Chính sách tiền tệ: Chưa hết ám ảnh thanh khoản
Đang có những chuyển biến mới trong chính sách điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Tác dụng chưa thể xác định được ngay nhưng có một điều khá rõ ràng là sẽ mạnh tay hơn trong xử lý ngân hàng yếu kém.
Những niềm an ủi
Trong những ngày cuối cùng của năm Tân Mão, cũng là những ngày đầu tiên của năm mới 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã phát đi những thông điệp khá rõ ràng về hướng điều hành chính sách tiền tệ và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong năm 2012.
Theo đó, Thống đốc cho biết nhiệm vụ chính trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2012 là việc xử lý thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Việc giảm lãi suất sẽ chưa thể làm được ngay và có thể sẽ được tính tới sau quý I. Riêng về lãi suất trần, biện pháp hành chính này sẽ được duy trì tối thiểu đến hết tháng 6. Về tỷ giá, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ chỉ tăng khoảng 2-3%.
Đặc biệt, ông Bình cũng dự tính sẽ thực hiện mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ngay trong quý I/2012 với khoảng 5-8 ngân hàng đã được dự tính hợp nhất hoặc cho mua bán lại theo cơ sở tự nguyện.
Có thể thấy, đây là những định hướng khá rõ ràng được một người đứng đầu cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ đưa ra. Nó phần nào giúp các doanh nghiệp, ngân hàng, các tổ chức và cả những nhà đầu tư có thể có những tính toán phù hợp cho công việc của mình.
Chẳng hạn, với dự kiến tỷ giá tăng khoảng 3% trong năm 2012, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể đưa ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp hơn, tránh được những cú sốc tăng tỷ giá tới 9,3% như hồi tháng 2/2011.
Mặc dù là dự tính, nhưng với chính sách giữ vững vị thế của đồng VND, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và cung tiền ở mức 15-17% và 14-16% thì nhiều khả năng có thể trở thành hiện thực. Dự báo thặng dư cán cân thanh toán khoảng 3 tỷ USD cũng là yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá. Trong một cam kết đầu tháng 9, NHNN cũng đã giữ được mức tăng tỷ giá dưới 1% trong quý IV/2011.
Ám ảnh còn lại
Chuyển biến nổi bật nhất trong các chính sách ẩn trong thông điệp mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra chính là khẳng định chắc như đinh đóng cột về khả năng chưa giảm lãi suất trong quý I, tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động và tập trung xử lý vấn đề thiếu thanh khoản của các ngân hàng.
Như vậy, nhiều khả năng, mặt bằng lãi suất hiện nay sẽ không có gì thay đổi trong giai đoạn từ trước và sau Tết âm lịch. Lãi suất có giảm thì sẽ rơi vào quý II nếu tình hình lạm phát tiến triển theo chiều hướng tích cực.
Điều này trái với mong đợi của đại đa số các doanh nghiệp khi mà họ đang còng lưng gánh những khoản vay với lãi suất cao ngất ngưởng trong hơn một năm qua.
Nó cũng trái với mong đợi của nhiều nhà đầu tư chứng khoán sau khi Thủ tướng phát biểu nhấn mạnh, năm 2012 Việt Nam tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức 9%. Và ngành ngân hàng phải giảm lãi suất ngay từ đầu năm 2012. Đây là việc giảm phù hợp với quy luật chứ không phải là mệnh lệnh hành chính.
Tuy nhiên, theo giải thích của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nói hạ lãi suất không phải là làm được ngay. Cái khó nhất trong điều hành năm nay là làm sao hạ được lãi suất.
Theo ông Bình, khi nào nhu cầu về tiền bớt đi thì mới giảm được lãi suất nhưng giờ ai cũng thiếu thanh khoản, ai cũng cần vốn thì giá vốn chưa giảm được ngay. Lạm phát đang có chuyển biến, nền tảng để có thể giảm lãi suất. Nhưng lạm phát không phải là yếu tố quyết định duy nhất, mà phải đảm bảo thanh khoản.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nguyên nhân mất thanh khoản của nhiều ngân hàng hiện nay là do sử dụng cơ cấu kỳ hạn chưa hợp lý. Cụ thể, trong một thời gian dài vừa qua, hệ thống chủ yếu là huy động ngắn hạn trong khi sử dụng nguồn vốn đó cho vay dài hạn. Có những trường hợp cá biệt ngân hàng dùng gần 100% vốn ngắn hạn cho vay dài hạn.
Việc đầu tiên cần xử lý hiện nay là vấn đề giải quyết tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Khi thanh khoản được cải thiện thì sẽ có cơ sở để giảm lãi suất.
Liên quan tới tính độc lập của NHNN, tại Diễn đàn Kinh tế Đối ngoại Việt Nam diễn ra sáng 11/1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Chính phủ đang cân nhắc và sẽ lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về việc thành lập Ngân hàng Trung ương độc lập.
Trên thực tế, trong việc kiểm soát lạm phát, vai trò của Ngân hàng Trung ương là rất quan trọng. Việc thực thi các chính sách tiền tệ sẽ trở nên độc lập hơn.
Trên thế giới, việc thành lập Ngân hàng Trung ương cũng đã được thực hiện ở nhiều nước. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho biết, thực trạng những năm gần đây, Chính phủ buộc phải tính đến có nên thành lập Ngân hàng Trung ương hay không, cũng như xem xét kỹ hiệu quả của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua.
Hướng đi của NHNN cho năm 2012 khá rõ ràng và một điều chắc chắn là sẽ mạnh tay trong việc chấn chỉnh nhiều vấn đề tồn tại lâu nay. Nhưng hiện tại vẫn có một số vấn đề mà dư luận quan tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có thể nảy sinh các nhóm lợi ích hay không?.
Tuy nhiên, điều còn lại là liệu duy trì lãi suất trần thấp có ảnh hưởng tới quyền lời của người dân hay không, và trong khi lãi suất cho vay quá cao như hiện thì các doanh nghiệp sẽ trụ được tới bao giờ?, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng lớn vẫn đang công bố lợi nhuận khá "khủng".
Mạnh Hà
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|