Cơ cấu lại TTCK: Tiền đề để tái cơ cấu DNNN
Sau một năm liên tục giảm điểm với nhiều cổ phiếu đã mất giá tới hơn 90% giá trị, các chỉ số chứng khoán Việt Nam vẫn bền bỉ lao dốc mạnh trong tuần đầu tiên của năm 2012.
Cụ thể, VN-Index đã giảm 14,9 điểm (4,24%), còn HNX Index giảm 3,3 điểm (5,62%) so với cuối năm 2011. Hầu hết các cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn trên thị trường như BVH, HPG, HAG, MSN, VCB… đều giảm giá mạnh. Xu hướng giảm điểm không có điểm dừng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian tới.
Thiếu vốn tiếp tục là nguyên nhân suy giảm
Sau giai đoạn phục hồi trong năm 2009, TTCK Việt Nam lại bước vào giai đoạn suy giảm kéo dài trong hơn hai năm, từ năm 2010 đến nay. Dường như đà lao dốc của thị trường đang không có điểm dừng và TTCK thậm chí tăng tốc giảm trong thời gian gần đây. Chỉ số VN-Index đã rơi khá xa khỏi mốc 400 điểm, còn HNX-Index liên tục thiết lập những mức đáy thấp nhất trong lịch sử. Ngoài nguyên nhân tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết không được như kỳ vọng của nhà đầu tư, sự suy giảm của TTCK Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua là do việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến cho dòng vốn không những chỉ bị ngừng chảy vào mà còn bị rút mạnh ra khỏi TTCK để đáp ứng các nhu cầu thanh khoản. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên hai sàn (HSX và HNX) trong vòng một tháng qua chỉ còn dao động ở quanh mức 500 tỉ đồng.
Triển vọng của TTCK trong thời gian tới được cho là không khả quan. Khác với năm 2009, thời điểm TTCK đã có sự phục hồi mạnh mẽ hoàn toàn nhờ gói kích cầu 17.000 tỉ đồng của Chính phủ, năm 2012 này Chính phủ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Do vậy, rất khó để có dòng tiền đổ vào hỗ trợ cho TTCK. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu phải thoái vốn khỏi các hoạt động đầu tư tài chính bất chấp diễn biến bất lợi của thị trường. REE, SAM, v.v. đều đang giảm dần danh mục đầu tư tài chính đối với một số cổ phiếu như STB và CSG. STB cũng giảm dần tỷ lệ nắm giữ SCR, SBS... Cùng với đó, nhu cầu thoái vốn của các DNNN sẽ diễn ra mạnh từ nay đến năm 2015 khi mà các doanh nghiệp này buộc phải thoái vốn hết các khoản đầu tư ngoài ngành.
Vai trò là kênh huy động vốn của TTCK cũng không được phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Thị trường suy giảm khiến cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNN lại đổ dồn về phía các ngân hàng thương mại. |
Áp lực thoái vốn còn đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Trải qua cả một giai đoạn dài suy giảm, hầu hết các quỹ đầu tư nước ngoài đều đang thua lỗ nặng và phải chịu sức ép đóng quỹ từ năm 2012. Theo TBKTSG ngày 11.12.2011, số tiền mà các quỹ ngoại phải thoái vốn năm 2012 lên tới 25.000 tỉ đồng (tương đương 1,2 tỉ USD). Giá trị tài sản thuần (NAV) của nhiều quỹ trong số này chỉ bằng một nửa, thậm chí là một phần ba giá trị đầu tư ban đầu. Với tình hình đầu tư tệ hại như vậy, rõ ràng áp lực đóng quỹ là rất lớn.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn
Sự sụt giảm kéo dài của TTCK đã ảnh hưởng lớn tới quá trình tái cơ cấu DNNN. Lộ trình cổ phần hoá các DNNN lớn như Vinaphone, Mobifone, Viettel, Vietnam Airlines,… đã bị chậm lại vài năm và vẫn chưa biết đến khi nào sẽ tiến hành. Việc cổ phần hoá các doanh nghiệp cũng diễn ra một cách chậm chạp và nhiều cuộc IPO đã không thực hiện được do không có nhà đầu tư đăng ký. Theo báo cáo của bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 20.11.2011, đã thực hiện sắp xếp được 5.856 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó, cổ phần hoá 3.951 doanh nghiệp. Tuy nhiên, riêng năm 2011 mới chỉ cổ phần hoá được sáu doanh nghiệp. TTCK càng tiếp tục sụt giảm thì việc huy động nguồn vốn xã hội sẽ càng trở nên khó khăn hơn nữa.
Không chỉ có tiến độ cổ phần hoá chậm mà giá bán cổ phần của các doanh nghiệp sau IPO đều giảm mạnh. Điều này khiến cho không chỉ nhà đầu tư tham gia đấu giá chịu thiệt mà dường như, nhà đầu tư chịu thiệt thòi lớn nhất là Nhà nước khi phải thực hiện bán tài sản với giá rẻ. Hơn nữa, do việc thực hiện IPO chỉ được thực hiện với một tỷ lệ nhỏ nên Nhà nước vẫn là nhà đầu tư lớn nhất. Giá cổ phiếu giảm cũng đồng nghĩa với việc cổ đông Nhà nước chịu mất mát lớn về giá trị cổ phiếu đang nắm giữ. Thực tế này có thể thấy rõ khi Nhà nước thực hiện IPO lần lượt ba ngân hàng thương mại là VCB, CTG và BIDV trong thời gian qua. Giá IPO bình quân của ba ngân hàng quốc doanh hàng đầu hiện nay này giảm lần lượt theo thời gian đấu giá: từ mức 107.860 đồng/cổ phiếu của VCB đã rớt mạnh về mức 20.265 đồng/cổ phiếu của Vietinbank và giá đấu BIDV được thực hiện vào cuối năm 2011 chỉ còn là 18.583 đồng/cổ phiếu.
Vai trò là kênh huy động vốn của TTCK cũng không được phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Thị trường suy giảm khiến cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNN lại đổ dồn về phía các ngân hàng thương mại. Trong giai đoạn từ năm 2007 – 2010, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện rất tốt việc huy động vốn như Sông Đà, EVN, PVN, Vinalines, VNPT… Tập đoàn Sông Đà đã cổ phần hoá và niêm yết các công ty SD2, SD3, SD4, SD5, SD6, SD7, SD8, SD9, SDA… Tập đoàn EVN cổ phần hoá PPC, VSH… Còn PVN đã cổ phần hoá rất nhiều tổng công ty, tập đoàn thành viên như DPM, PVX, PVS, PVC. Tuy nhiên, việc phát hành tăng vốn cũng như việc cổ phần hoá khó khăn trong năm 2011 khiến cho nhu cầu vốn của nhiều DNNN không được đáp ứng. Các DNNN này phải quay trở lại với kênh truyền thống là tín dụng ngân hàng, làm gia tăng nhu cầu vay vốn khiến lãi suất vay ngân hàng khó có thể giảm bất chấp lãi suất huy động hiện chỉ còn ở mức 14%.
Cần giải pháp mới để phát triển TTCK
Như vậy, TTCK Việt Nam có vai trò rất quan trọng, không những chỉ đơn thuần là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp đã niêm yết, mà còn là công cụ chính yếu để thực hiện việc tái cấu trúc hệ thống DNNN. Chính vì lẽ đó nên thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập ngay đến những nội dung cần thiết phải thực hiện để giúp TTCK Việt Nam có sự thay đổi về chất. Kế hoạch cơ cấu lại TTCK bao gồm bốn trụ cột chính, đó là: (i) cơ cấu lại hàng hoá trên TTCK, thực chất là cơ cấu lại doanh nghiệp niêm yết; (ii) cơ cấu lại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; (iii) đối với nhà đầu tư, việc cơ cấu lại nhằm mục tiêu là tăng tính chuyên nghiệp, tăng tài khoản của các tổ chức; và (iv) cơ cấu lại tổ chức quản lý, vận hành thị trường về thanh toán, lưu ký như rút ngắn thời gian giao dịch xuống T+2, phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu, đơn giản hoá thủ tục cấp mã giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài và cần xem xét việc hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán.
Mục đích của các giải pháp mới này cho TTCK thực chất là hướng đến hai mục đích. Thứ nhất là tăng tính thanh khoán cho thị trường thông qua việc phát triển các công cụ phái sinh và rút ngắn thời gian giao dịch xuống T+2 như thông điệp của Chính phủ. Điều này sẽ giúp TTCK dần dần được quan tâm lại và nhà đầu tư có thể lựa chọn cho mình nhiều hình thức đầu tư khác nhau.
Thứ hai là thu hút các dòng vốn mới, ổn định, và dài hạn vào TTCK, đặc biệt từ nước ngoài, thay vì là các dòng vốn ngắn hạn vay từ hệ thống ngân hàng thương mại. Nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp bù đắp cho sự sụt giảm của nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài sắp đến thời gian đóng quỹ. Điều này đòi hỏi các mã cổ phiếu trên TTCK phải có chất lượng hơn và tính minh bạch trên TTCK cần phải được gia tăng. Như vậy, các tiêu chuẩn niêm yết phải thay đổi và phải tiếp tục cổ phần hoá các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cũng như loại bỏ các mã cổ phiếu không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn niêm yết.
Nguyên Minh Cường
sài gòn tiếp thị
|