Chủ Nhật, 15/01/2012 10:23

Thị trường tài chính: “Bước đệm” của phát triển bền vững

2011 là một năm đầy dấu ấn và mang tính bước ngoặt, là thời điểm chín muồi để khởi đầu cho bước đường đổi mới hệ thống tài chính VN trong năm 2012 - 2015. Nhân dịp đầu Xuân mới năm nay, DĐDN đã có cuộc trò chuyện cùng hai vị khách mời: Chuyên gia Kinh tế - Ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn và doanh nhân Huỳnh Văn Minh- Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HuBA) để cùng chia sẻ những quan điểm, kỳ vọng về thị trường tài chính – ngân hàng VN trong năm Con Rồng.

“Ngân hàng - Điểm sáng trong năm”

- Rất may là năm Mèo, năm mà về mặt duy tâm theo kiểu ông bà ta xưa thì “mèo đến nhà là nghèo”, đã khép lại; và chúng ta sẽ đón một năm cầm tinh con Rồng – hình ảnh của phú quý, cao sang đang tới. Nhìn lại bức tranh năm cũ, có thể tìm thấy điểm sáng của kinh tế vĩ mô, của tài chính DN, bên cạnh những gam màu xám?

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM: Dù dự đoán lãi suất khó giảm ngay, chúng tôi vẫn mong trần lãi suất đầu ra sẽ được áp dụng với mức khoảng 14%/ năm 2012

Ông Huỳnh Văn Minh:

Có thể nói 2011 là năm thứ ba mà DN “vượt biển”, cũng là năm nặng nề nhất so với 2009, 2010. Năm 2008, khủng hoảng bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, lúc đó sức khỏe của DN vẫn còn rất tốt do những thành tựu đã tích lũy được từ năm 2007, nên dễ dàng vượt qua khó khăn Năm 2008, Chính phủ cũng đã tung gói kích cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp và có tác động, hỗ trợ rất lớn. Riêng năm 2011 thì DN không còn được hưởng sự hỗ trợ đó, do đó thành công mà DN đạt được của năm nay rất đáng ghi nhận.

Ông Huỳnh Bửu Sơn:

Điểm sáng đầu tiên tôi muốn đề cập tới là nông nghiệp. Trong năm 2011, sản xuất và xuất khẩu nông thủy sản đã có một bước tiến mạnh mẽ. Điểm sáng thứ hai là những nỗ lực của ngành ngân hàng (NH) kiềm giữ lãi suất huy động ở mức 14%/năm kể từ cuối quý 3/2011, làm giảm cơn sốt lãi suất trong ngành NH đang khiến cho nhiều NH nhỏ lao đao và các DNNVV VN điêu đứng. Điều cũng đáng ghi nhận là nỗ lực của NHNN kiềm giữ lãi suất được thực hiện đồng thời với việc đảm bảo nhu cầu thanh khoản của hệ thống NH cùng với những biện pháp quyết liệt mà nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng sẽ mở đường cho việc tái cấu trúc hệ thống NH, đang được mọi người kỳ vọng là sẽ đưa đến ổn định hệ thống NH, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế những năm tới.

- Chúng ta đã nói rất nhiều và cũng bày tỏ nhiều hy vọng vào công cuộc tái cấu trúc hệ thống NH để có một huyết mạch vững chãi, thông suốt trong cơ thể nền kinh tế. Nhưng một công cuộc tái cấu trúc hệ thống NH toàn diện như thế nào để có thể song hành cùng công cuộc đổi mới của nền kinh tế, là điều mà chưa hẳn tất cả đều có thể hình dung?

Ông Huỳnh Bửu Sơn:

Tái cấu trúc hệ thống NH thật ra là tiền đề, là mũi đột phá cho việc đổi mới cơ cấu nền kinh tế đảm bảo tăng trưởng bền vững và có chất lượng. Việc tái cơ cấu hệ thống NHTM VN đã được Thủ Tướng Chính phủ xác định là một trong 3 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế với những định hướng chính như giảm số lượng những NH và tổ chức tín dụng yếu kém, tạo điều kiện xây dựng những NH VN lớn mạnh có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Để đạt được những mục tiêu trên đây trong điều kiện hệ thống NH hiện nay còn đang vướng sâu vào những khó khăn về nợ, về vốn, về nguồn nhân lực, về công nghệ, về kỹ năng quản trị điều hành và trên hết là những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức kinh doanh... thật không phải là một việc dễ dàng.

Điều quan trọng ở đây không chỉ là một định hướng đúng mà còn là một cách làm đúng và một quyết tâm thực sự xây dựng một hệ thống NH VN lành mạnh, có độ tín nhiệm trong và ngoài nước ngày càng cao nhờ một nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp, những cổ đông có thực lực tài chính, có tầm nhìn xa và ý thức tôn trọng những chuẩn mực đạo đức kinh doanh, biết tôn trọng đồng tiền tiết kiệm của người dân, lợi ích của DN khách hàng và quyền lợi kinh tế chung của đất nước.

Ông Huỳnh Văn Minh:

Ông Huỳnh Bửu Sơn - Chuyên gia Kinh tế - Ngân hàng: Làm NH rất dễ trong những thời kỳ kinh tế thịnh vượng và chính điều đó đã đẩy không ít NH phá sản khi kinh tế đi vào khó khăn khủng hoảng

Một DN muốn tồn tại và phát triển tốt phải đảm bảo ba vấn đề: Nội tại nhân lực; năng lực tài chính; Cơ chế chính sách. Trong đó, cơ chế chính sách rất quan trọng đối với sức khỏe, sự sống còn của DN. Vì vậy, chúng tôi rất ủng hộ chủ trương phải tổ chức lại hệ thống NH, hay nói một cách kỹ thuật là tái cấu trúc lại hệ thống tài chính. Thời gian qua có quá nhiều NH sinh ra, vừa yếu vừa thiếu minh bạch, đưa đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Chúng tôi kỳ vọng sau tổ chức lại, các NH sẽ tập trung vào chuyên môn, chuyên sâu, ở tầm cỡ NH nào thì sẽ có những dịch vụ chuyên sâu gắn với NH đó, để tạo sức mạnh cho chính từng NH và qua đó cũng hậu thuẫn cho DN, cho tín dụng của nền kinh tế.

Kinh tế phát triển cần một thị trường vốn phát triển

- Cùng với hệ thống tiền tệ - thị trường vốn ngắn hạn của DN, các ông có kiến nghị gì về một thị trường tài chính nói chung, bao gồm sự cải thiện đổi mới cả thị trường vốn trung và dài hạn là chứng khoán, và cả thị trường trái phiếu DN? Sự đổi mới và nâng cấp các thị trường này nên bắt đầu từ đâu, cơ chế, chính sách hay bộ máy quản lý?

Ông Huỳnh Văn Minh:

Tôi có cảm nhận các thị trường vốn cả ngắn, trung và dài hạn hiện đã đề ra các bước đi, các khâu cần cải thiện, đột phá, nhưng vẫn rất... chung chung, chưa hoạch định rõ đâu là trọng tâm, trọng điểm của những vấn đề cần cải thiện, kinh phí bao nhiêu, ai là người triển khai các chủ trương đã đề ra.

Ở góc độ đại diện các DN, tôi cho rằng tín dụng vẫn là nguồn máu quan trọng nhất của nền kinh tế. Việc hạn chế tăng trưởng tín dụng quá mức sẽ khiến DN gặp khó trong tiếp cận trong tương lai. Khi tín dụng bị thắt quá chặt, mọi thị trường vốn khác đều sẽ gặp khó khăn và sự đổi mới, nâng cấp các thị trường tuy trước mắt lẫn lâu dài vẫn là cần thiết, nhưng rất cần sự hậu thuẫn của một bối cảnh vĩ mô, trong đó có thị trường vốn tín dụng, làm bệ phóng để mọi đổi mới và nâng cấp đi đến hiệu quả.

Ông Huỳnh Bửu Sơn:

Một nền kinh tế thị trường phát triển cần một thị trường vốn phát triển. Thị trường vốn của nước ta rất mới và đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng quá nhanh, nay đang trở nên khá nguội lạnh do ảnh hưởng lạm phát trong nước và suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong thời gian vừa qua, thị trường vốn nước ta cũng bộc lộ ít nhiều hạn chế. Theo tôi, có 3 điểm cần cải thiện để giúp thị trường vốn nước ta ổn định và phát triển bền vững: Một là cần tăng cường tính công khai minh bạch của thị trường, điều mà nhiều nhà phân tích thường đề cập đến nhiều lần. Hai là giảm bớt cơ chế độc quyền, đặc quyền quốc doanh, đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa DN nhà nước, thực hiện môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng. Ba là thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp nhằm xây dựng nền kinh tế VN trở thành một nền kinh tế chi phí thấp, trong đó quan trọng nhất là lãi suất NH thấp và thuế suất thấp.

- Với kinh nghiệm của một chuyên gia gắn bó với lĩnh vực NH, và của một doanh nhân đã kinh qua mọi giai đoạn kinh tế từ thời mở cửa, các ông có kỳ vọng, tiên liệu gì về xu thế tất yếu của hệ thống tài chính VN, của doanh nhân Việt trước xu thế chung và bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2012?

Ông Huỳnh Văn Minh:

Theo dự đoán của tôi, năm 2012 vẫn tiếp tục là một năm khó khăn trên toàn cầu. Tôi kỳ vọng Chính phủ VN sẽ đề ra mức độ tăng trưởng hợp lý, không đặt nặng vấn đề GDP. Có như vậy chúng ta mới dần dần vượt qua khó khăn, hướng đến tăng trưởng bền vững chứ không chạy theo thành tích tăng trưởng nóng. Cùng với đó, để giúp DN và người dân có thể vượt  qua giai đoạn khó khăn, song song siết đầu tư công, linh hoạt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát, Nhà nước nên giảm thu theo nguyên lý giảm chi giảm thu. Nếu thực hiện được điều này thì sẽ khoan sức dân, bồi dưỡng được DN – một phần nguồn thu ngân sách tương lai.

Dù dự đoán lãi suất khó giảm ngay, chúng tôi vẫn mong trần lãi suất đầu ra sẽ được áp dụng với mức khoảng 14%/ năm 2012. Nếu lãi suất không giảm, DN VN rất khó để cạnh tranh với các DN quốc tế, nơi những thị trường lãi suất thấp và là đầu tàu về xuất khẩu của thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật...

Ông Huỳnh Bửu Sơn:

Hệ thống NHTM VN còn rất non trẻ, trong thời gian 20 năm trưởng thành lại trải qua không dưới 2 giai đoạn khó khăn và nay đang phải đương đầu với thách thức, rủi ro nội tại. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các NHTM VN đoàn kết lại, sát nhập, hợp nhất để tồn tại và phát triển.

Tôi mong rằng năm Nhâm Thìn sẽ chứng kiến một sự cải thiện cơ bản của hệ thống NH VN, một sự cải thiện sẽ có thể đưa đến một sự phát triển bền vững và lâu dài của hệ thống, tránh sự lặp đi lặp lại những sai lầm cũ mà cứ vài năm chúng ta lại phải chứng kiến rồi lại phải kêu gọi tái cơ cấu. Đời sống của một DN NH thường kéo dài hàng trăm năm, DN NH không thể hoạt động kiểu ăn xổi ở thì, chạy theo lợi nhuận trước mắt. NH có những tiêu chuẩn nghề nghiệp, những nguyên tắc đạo đức cần tôn trọng để giữ gìn sự tín nhiệm của công chúng, của DN khách hàng, của đồng nghiệp, của nhân viên, của cổ đông. Những điều đó làm nên sự bền vững của một NH, còn không có nó, không NH nào có thể đứng vững lâu dài.

Làm NH rất dễ  trong những thời kỳ kinh tế thịnh vượng và chính điều đó đã đẩy không ít NH phá sản khi kinh tế đi vào khó khăn khủng hoảng. Tôi mong rằng đó là một kinh nghiệm quý giá cho bất cứ ai tham gia đầu tư  và đang hoạt động trong lĩnh vực NH .

- Xin cảm ơn các ông!

Mỹ Ý thực hiện

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Chính sách tiền tệ: Chưa hết ám ảnh thanh khoản (15/01/2012)

>   Cuộc đua huy động vốn (14/01/2012)

>   Bị phạt 200 triệu đồng vì bán 700 USD (13/01/2012)

>   ATM dịp Tết: Vừa rút tiền vừa run (13/01/2012)

>   Mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm 4% (13/01/2012)

>   Khô “ruộng” vốn: Đổi tập quán trước, bơm nước sau? (13/01/2012)

>   Ngân hàng lo chuyện quản trị rủi ro (13/01/2012)

>   Giảm lãi suất cho vay: Món nợ của Ngân hàng Nhà nước? (13/01/2012)

>   SCB sau hợp nhất đã chuyển biến tích cực (12/01/2012)

>   Lại 'nóng' chuyện vay vốn liên ngân hàng (12/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật