Lạp trở nên ổn định hơn sau cuộc "thay máu" chính trị. Papandreou - cựu thủ tướng quốc gia này - đã phải ra đi vì không thể bảo đảm được cho Hy Lạp lẫn Cộng đồng châu Âu một tương lai không sốc.

Cuộc cách mạng trong chính giới Hy Lạp cũng dắt dây sang sự rời bỏ quyền bính một cách bắt buộc của thủ tướng Ý Berlusconi. Cuộc ra đi không êm ấm này cũng xóa dần trong tâm trí người dân những hình ảnh sa đọa mà Berlusconi đã gây ra. Cho đến khi chính phủ mới tuyên bố thẳng thừng về chính sách thắt lưng buộc bụng, châu Âu bắt đầu có thể thở ra nhẹ nhõm.

Những mối họa Hy Lạp và cả Ý đã dần trôi qua.

Vào những ngày cuối năm 2011, số nhà khởi công ở Mỹ tăng khá đều. Mặc dù GDP chưa phải điển hình cho một chu kỳ phục hồi ấn tượng, nhưng ít nhất việc chỉ số này được duy trì khá ổn định cũng tác động đến tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng được kéo giảm nhẹ ở Mỹ.

Trong bối cảnh đó, giá vàng thế giới lại tạo nên một điều may mắn bất ngờ cho kinh tế Mỹ và cả châu Âu khi kim loại quý này liên tục nằm trong xu thế giảm. Lạm phát dường như đã bớt nhe nanh giương vuốt. Vấn đề còn lại của các nhà điều hành và hoạch định chính sách kinh tế là làm sao ngăn chặn nguy cơ giảm phát và suy thoái kinh tế, làm sao kích thích tăng trưởng để không lặp lại những sai lầm của thời hậu Đại khủng hoảng vào những năm 1937-1938.

Vì thế, việc chỉ số chứng khoán Dow Jones tăng trở lại là một tín hiệu đáng mừng. Tín hiệu này còn cho thấy khả năng chứng khoán Mỹ tái hiện chu kỳ vận động vào các năm 2005-2006 là có thể xảy ra.

Cần nhắc lại, sau cú lao dốc vào năm 2002, TTCK Mỹ đã có được một chu kỳ tăng điểm dài hạn rất tốt từ năm 2003 đến năm 2007. Đó cũng là khoảng thời gian mà nền kinh tế Mỹ say sưa với thắng lợi mà chưa từng hình dung ra một vụ Lehman Brothers có thể gây ra hậu quả khủng khiếp như thế nào.

Còn nay, sau cơn dư chấn khủng hoảng năm 2008, chắc chắn giới điều hành kinh tế và tài chính của Mỹ và các nước phát triển ở châu Âu đã kịp rút ra những bài học xương máu. Vì vậy, ngay trước mắt, hình ảnh suy thoái kép vẫn chưa hẳn lộ rõ, chưa xứng đáng để những chuyên gia dự báo hàng đầu như Stiglitz và Roubini quá lo ngại.

Ngược lại, Warren Buffett vẫn tiếp tục đầu tư và thâu tóm. Người ta vẫn nhìn thấy ở nhà đầu tư huyền thoại này một điểm gì đó liên hệ với tương lai thị trường giá lên trong năm 2012.

Cơ hội hai năm cho kinh tế Việt Nam

Với thế giới các nước phát triển, mọi thứ đang đi dần vào ổn định. Còn với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vô hình trung tác động của thế giới lại trở thành một kích thích tố cần thiết nhằm lôi nền kinh tế nước ta ra khỏi suy thoái.

Thời điểm cuối năm bắt đầu ấm lên những hy vọng cho một năm 2012 không quá tồi tệ.

Thời điểm cuối năm bắt đầu ấm lên những hy vọng cho một năm 2012 không quá tồi tệ. Kinh tế Việt Nam đã phải trải qua năm 2011 đầy khắc nghiệt, được mô tả là dễ bị tổn thương hơn những nền kinh tế phát triển.

Thật may mắn cho chúng ta, thế giới đang chuyển mình và có thể kéo theo cả Việt Nam, với điều kiện giới điều hành chính sách ở nước ta biết bắt nhịp thời cơ và không quá thua kém các nhà điều hành châu Âu về năng lực quản lý lẫn khả năng dự báo.

Trước mắt, lãi suất cơ bản đang được giới điều hành châu Âu kéo giảm. Kích thích tăng trưởng kinh tế quan trọng không thua kém gì nhiệm vụ phòng chống lạm phát. Ở khá nhiều quốc gia như Nga, Thụy Điển và một số nước châu Á, mặt bằng lãi suất đã bắt đầu hạ dần. Điều này chắc chắn có tác động nào đấy đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Không mấy khó khăn để hình dung ra triển vọng năm 2012 đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trên các châu lục. Tuy vẫn còn một năm nữa mới đến năm 2013, nhưng 2012 cũng đang hứa hẹn sẽ là năm sôi động hơn. Từ đó, các thị trường nhập khẩu có thể mở rộng cửa hơn, mở ra nhiều hơn cơ hội cho những ngành hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam.

Trong trung hạn, nền kinh tế Việt Nam có ít nhất hai năm để phục hồi phần nào. Phục hồi sau suy thoái. Nếu tận dụng trọn vẹn cơ hội này, chúng ta có thể tích lũy được một thế chân đứng khá vững chãi cho dù từ năm 2014 trở đi, thế giới có rơi vào kịch bản khủng hoảng kép chăng nữa.

Nhưng muốn có được hệ số tận dụng đến 100% như trên, một trong những điều tiên quyết mà giới điều hành chính sách ở Việt Nam phải làm là phải hạn chế đến mức tối thiểu tác động của lợi ích nhóm trong quan hệ với chính sách và các cơ quan nhà nước.

Trong trường hợp chỉ tận dụng được 50% cơ hội, sẽ khó cho nền kinh tế Việt Nam ngay cả trong trường hợp kinh tế thế giới đi ngang.

Và dĩ nhiên, nếu cần phải đề cập lại về TTCK Việt Nam thì có thể bổ sung là mặc dù đã chẳng có mấy quan hệ liên thông với TTCK Mỹ, nhưng hai năm tới đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để chứng khoán Việt phục hồi.

Bởi nếu không, nói như một chuyên gia tài chính, sau một năm nữa sẽ chẳng còn mấy người muốn nghe đến hai từ "chứng khoán".

Việt Thắng

Diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Chiến lược giao dịch ngày 29/12/2011 (29/12/2011)

>   Vốn thị trường của doanh nghiệp địa ốc bốc hơi đến 80% (28/12/2011)

>   29/12: Bản tin 20 giờ qua (29/12/2011)

>   Cổ phiếu ”nóng”: VND đã chạm đáy? (28/12/2011)

>   Khối ngoại lại xả mạnh 4.6 triệu cp STB, mua vào CTG và MBB (28/12/2011)

>   Chứng khoán 2011 và những đòn “chém gió” hớ hênh (28/12/2011)

>   Bỏ mệnh giá cổ phiếu? (28/12/2011)

>   Những cổ phiếu lội ngược dòng thị trường (28/12/2011)

>   Thị trường chứng khoán - Chờ dòng vốn đầu tư mới (28/12/2011)

>   Cổ phiếu ngân hàng diễn biến theo 3 nhóm (28/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật