Thứ Bảy, 14/01/2012 14:23

Cuộc đua huy động vốn

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chủ trương giảm lãi suất và giảm tăng trưởng tín dụng nhưng các ngân hàng thương mại vẫn phải huy động một lượng vốn dự phòng, bảo đảm an toàn về thanh khoản cho mình.

"Tung hứng” khách hàng

“Alô, chị ơi, em biết chị đang có tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng M sắp đáo hạn, chị rút tiền sang bên em gửi đi, em có các chương trình khuyến mãi rất hấp dẫn. Chị sẽ được các quyền lợi như...”.

Kể lại cuộc điện thoại trên, chị N. bức xúc vì thông tin cá nhân, việc gửi tiền tiết kiệm, số điện thoại của mình đã không được ngân hàng mình chọn mặt gửi vàng bảo mật mà lại đến tay ngân hàng khác. Đó là điều khiến chị cảm thấy việc huy động tiền gửi của các ngân hàng đã bắt đầu méo mó, khiến khách hàng cảm thấy bất an.

Một phó tổng giám đốc doanh nghiệp xuất nhập khẩu thép thường xuyên được nhân viên các ngân hàng mời đi ăn uống, đến nhà, nhờ tiếp cận qua bạn bè, người thân với đề nghị “Anh mở tài khoản tiền gửi bên ngân hàng em, em sẽ đứng ra đền bù tiền phạt lãi suất rút trước hạn cho anh bên ngân hàng cũ, anh sẽ được hưởng các chế độ tốt nhất”. Anh phát bực mình vì phải tiếp quá nhiều cuộc gọi điện gạ gửi tiền như vậy, vừa mất thời gian, vừa bực mình vì thông tin tài chính của mình cứ như thông tin công cộng.

Hiện tượng này không mới nhưng nó đang rộ lên vào dịp cuối năm bởi các ngân hàng bắt đầu triển khai kế hoạch kinh doanh trong năm tài chính mới, cạnh tranh nhau để hút tiền thưởng Tết, các khoản tiền gửi và nợ đáo hạn của người dân, doanh nghiệp cũng như chuẩn bị dự phòng cho một năm mà họ cho rằng thanh khoản ngân hàng chưa thể bình yên.

Ở chi nhánh một ngân hàng quốc doanh lớn trên địa bàn Hà Nội, tất cả các nhân viên, cả nhân viên bảo vệ nếu có hợp đồng dài hạn đều bị giao hạn mức huy động ngay từ ngày đầu năm 2012. Số dư huy động bình quân của một nhân viên bình thường phải đạt 5 tỉ đồng/năm. Trưởng phòng 10 tỉ đồng/năm, nhân viên bảo vệ nếu có biên chế hay hợp đồng dài hạn phải huy động 2 tỉ đồng. Nếu đạt định mức tối thiểu 50% mới được lĩnh đủ lương. Nếu không đạt 100% định mức tùy theo vị trí sẽ bị xếp loại thi đua thấp và trừ vào tiền thưởng.

Ở chi nhánh một ngân hàng khác, mỗi nhân viên phải đạt số dư huy động ít nhất 600 triệu đồng vào thời điểm cuối tháng, cuối quí hay cuối năm. Các vị trí ngang với trưởng phòng là 1 tỉ đồng và với các bộ phận phụ trách quan hệ trực tiếp với khách hàng có thể lên đến chục tỉ.

Thế mới có chuyện, nhân viên ngân hàng thường xuyên gọi nhau để trao đổi hạn mức huy động tiết kiệm, “chuyển nhượng” khách hàng cho nhau, hay khách hàng khi đến ngân hàng này gửi tiền nhưng lại nhận được sổ tiết kiệm của ngân hàng kia. Có vị còn đang ngớ người ra đã được giải thích: chị yên tâm, vẫn lãi suất cũ, bên đó còn có quà năm mới cho chị. Đến hạn em đưa đủ cho chị, không thiếu một đồng.

Tiến thoái lưỡng nan

Việc chạy đua huy động vốn liệu có giảm không khi tăng trưởng tín dụng sẽ giảm trong năm 2012 như tuyên bố của Chính phủ? Không dễ.

Thứ nhất, theo phó tổng giám đốc một ngân hàng, cấu trúc cho vay huy động của hệ thống ngân hàng phải nhiều năm nữa mới có thể thay đổi do cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng. Đầu vào của ngân hàng luôn là vốn ngắn hạn (90% các khoản tiền gửi ở ngân hàng có kỳ hạn một tháng) và đầu ra luôn là trung, dài hạn, mức độ gắn bó giữa người gửi tiền với ngân hàng không cao nên dù NHNN đã có chủ trương giảm lãi suất và giảm tăng trưởng tín dụng thì các ngân hàng vẫn phải huy động một lượng vốn dự phòng, để đảm bảo thanh khoản cho mình.

Thứ hai, trong trường hợp giả định lạm phát quí 1 giảm, lãi suất huy động giảm nhưng sức nóng cạnh tranh trên thị trường huy động vốn chưa chắc đã giảm. “Chúng tôi dù muốn hay không vẫn phải rất thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách huy động vốn. Dù anh không muốn huy động vốn nhưng nếu dừng các chương tình khuyến mãi, thu hút vốn thì ngay lập tức, không phải một mà nhiều khách hàng sẽ rút tiền đi gửi ngân hàng khác.

Trong phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2012, Thủ tướng đã cảnh báo tình trạng huy động vốn với lãi suất cao, cho vay cao, cho cổ đông sáng lập, cổ đông lớn vay và sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn quá lớn ở các ngân hàng. Trong năm 2011, NHNN đã phát hiện một số ngân hàng đã vi phạm quy định về huy động vốn không kỳ hạn dưới hình thức nhận ủy thác quản lý dòng tiền. Liệu những gì đã diễn ra sẽ lặp lại trong năm 2012?

“Thực sự tôi mong các con sóng lãi suất và thị trường bình ổn lại vì với các ngân hàng đã đầu tư cho cải tổ, thuê công ty tư vấn với chi phí rất lớn sẽ vô nghĩa nếu không có một môi trường mà ở đó người ta cạnh tranh bằng dịch vụ, sáng tạo, thương hiệu chứ không phải quay cuồng đối phó với nhau ngày một ngày hai. Điều này nếu vẫn tiếp diễn sẽ không có một hệ thống ngân hàng chất lượng cao”, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải, nói với TBKTSG.

Hùng Phúc

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bị phạt 200 triệu đồng vì bán 700 USD (13/01/2012)

>   ATM dịp Tết: Vừa rút tiền vừa run (13/01/2012)

>   Mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm 4% (13/01/2012)

>   Khô “ruộng” vốn: Đổi tập quán trước, bơm nước sau? (13/01/2012)

>   Ngân hàng lo chuyện quản trị rủi ro (13/01/2012)

>   Giảm lãi suất cho vay: Món nợ của Ngân hàng Nhà nước? (13/01/2012)

>   SCB sau hợp nhất đã chuyển biến tích cực (12/01/2012)

>   Lại 'nóng' chuyện vay vốn liên ngân hàng (12/01/2012)

>   Sẽ xếp hạng các ngân hàng (12/01/2012)

>   Tỷ giá hạ nhiệt trước Tết Nguyên đán (12/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật